Khí cụ Activator trong chỉnh nha – Lịch sử phát triển và tác động.

Activator hiệu quả trong việc cải thiện chức năng và tạo ra những thay đổi cấu trúc bên trong và hình dạng bên ngoài của xương, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng. Activator làm tăng đáp ứng cơ xương bằng cách tạo ra một kiểu đóng hàm mới của xương hàm dưới. Cùng tìm hiểu lịch sử phát triển của khí cụ Activator và tác động chỉnh nha của chúng trên lâm sàng.

1. Lịch sử phát triển của khí cụ Activator trong chỉnh nha

Năm 1880, Kingsley đưa ra thuật ngữ và quan niệm “nhảy khớp” (jumping the bite) ở những bệnh nhân có hàm dưới lùi sau. Ông làm một loại khí cụ hàm trên có mặt nghiêng ở phía trước để hướng dẫn hàm dưới đưa về trước khi hàm dưới đóng lại. Chính ý tưởng của Kingsley đã ảnh hưởng đến sự phát triển khí cụ chỉnh hình chức năng.

Năm 1908, Andresen là người đầu tiên đưa ra khí cụ activator dựa trên ý tưởng của Kingsley. Đây là loại khí cụ tháo lắp, nằm lỏng lẻo trong miệng bệnh nhân, và chuyển những kích thích cơ đến xương hàm, răng và các mô nâng đỡ răng trong khi thực hiện chức năng.

Nhiều năm trước đó, Robin đã đưa ra một loại khí cụ tương tự activator và gọi là khí cụ monobloc. Khí cụ monobloc giúp đưa hàm dưới về trước ở những bệnh nhân có lưỡi nằm phía sau và hàm dưới lùi sau nhiều gây nguy cơ lưỡi bít kín đường thở. Robin nhận thấy hàm dưới ở vị trí đưa về trước đã làm giảm nguy cơ này và cải thiện đáng kể tương quan giữa hai xương hàm trên và hàm dưới theo chiều trước sau.

Andresen cùng với Haulp – một bác sĩ – Nha chu và là một nhà mô học – nghiên cứu và viết về khí cụ activator. Hai ông cho rằng activator không thể tạo ra một xương hàm dưới lớn từ một xương hàm dưới nhỏ, nhưng nó có thể giúp bệnh nhân có được một xương hàm dưới có kích thước tối ưu. Mục đích điều trị của activator là bằng cách đặt hàm dưới ở vị trí về phía trước để kích thích những thay đổi của lồi cầu và nhờ đó đạt dược khớp cắn mong muốn. Những quan niệm về dự đoán tăng trưởng, hướng tăng trưởng và thời gian. tăng trưởng còn rất mơ hồ vào thời đó.

Khí cụ activator gồm hai nền nhựa hàm trên và hàm dưới liên kết với nhau ở mặt phẳng nhai và có một cung môi ở hàm trên (Hình 1).

khi-cu-activator-1
Hinh 1: Khí cụ activator.

Khí cụ có thể được chẻ đôi theo đường giữa và một lò xo đàn hồi được đặt vào để nới rộng hàm (Hình 2).

khi-cu-activator-2
Hình 2: Lò xo đàn hồi đặt ở đường giữa.

Sau này, khí cụ còn được gắn thêm các loại lò xo khác và ốc nới rộng.

Năm 1952, Eschler đã cải tiến cung môi. Cung môi gồm có hai phần:phần tác động dùng di chuyển răng, phần thụ động giữ môi dưới rời khỏi cung răng và giúp các răng di chuyển như mong muốn. Cung môi đã loại bỏ những áp lực mô mềm không mong muốn trong khi đặt lực chính xác lên các răng cần di chuyển. Cung môi cải tiến đặt nền tảng cho sự phát triển một số loại khí cụ chức năng sau này.

Do khí cụ activator cồng kềnh nên bệnh nhân thường mang vào ban đêm. Các biến thể của khí cụ chức năng sau này gọn gàng hơn cho phép bệnh nhân mang nhiều thời gian hơn. Có hai kiểu biến thể chính:

1.1. Khí cụ activator gồm nền nhựa hàm trên và hàm dưới nối với nhau bằng nhựa nhưng được làm giảm thể tích:

  • Một số khí cụ được mài bỏ bớt phần nhựa khẩu cái, được gọi là khí cụ activator hở (open activator) (Hình 3).
khi-cu-activator-3
Hình 3: Khí cụ activator hở.
  • Một số khí cụ được mài bỏ bớt một ít nhựa khẩu cái, và được tăng cường bằng những đoạn dây di ngang khẩu cái (Hình 4).
Hình 4: Khí cụ bionator (Khí cụ Balters).

1.2. Loại khí cụ gồm nền nhựa hàm trên và hàm dưới nối với nhau bằng những cung dây:

Khí cụ Schwarz là một biến thể đầu tiên của nhóm này. Khí cụ chức năng loại đàn hồi này không quá cồng kềnh nên bệnh nhân thấy thoải mái và mang nhiều thời gian hơn.

2. Cách hoạt động

Activator hiệu quả trong việc cải thiện chức năng và tạo ra những thay đổi cấu trúc bên trong và hình dạng bên ngoài của xương, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng. Activator làm tăng đáp ứng cơ xương bằng cách tạo ra một kiểu đóng hàm mới của xương hàm dưới.

Có ba nhóm quan điểm chính trong việc giải thích tác động của khí cụ activator:

Theo quan điểm của Andresen – Haulp, Petrovic, McNamara, Grude,… các lực tạo ra trong điều trị bằng khí cụ activator là do sự co cơ và hoạt động phản xạ cơ. Một khí cụ lỏng lẻo trong miệng sẽ kích thích các cơ hoạt động. Hoạt động phản xạ của cơ và sự co cơ đẳng trường làm tăng đáp ứng cơ, xương bằng cách tạo ra kiểu đóng hàm mới của hàm dưới. Đầu trên của cơ chân bướm ngoài có vai trò rất quan trọng vì chúng hỗ trợ trong đáp ứng xương. Các activator được thiết kế với hàm dưới đưa ra trước đến vị trí răng cửa đối đầu và mức độ mở hàm dưới nhỏ sẽ hoạt động theo kiểu này.

Các tác giả như Selmer – Olsen, Herren (1953), Woodside (1973), Harvold (1974), … cho rằng tính chất đàn hồi của cơ và sự kéo dãn mô mềm quyết định hoạt động của activator. Khí cụ activator bị xiết chặt giữa hai hàm trên và dưới như một cái nẹp. Khí cụ activator không làm tăng hoạt động phản xạ cơ nhưng lại cho một sự kéo dãn mô mềm lớn, tạo ra năng lượng thế năng làm khí cụ hoạt động và tạo những thay đổi xương, răng. Để khí cụ hoạt động theo cách này, hàm dưới cần đưa nhiều về trước và có độ mở hàm lớn. Bình thường, hàm dưới tự mở ra khi bệnh nhân ngủ. Nếu hàm dưới chỉ mở ra 3-4 mm khi mang khí cụ activator thì khí cụ sẽ bị rơi ra khỏi miệng, hoặc khí cụ sẽ không có tác dụng. Theo Woodside, hàm dưới cần đưa nhiều về trước tạo cắn chéo răng cửa và mở lớn hơn tư thế nghỉ từ 10- 15mm.

Như vậy, tất cả các kiểu hoạt động của khí cụ activator phụ thuộc vào hướng và mức độ mở hàm dưới khi thiết lập tương quan khớp cắn mới. Bằng cách xem xét đặc điểm sọ mặt của từng cá nhân, quá trình tăng trưởng, mục tiêu điều trị, bác sĩ điều trị có thể thực hiện khí cụ activator hoạt động theo cách mà mình mong muốn.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *