Thành phần tạo lực – Khí cụ tháo lắp di chuyển răng.

Để tạo lực di chuyển răng, khí cụ tháo lắp cần phải có thành phần tạo lực. Thành phần tạo lực có thể là ốc nới rộng, các dạng lò xo, cung môi, thun … Tùy vào vị trí, hướng đặt khác nhau của thành phần tạo lực mà chúng ta có thể tạo ra những di chuyển của răng theo các chiều hướng khác nhau. Cùng tìm hiểu các thành phần tạo lực đối với các loại khí cụ tháo lắp di chuyển răng.

1. Tổng quan về thành phần tạo lực trong nhóm khí cụ tháo lắp di chuyển răng

Để tạo lực di chuyển răng, khí cụ tháo lắp cần phải có thành phần tạo lực. Thành phần tạo lực có thể là ốc nới rộng, các dạng lò xo, cung môi, thun … Tùy vào vị trí, hướng đặt khác nhau của thành phần tạo lực mà chúng ta có thể tạo ra những di chuyển của răng theo các chiều hướng khác nhau. Đối với khí cụ tháo lắp, có thể di chuyển răng theo chiều ngang, chiều đứng hoặc chiều trước sau. Tuy nhiên khí cụ tháo lắp khó làm bật chân răng. Có thể kết hợp nhiều thành phần tạo lực trên một khí cụ. Cần lưu ý các lực tương tác hoặc các lực đối kháng sẽ tạo ra trên khí cụ. Vì vậy, tránh các khí cụ có quá nhiều các thành phần tạo lực phức tạp trong khi thành phần lưu giữ không đủ. Khí cụ càng đơn giản, bệnh nhân càng dễ thích nghi.

2. Các loại thành phần tạo lực

2.1. Ốc nới rộng

Ốc nới rộng là thành phần tạo lực thường được sử dụng trong chỉnh hình răng mặt. Ốc nới rộng có thể được gắn cố định trong miệng trong khí cụ nới rộng hàm trên hay nới rộng khẩu cái, hoặc ốc nới rộng được gắn vào khí cụ chỉnh hình tháo lắp. Trong phạm vi cuốn sách này, chúng tôi chỉ đề cập đến phần ốc nới rộng trong khí cụ chỉnh hình tháo lắp (Hình 1).

thanh-phan-tao-luc-1
Hình 1: Khí cụ tháo lắp có ốc nới rộng đẩy răng 21 ra trước.

2.2. Cung môi

Cung môi còn được dùng để ép các răng cửa trước trong khí cụ tháo lắp như khí cụ Hawley, được mô tả bởi Charles Hawley vào thập niên 1920 (Hình 2).

thanh-phan-tao-luc-2
Hình 2: Khí cụ tháo lắp có cung môi

Trong khí cụ chỉnh hình tháo lắp, cung môi có thể là thành phần tạo lực trong khí cụ di chuyển răng hoặc là thành phần duy trì trong khí cụ tháo lắp duy trì. Có thể tạo lực di chuyển răng theo chiều trước sau hoặc chiều ngang hoặc chiều đứng tùy theo vị trí phác họa và hình dạng cung môi.

2.3. Lò xo

Lò xo là thành phần tạo lực thông dụng trong khí cụ chỉnh hình tháo lắp. Lò xo có thể được lưu trong nền nhựa hoặc được hàn vào một thành phần khác như cung môi hoặc móc của khí cụ tháo lắp. Lò xo có thể tác động lên từng răng riêng lẻ hoặc tác động lên một nhóm răng. Tùy theo răng hoặc nhóm răng cần tác động, đường kính dây bẻ lò xo có thể khác nhau. Có nhiều hình dạng lò xo khác nhau tùy theo hướng răng cần di chuyển.

Để di chuyển răng theo chiều gần hoặc xa, có thể sử dụng lò xo ngón tay (lò xo di gần hoặc di xa) (Hình 3)

thanh-phan-tao-luc-3
Hình 3: Các kiểu lò xo ngón tay (A) di gần răng cửa và (B, C) di xa răng cối.

Lò xo chữ Z với nhiều biến thể khác nhau (Hình 4) có thể di chuyển răng theo chiều ngoài trong, dùng đẩy các răng trước hoặc răng sau cắn chéo, hoặc kết hợp với cung môi phía ngoài giúp xoay các răng.

thanh-phan-tao-luc-4
Hình 4: Lò xo chữ Z có 2 bụng và có thể (A) tác động trên 2 răng cùng lúc, (B) lò xo chữ Z có 2 bụng và tác động trên từng răng, (C) lò xo có thanh hướng dẫn, (D) lò xo có một bụng và thanh hướng dẫn và (E) lò xo đẩy ngoài răng cửa không có bụng lò xo.

Lò xo chữ Z thường được đặt phía khẩu cái để đẩy các răng cắn chéo ra ngoài. Tuy nhiên có thể sử dụng lò xo biến đổi để đẩy các răng cắn chéo ngoài má vào trong (Hình 5)

Hình 5: Lò xo đẩy răng cối nhỏ lệch ngoài vào trong.

Thường sử dụng lò xo chữ Z có một hoặc hai bụng lò xo để đẩy răng cối nhỏ hoặc răng nanh cần di chuyển ra phía ngoài má. Sử dụng lò xo chữ T làm bằng dây đường kính 0,5mm dễ điều chỉnh hơn (Hình 6.1, 2).

Hình 6.1: Lò xo chữ T để đẩy răng cối nhỏ (răng nanh) ra phía ngoài.
thanh-phan-tao-luc-8
Hình 6.2: Lò xo chữ T trên mẫu hàm, đẩy múi trong gần răng cối lớn thứ nhất hàm trên ra ngoài.

Cơ chế tác dụng tương tự lò xo chữ Z nhưng cả 2 đầu của lò xo chữ T chôn trong nền nhựa, như vậy tính đàn hồi của lò xo giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp này không cần sử dụng lò xo có độ đàn hồi lớn vì sẽ khó điều chỉnh trên lâm sàng.
Răng nanh mọc lệch ngoài có thể được đẩy vào cung răng bằng lò xo di răng nanh lệch ngoài (Hình 7).

thanh-phan-tao-luc-7
Hình 7: Lò xo di xa răng nanh lệch ngoài (A) nhìn từ mặt ngoài và (B) từ mặt nhai.

Loại lò xo này vừa đẩy răng theo chiều gần xa, vừa đẩy răng theo chiều ngoài trong.

Ngoài ra còn có nhiều dạng lò xo có hình chữ I, L, S, U, Z… được chôn vào nền nhựa hoặc hàn vào cung môi trên cung môi. Dây bẻ lò xo là dây thép không rỉ, thiết diện từ 0,5 – 0,7mm (Hình 8).

Hình 8: (A và B) Lò xo có dạng hình chữ I, L, S, U, Z được hàn hoặc (C và D) được cột vào cung môi.

Ngoài tác dụng tạo lực di chuyển một hoặc vài răng theo chiều gần xa hoặc ngoài trong, lò xo còn có thể nới rộng cả cung răng hàm trên hoặc hàm dưới. Lò xo nới rộng cung răng có hình chữ omega và được sử dụng dây có thiết diện lớn từ 1-1,2mm (Hình 9).

Hình 9: (A) Lò xo nới rộng cung răng hàm trên và (B, C) nới rộng cung răng hàm dưới.

2.4. Thun

Có thể sử dụng thun để kéo răng trong khí cụ tháo lắp. Thun có thể sử dụng kéo từng răng riêng lẻ (Hình 10A), kéo nhiều răng hoặc có thể kéo liên hàm.

Đối với trường hợp kéo răng riêng lẻ bị lệch lạc hoặc ngầm, có thể gắn nút cài trên răng cần kéo – nút cài sẽ được liên kết với móc (hoặc gắn nút cài có dây mắc xích dạng làm sẵn). Răng ngầm sẽ được kéo ra nhờ gắn thun từ móc đến cung môi của khí cụ tháo lắp. Bệnh nhân tự thay thun hàng ngày (Hình 10B).

Hình 10: (A) Thun từ răng nanh hàm dưới đến móc gắn ở nền hàm trên (B) Thun từ núi cài dán ở răng cửa hàm trên đến móc gắn ở nền hàm trên và (C) lò xo kéo răng ngầm được gắn với dây mắc xích dán trên răng ngầm)

Thun có thể được sử dụng để ép các răng trước giảm độ cắn chìa trong một số trường hợp. Tuy nhiên phương pháp này không an toàn nên ít được sử dụng (Hình 11).

Hình 11: Cột thun để kéo các răng trước.

Có thể sử dụng thun để kéo liên hàm hạng II hoặc III bằng khí cụ tháo lắp. Tuy nhiên trong trường hợp này, khí cụ tháo lắp phải thật vững chắc trên cung hàm để khí cụ không bị bật ra khi mang thun kéo (Hình 12).

Hình 12: Cột thun kéo liên hàm (A) hạng II và (B) hạng III.

3. Thành phần giữ – Móc

Là thành phần chủ yếu để giữ vững khí cụ tháo lắp trong miệng (Hình 13).

Hình 13: Móc Adams rất phổ biến trong khí cụ tháo lắp.

Móc có nhiều loại với hình dạng khác nhau và từng loại có ưu khuyết điểm khác nhau.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *