Với chẩn đoán viêm niêm mạc quanh implant, điều trị nên trực tiếp hướng tới việc khắc phục hoặc loại trừ các yếu tố bệnh căn gây ra bệnh. Mảng bám vi khuẩn (màng sinh học) được xem là yếu tố bệnh căn nguyên phát của viêm niêm mạc quanh implant; do đó, những nỗ lực mạnh mẽ nên tập trung vào việc loại trừ chúng. Ngoài ra, việc thăm khám thường xuyên là rất quan trọng cho việc hỗ trợ bệnh nhân duy trì sức khỏe quanh implant, và bác sĩ lâm sàng nên cá nhân hóa thông tin cần thiết cho từng bệnh nhân dựa trên tình trạng vệ sinh răng miệng, các yếu tố nguy cơ tại chỗ và toàn thân, và tần số tái khám duy trì. Bài viết nói về vai trò của bác sĩ trong quá trình thăm dò lâm sàng quanh Implant, theo dõi lành thương mô và đánh giá thời điểm sử dụng Xquang hợp lý cho bệnh nhân. Cùng tìm hiểu.
1. Vai trò của bác sĩ trong việc thăm dò lâm sàng quanh Implant và theo dõi lành thương mô
Với chẩn đoán viêm niêm mạc quanh implant, điều trị nên trực tiếp hướng tới việc khắc phục hoặc loại trừ các yếu tố bệnh căn gây ra bệnh. Mảng bám vi khuẩn (màng sinh học) được xem là yếu tố bệnh căn nguyên phát của viêm niêm mạc quanh implant; do đó, những nỗ lực mạnh mẽ nên tập trung vào việc loại trừ chúng.
Độ sâu túi lâm sàng là một thông số chẩn đoán quan trọng và đáng tin cậy cho việc theo dõi liên lục mô quanh implant. Nếu sử dụng áp lực nhẹ (0.2 N) khi thăm dò, thì sự lành thương của bám dính biểu mô dường như hoàn tất sau 5 ngày kể từ lúc thăm dò. Thăm dò quanh implant có thể được thực hiện mà không gây tổn thương vĩnh viễn bám dính biểu mô. Độ sâu túi lâm sàng và sử dụng cây đo túi tại các vị trí implant lành mạnh thì tương tự như tại vị trí răng thật lành mạnh. Trong trường hợp viêm niêm mạc quanh implant hoặc viêm quanh implant, đầu của cây đo túi sẽ nằm gần xương hơn so với trường hợp viêm nướu và/hoặc viêm nha chu. Độ sâu túi quanh implant phải được diễn giải theo độ sâu của implant, bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến độ sâu túi đo được. Do đó, điều quan trọng là phải thiết lập độ sâu túi nền tại thời điểm gắn phục hình để cho phép so sánh với độ sâu túi đo được trong tương lai.
Người ta cho rằng cây đo túi bằng kim loại có thể làm thay đổi hoặc phá hỏng bề mặt implant. Trong hầu hết trường hợp, đầu của cây đo túi sẽ không chạm vào bề mặt implant, hoặc tối đa là chỉ chạm vào bề mặt abutment. Trong trường hợp đó, sự thay đổi bề mặt do đầu của cây đo túi kim loại chạm vào abutment là tối thiểu, và có vẻ ít hơn nếu thăm dò bằng cây đo túi bằng nhựa. Bác sĩ lâm sàng không cần lo ngại về việc thăm dò bằng cây đo túi kim loại thông thường; tuy nhiên, hiện nay đã có cây đo túi bằng nhựa và có hiệu quả tương đương trong việc đo đạc độ sâu túi.
2. Thời điểm và thời gian chụp Xquang theo dõi lành thương mô
Trong mỗi buổi tái khám duy trì, cần cập nhật tiền sử y khoa và sử dụng thuốc đồng thời ghi nhận những thay đổi. Khám ngoài mặt và trong miệng, bao gồm cả tầm soát ung thư hốc miệng, để phát hiện các bất thường có thể xảy ra. Tiếp theo, kiểm tra toàn bộ những yếu tố nguy cơ của răng hoặc implant, bao gồm: mức độ mảng bám, kỹ thuật và tần số vệ sinh răng miệng của bệnh nhân, độ sâu túi, mức bám dính lâm sàng, chảy máu khi thăm dò hoặc chảy mủ, độ lung lay, phục hồi lỗi hoặc tổn thương sâu răng, và tiền sử viêm nha chu.
Việc thăm khám nói trên là rất quan trọng cho việc hỗ trợ bệnh nhân duy trì sức khỏe quanh implant, và bác sĩ lâm sàng nên cá nhân hóa thông tin cần thiết cho từng bệnh nhân dựa trên tình trạng vệ sinh răng miệng, các yếu tố nguy cơ tại chỗ và toàn thân, và tần số tái khám duy trì.
Vì sự lành thương mô mềm trên mào xương sẽ xảy ra sau 5 ngày kể từ khi thăm dò trên lâm sàng, nên implant nên được thăm dò trong mỗi lần tái khám duy trì, như đã đề cập trước đó trong chương này. Chụp phim X-quang là một phương pháp hữu ích để kiểm soát mức xương quanh implant. Tốc độ tiêu viền xương hàng năm khác nhau đã được đề xuất bởi một số nghiên cứu.
Phim X-quang nền tại thời điểm đặt implant và sau khi gắn mão/cầu răng là rất quan trọng. Vì hầu hết những thay đổi lâm sàng thường xảy ra trong năm đầu tiên thực hiện chức năng, nên phim X-quang nên được chụp sau 6 và 12 tháng kể từ khi gắn phục hình. Nếu không có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý, thì phim X-quang sau đó nên được chụp cách nhau 2-3 năm, tùy theo hệ thống implant được sử dụng và tỷ lệ thành công của nó.
Cần thận trọng khi đọc phim X-quang, và đây không phải là thông số duy nhất để ước tính sự thành công của implant, bởi vì chỉ nhìn thấy mức xương ở phía gần và phía xa. Ngoài ra, với những thiết kế và bề mặt implant mới, có thể hy vọng về việc không tiêu xương hoặc tiêu xương tối thiểu ở bệnh nhân duy trì tốt. Người ta nhất trí rằng phim quanh chóp nên kết hợp với khám lâm sàng toàn diện để có đủ thông tin và đưa ra chẩn đoán chính xác.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply