Dựa trên tiêu chí thành công của Buser, implant được xem là thành công lâm sàng khi thỏa mãn những điều kiện được đề cập ở bài viết dưới đây. Do đó, bác sĩ lâm sàng phải nhận diện và xem xét các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân đồng thời thảo luận những yếu tố đó với bệnh nhân. Không những vậy, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ phải được thông báo về nguy cơ tăng thất bại implant trước khi bắt đầu điều trị. Cùng tìm hiểu những yếu tố quyết định sự thất bại/thành công của Implant, đồng thời đánh giá các biến chứng này trên lâm sàng.
1. Những yếu tố quyết định sự thất bại/thành công của Implant
Dựa trên tiêu chí thành công của Buser, implant được xem là thành công lâm sàng khi thỏa mãn những điều kiện sau:
- Bệnh nhân không than phiền kéo dài, bao gồm đau, dị cảm, và/hoặc rối loạn cảm giác;
- Không lung lay
- Không nhiễm trùng tái phát quanh implant kèm theo chảy mủ;
- Không có thấu quang liên tục quanh implant.
Ngược lại, implant thất bại là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những implant không đáp ứng được mục tiêu chức năng, thẩm mỹ, và phát âm, có thể do các biến chứng sinh học hoặc cơ học.
Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị cấy ghép. Những yếu tố này thường được chia thành hai loại là yếu tố bệnh nhân và yếu tố điều trị. Một loạt các tình trạng tại chỗ và toàn thân của bệnh nhân có thể cản trở sự lành thương xương, sự tích hợp xương, hoặc duy trì sự tích hợp xương thành công. Người ta cho rằng những tình trạng toàn thân như điều trị xạ trị, rối loạn chuyển hóa xương, giảm bạch cầu hạt trung tính, lichen phẳng, hội chứng giảm hấp thu, và rối loạn miễn dịch có liên quan đến tỷ lệ thất bại implant cao hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân có sức khỏe kém cũng có nguy cơ thất bại implant cao hơn. Hút thuốc lá và tiền sử bệnh nha chu là những tình trạng khác được xem là yếu tố nguy cơ của thất bại implant. Chất lượng và khối lượng xương kém, cùng với vị trí implant, cũng nằm trong số các yếu tố tại chỗ của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến sự thất bại của implant. Thất bại implant được báo cáo là cao hơn ở hàm trên so với hàm dưới, và cao hơn ở vùng răng sau so với vùng răng trước, có thể là do chất lượng và khối lượng xương khác nhau. Các thói quen cận chức năng là những yếu tố bệnh nhân khác dường như tác động bất lợi đến kết quả cấy ghép.
Ngoài các yếu tố bệnh nhân, có một số yếu tố điều trị có thể làm tăng nguy cơ thất bại implant, chẳng hạn như thiếu kinh nghiệm lâm sàng, khoan xương quá nóng hoặc chấn thương do phẫu thuật quá mức, thiếu độ ổn định implant sơ khởi, nhiễm khuẩn, không sử dụng kháng sinh phòng ngừa, tải lực tức thì, không đủ số lượng implant nâng đỡ, tính chất bề mặt và thiết kế implant không tối ưu.
Do đó, bác sĩ lâm sàng phải nhận diện và xem xét các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân đồng thời thảo luận những yếu tố đó với bệnh nhân. Không những vậy, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ phải được thông báo về nguy cơ tăng thất bại implant trước khi bắt đầu điều trị. Ngoài ra, bác sĩ lâm sàng cần cố gắng loại trừ những yếu tố nguy cơ do điều trị bằng cách áp dụng kỹ thuật phẫu thuật, hướng dẫn lâm sàng, và phục hình phù hợp.
2. Biến chứng và thất bại
Biến chứng và thất bại sinh học
Biến chứng và thất bại sinh học là tình trạng ảnh hưởng đến mô cứng và mô mềm quanh implant. Thất bại sinh học của implant có thể được chia thành thất bại sớm và thất bại muộn. Thất bại sinh học sớm là hậu quả của việc không tích hợp xương trong giai đoạn sớm trước khi tải lực trên implant, có thể do nhiễm trùng, thiếu độ ổn định, hoặc lành thương kém. Thất bại sinh học muộn xảy ra là do không duy trì được sự tích hợp xương do tiêu xương sau tải lực trên implant, có thể vì một số nguyên nhân, chẳng hạn như quá tải lực trên implant hoặc viêm quanh implant.
Quá tải lực có thể là do thiết kế phục hình kém hoặc thói quen cận chức năng của bệnh nhân. Để tránh quá tải lực trên implant, khớp cắn phải được đánh giá, và các tiếp xúc quá mức hoặc tiếp xúc sớm và cản trở khớp cắn phải được loại bỏ. Ngoài ra, bệnh nhân có thói quen cận chức năng cần phải được tăng số lượng implant chịu lực nhai.
Bệnh lý quanh implant là những tổn thương viêm và có liên quan chặt chẽ đến tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Theo quan điểm lâm sàng, bác sĩ lâm sàng phải phát hiện những dấu hiệu sớm của bệnh lý quanh implant. Do đó, độ sâu túi quanh implant nên được ghi lại hàng năm để theo dõi tình trạng quanh implant. Cần nhớ rằng thăm dò bằng cây đo túi nha chu thông thường không gây phá hủy bề mặt implant hoặc bám dính mô mềm. Ngoài ra, bệnh nhân nên được giải thích về sự cần thiết của chương trình chăm sóc duy trì thường xuyên và lâu dài.
Biến chứng và thất bại cơ học
Biến chứng và thất bại cơ học là sự hư hỏng cơ học của implant, các thành phần của implant, và phục hình, chẳng hạn như lỏng hoặc gãy vít hay abutment, vỡ phục hình, và gãy implant. Những biến chứng này có thể có hoặc không gây ra thất bại implant, nhưng chúng có thể làm tăng nhu cầu sửa chữa.
Gãy implant là một trong các biến chứng cơ học được xem là thất bại implant rõ ràng. Một số yếu tố như tiêu xương quanh implant, quá tải lực, nghiến răng, implant đường kính nhỏ, và nhịp với được cho là có liên quan đến gãy implant. Trong trường hợp gãy implant, tháo implant bị gãy và đặt implant mới là điều trị được lựa chọn.
Lỏng abutment hoặc lỏng vít là những biến chứng cơ học thường gặp nhất. Nguyên nhân chính của lỏng abutment hoặc lỏng vít là quá tải lực và các cấu trúc phía trên không khít sát thụ động. Một nghiên cứu hồi cứu của implant gãy đã báo cáo rằng lỏng abutment hoặc lỏng vít xảy ra trước khi gãy implant trong đa số trường hợp. Do đó, không được bỏ qua những biến chứng nhỏ này, bởi vì những nguyên nhân không được giải quyết có thể gây ra hư hỏng xâm lấn và không hoàn nguyên, chẳng hạn như gãy implant.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply