Bài viết này sẽ khái quát tổng quan tất cả các biện pháp dự phòng sâu răng bằng liệu pháp Fluor trong thực tế. Nha sĩ tham khảo thêm và ứng dụng được các phương pháp dự phòng này trên lâm sàng. Cùng tìm hiểu sâu hơn trong bài viết này.
1. Dự phòng sâu răng bằng fluoride theo đường toàn thân
Cả fluoride cung cấp theo đường toàn thân lẫn tại chỗ đều có tác dụng giảm tỷ lệ sâu răng. Dự phòng sâu răng bằng Fluoride cung cấp theo đường toàn thân như: Nước uống, muối, sữa, viên thuốc, kẹo cao su, dạng giọt… nhưng nồng độ fluoride khác nhau ở trong những dạng này.
Fluor hóa nước uống là rất hiệu quả đối với cộng đồng trong việc phòng bệnh sâu răng nhưng chi phí thì lại hơi cao. Những phương pháp cung cấp fluoride theo đường toàn thân khác thường có nồng độ fluoride thấp (muối: 0,6%, thuốc: 0,3%).
Xu hướng hiện nay là tăng cường sử dụng fluoride trong sữa và trong muối, sử dụng fluoride ở trong kẹo cao su cho những người cao tuổi bị chứng khô miệng.
2. Dự phòng sâu răng bằng fluoride theo đường tại chỗ
Ảnh hưởng của fluoride tại chỗ đối với những răng đã mọc phụ thuộc vào nồng độ fluoride, thời gian răng tiếp xúc với fluoride. Fluoride cung cấp theo đường tại chỗ như kem đánh răng, nước súc miệng, chúng cung cấp fluoride tới vị trí hoạt động và lưu giữ chúng ở đó, và xảy ra các phản ứng hóa học, từ đó có tác dụng bảo vệ răng.
Fluoride có tác dụng giảm tạo thành acid từ mảng bám răng. Nó cũng có tác dụng giảm hình thành mảng bám, giảm độ bám dính của mảng bám, cũng như thay đổi hệ vi khuẩn của mảng bám răng. Trong những tác dụng trên, tác dụng giảm tạo thành acid từ mảng bám răng là quan trọng nhất.
3. Fluoride và những hợp chất cho sử dụng tại chỗ
Cung cấp fluoride theo đường tại chỗ là phương pháp cung cấp fluoride quan trọng nhất để dự phòng bệnh sâu răng. Đặc biệt sử dụng fluoride trong kem đánh răng đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc phòng bệnh sâu răng. Có rất nhiều bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng fluoride đóng vai trò quan trọng trong quá trình tương tác giữa mảng bám, nước bọt và răng.
Fluoride sử dụng tại chỗ có 2 loại: một loại được sử dụng ở nhà, còn một loại được sử dụng ở phòng khám.
– Loại sử dụng ở nhà: kem đánh răng, tăm, chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng, gels, nước bọt nhân tạo, kẹo cao su.
– Loại sử dụng ở phòng khám: Loại này được chỉ định và cung cấp dưới sự trợ giúp của nha sĩ, gồm có dạng gel, paste prophylaxis, vecni glassionomer cement, và các chất giải phóng fluoride chậm khác.
Kem đánh răng là dạng cung cấp fluoride tại chỗ phổ biến nhất, có khoảng 450 triệu người đang sử dụng nó. Chỉ có khoảng 20 triệu người sử dụng nước súc miệng và viên thuốc có chứa fluoride. Mặc dù có tận 450 triệu người đang được sử dụng kem đánh răng có fluoride nhưng có đến hơn 90% dân số trên thế giới không được sử dụng nguồn fluoride tại chỗ.
4. Kem đánh răng
Tác dụng của kem đánh răng có fluoride đã được biết đến từ 30 năm về trước. Hơn 90% kem đánh răng ở các nước công nghiệp có chứa fluoride (hầu như 100% ở Thụy Điển, dưới 50% ở Nhật Bản). Mặc dù có những bằng chứng chỉ ra rằng có hơn 450 triệu người được sử dụng kem đánh răng có fluoride thường xuyên, chiếm khoảng dưới 10% dân số trên thế giới. Không may mắn, một số lượng lớn dân số trên thế giới không được sử dụng kem đánh răng có fluoride.
Chức năng của kem đánh răng là có thể loại bỏ mảng bám răng nhờ hoạt động chải răng, cũng như dễ dàng cung cấp các chất có lợi đến răng như fluorides, chất kiểm soát mảng bám, chất ngăn cản tạo thành cao răng.
Để tăng hiệu quả của kem đánh răng có fluoride, chúng ta có thể làm:
– Loại bỏ thường xuyên mảng bám, đặc biệt là ở các mặt tiếp giáp của rằng sau.
– Cung cấp chủ động kem đánh răng có fluoride tới mặt tiếp giáp của các rằng sau, trước khi bề mặt được làm sạch.
Chúng ta có thể tăng thời gian fluoride trong môi trường miệng bằng cách:
– Tăng nồng độ fluoride.
– Tăng số lần chải răng với kem đánh răng fluoride.
– Che phủ mặt tiếp giáp của các răng sau bằng kem đánh răng có fluoride,
5. Nước súc miệng
Nước súc miệng hàng tuần ở trường học là 10ml NaF 0,2% trong 1 phút. Nó rất hiệu quả trong việc kiểm soát sâu răng ở những nơi mà nồng độ fluoride thấp, cũng như dân số có tỷ lệ sâu răng cao, tình trạng vệ sinh răng miệng kém, và không sử dụng kem đánh răng có fluoride hàng ngày.
Nước súc miệng hàng ngày là 10ml dung dịch fluoride 0,025% trong 1 phút sau khi chải răng xong.
Nước súc miệng fluoride chứa chất kiểm soát mảng bám (triclosan + copolymer + sodium lauryl sulphate chlorhexidine + amine fluoride + SnF2…) là tốt hơn nước súc miệng fluoride đơn thuần.
Tuy nhiên, trong những bệnh nhân có nguy cơ sâu răng cao và đặc biệt chức năng tuyến nước bọt bị suy giảm (khô miệng, tiết nước bọt ít hơn 0,7ml trong một phút) thì kết hợp sử dụng fluoride và chlordexidine trong viên kẹo cao su nhai trong 15 đến 20 phút ngay sau mỗi bữa ăn có kết quả rất tốt so với nước súc miệng và kem chải răng chứa fluoride thông thường.
6. Dự phòng sâu răng bằng Fluoride dạng gel và dạng dung dịch
Giống như các dạng fluoride và các chất kiểm soát mảng bám khác, ảnh hưởng của gel fluoride phụ thuộc vào nồng độ, thời gian cung cấp và các nhân tố khác.
Dạng gel fluoride: Gel fluoride được sử dụng tại phòng khám có thành phần tương tự như dạng được sử dụng ở nhà. Nó có thể là NaF, acidulated phosphate fluoride, SnF2, amine fluoride cộng với NaF, và NaF cộng với chlorhexidine. Để tác dụng của fluoride được tối ưu thì mảng bám răng cần được loại bỏ, theo đó gel fluoride được cung cấp tới bề mặt răng bằng máng trong vòng 4 phút. Gel fluoride có chứa SnF2, amine fluoride cộng với NaF và NaF kết hợp với chlorhexidine.
Dạng dung dịch fluoride: Dung dịch fluoride được sử dụng phổ biến là 2% NaF, 8% SnF2, và 1.23% APF (acidulated phosphate fluoride). Amide fluoride cũng được sử dụng. Mặc dù sử dụng 8% SnF2 không còn phổ biến nữa, tuy nhiên nó vẫn rất hiệu quả trong việc kiểm soát sâu răng lan nhanh, sâu răng bú bình và sâu chân răng.
7. Prophylaxis paste
Prophylaxis được sử dụng chủ yếu tại phòng khám để làm sạch răng. Nhưng nó cũng được sử dụng để đánh bóng và hoàn thiện phục hình. Prophylaxis cũng được sử dụng để cung cấp fluoride trong việc dự phòng sâu răng.
8. Cung cấp Fluoride loại giải phóng chậm và bán chậm
Fluoride loại giải phóng chậm và bán chậm như vecni fluoride, glass ionomer cements được phát triển rất nhanh và sử dụng trong phòng khám để phòng và điều trị sâu răng vì hiệu quả của nó rất tốt.
Có 3 loại vecni fluoride: Duraphat (5% NaF; 23% F), Fluor Protector (aminde fluoride; 0,1%) và Bifluoride 12 (6% NaF + 6% CaF2: 6% F). Theo những nghiên cứu về lâm sàng, sử dụng vecni fluoride có thể giảm tỷ lệ sâu răng từ 20 đến 70%.
Ảnh hưởng giảm tỷ lệ sâu răng của vecni fluoride thực chất là do kết hợp với phương pháp làm sạch mảng bám răng, giải phóng chậm fluoride, cũng như sự lưu giữ lâu ngày của vecni.
Chính vì vậy, sử dụng vecni fluoride sẽ được đề nghị như sau:
Đợt 1: cung cấp vecni fluoride khoảng 3 lần trong vòng 7 đến 10 ngày với những bệnh nhân nguy cơ sâu răng cao, kết quả làm giảm tạo thành mảng bám răng, ngừng tiến triển của sâu men.
Đợt 2: vecni fluoride được bôi lại như trên.
Sử dụng vecni fluoride khoảng 2 đến 4 đợt trong một năm.
Sử dụng Glass ionomer cements, resin modify GICS, GIC – modified resin composites (compomers), fluoridated resin composites giải phóng fluoride rất tốt. Ưu điểm nữa của chúng là giải phóng fluoride chậm, có khả năng lấy fluoride từ các nguồn khác như kem đánh răng, kẹo cao su… để cung cấp cho rằng. Một phương pháp hiệu quả nhất và nhanh nhất để lấy fluoride cho miếng hàn GIC và sealants là cung cấp vecni fluoride với nồng độ fluoride cao như bifluorid 12 (6% NaF cộng với 6% CaF2).
Nguồn: Nha cộng đồng tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam
Leave a Reply