Lạm dụng rượu và nghiện rượu là những vấn đề sức khỏe mà hàng triệu người trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nhận diện và chẩn đoán các vấn đề này không phải là điều dễ dàng, và nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống xã hội của một người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tiếp cận chẩn đoán lạm dụng rượu và nghiện rượu theo ICD-10.
1.Tổng quan
1.1. Lạm dụng rượu
Theo ICD-10 thi gọi là sử dụng rượu có hại, theo DSM IV thì gọi là lạm dụng rượu. Lạm dụng rượu được quy định theo tiêu chuẩn chung về lạm dụng các độc chất. Lạm dụng độc chất là việc sử dụng thái quá một chất tác động đến tâm thần nào đó có hại cho sức khỏe về mặt cơ thể cũng như tâm thần. Lạm dụng độc chất gây ra nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội, không được người chung quanh chấp nhận và không phù hợp với môi trường văn hoá, các hậu quả xấu về mặt xã hội như bị bắt giữ, mất việc làm, mâu thuẫn vợ chồng … không nặng đến nỗi để được chẩn đoán là rối loạn tâm thần.
1.2. Nghiện rượu
Hay còn gọi là lệ thuộc rượu là toàn bộ những hành vi, nhận thức, và đáp ứng sinh lý của người sử dụng một hoặc nhiều chất tác động đến tâm thần nào đó làm cho bản thân người nghiện dần dần không làm được những công việc khác nữa. Đặc điểm cơ bản của nghiện là sự thèm muốn mãnh liệt có khi mang tính chất cưỡng bức phải uống rượu cho được. Sau khi cai nghiện nếu tái nghiện thì hội chứng nghiện lại xuất hiện rất nhanh hơn cả lần nghiện đầu tiên.
2. Nguyên nhân
Rượu là một thức uống có từ lâu đời và được sử dụng trong nhiều nền văn hoá, trong các lễ hội, dùng trong y khoa, uống rượu để “lấy sức”…nhưng uống lạm dụng rượu và nghiện rượu là những trạng thái bệnh lý có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Do nguyên nhân nghiện rượu vẫn chưa xác định rõ, nhưng người ta nhận thấy có nhiều yếu tố gây nghiện rượu như do di truyền (nam giới nhiều hơn nữ giới, trên điện não của con những người nghiện có sóng alpha biên độ thấp), do tập tính (do bắt chước hoặc bạn bè lôi kéo), do yếu tố sinh học, tâm lý…người ta nhận thấy bố mẹ nghiện rượu thì con cái có tỷ lệ uống rượu cao ( khoảng 25%).
Nghiện rượu thường kết hợp với trầm cảm (ngay cả đối với vợ của người nghiện), hành vi phạm pháp, nhân cách chống xã hội của bản thân người nghiện cũng như ở người thân là nam giới.
Nghiên cứu ở những cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy chúng có tỷ lệ cùng uống rượu cao hơn những cặp sinh đôi khác trứng. Con nuôi ít uống rượu hơn là con đẻ của những người nghiện.
Yếu tố văn hoá xã hội cũng rất quan trọng, trong những xã hội Hồi giáo thi việc uống rượu hoàn toàn bị cấm do lý do tín ngưỡng chứ không phải do lý do sức khoẻ. Các tác động tâm lý mạnh lên những người có yếu tố di truyền làm phát sinh nghiện rượu, yếu tố này thường tác động lên nam giới nhiều hơn “nam vô tửu như kỳ vô phong”, “ vô tửu bất thành 96 lễ”. Theo số liệu điều tra tại Phường Đúc TP Huế tỷ lệ nghiện rượu và lạm dụng rượu trong cộng đồng là 3,21%, ở Hà Tây là 3,60%, ở Đà Nẵng là 5,59%.
3. Tác dụng dược lý của rượu trong cơ thể
Sau khi uống, ta thấy rượu xuất hiện trong máu và tuỳ theo nồng độ của rượu mà người uống có nhiều cảm giác khác nhau.
– 1-100mg/dl Cảm thấy thoải mái, êm dịu.
– 100-150mg/dl Mất phối hợp động tác và dễ bị kích thích.
– 150-200mg/dl Nói không rõ và thất điều.
– >250mg/dl Ngất hoặc hôn mê.
Ngoài ra ta còn nhận thấy ở những bệnh nhân nghiện rượu có – MCV (Mean corpuscular volume) cao đến 95%
– 75% bệnh nhân nghiện rượu có men Gamma-glutamyltransferase tăng, đây là chỉ điểm cận lâm sàng để phát hiện bệnh nhân nghiện rượu sớm nhất .
4. Biểu hiện lâm sàng
Thật ra không có một hình ảnh điển hình của một bệnh nhân nghiện rượu về mặt lâm sàng, các hình thức uống rượu cũng như các triệu chứng đều khác nhau tùy từng trường hợp một. Trong giai đoạn đầu chúng ta khó phát hiện được bệnh nhân uống rượu vì người nào cũng phủ nhận việc uống nhiều rượu của mình hơn nữa các triệu chứng còn nghèo nàn, ta chỉ phát hiện được nhờ vào những thông tin của gia đình hoặc bạn bè, cơ quan.
Đầu tiên là sự thay đổi về thói quen sinh hoạt hằng ngày, năng suất lao động giảm sút, lười biếng, chậm chạp hay vắng mặt tại cơ quan không có lý do, nhân cách thay đổi nhẹ, nhiều cảm xúc…. Khi nghiện rượu tiến triển, một vài thay đổi về mặt cơ thể bắt đầu xuất hiện như nổi trứng cá đỏ ở mặt, mũi to và đỏ ở một vài bệnh nhân, hồng ban ở lòng bàn tay, gan lớn và thâm nhiễm mỡ đây là biểu hiện tổn thương ở gan đầu tiên của người nghiện rượu, hay bị nhiễm trùng đường hô hấp, ngất xỉu, hay bị tai nạn do điều khiển xe cộ không chính xác. Trong giai đoạn sau thi xuất hiện xơ gan, vàng da, bụng báng, teo tinh hoàn, vú to, mất việc, gia đình tan vỡ.
5. Tác hại của rượu
- Đối với cơ thể
Rượu gây rất nhiều tác hại, tùy theo số lượng uống hằng ngày và thời gian uống mà rượu gây ra nhiều tác hại khác nhau, hầu hết các cơ quan trong cơ thể đều bị tác hại của rượu, rượu làm cho đường tiêu hóa bị ảnh hưởng trước tiên, gây viêm dạ dày, tiêu chảy, gây loét hoặc làm cho tổn thương loét có sẵn trở nên trầm trọng hơn do tác động của rượu lên niêm mạc dạ dày ruột, hầu hết người nghiện có gan bị thâm nhiễm mỡ, 10% người nghiện nặng bị xơ gan. Viêm tụy, đái tháo đường, bệnh cơ tim, giảm tiểu cầu, thiếu máu, bệnh cơ vân… là những tổn thương thường gặp, rượu còn gây bất thường bào thai gọi là hội chứng thai rượu, trẻ có vòng 97 đầu nhỏ, mặt bẹt, chỉ số thông minh thấp, rối loạn hành vi, hội chứng này gặp 1-2 /100.000 cuộc sinh… vì vậy các bà mẹ mang thai được khuyên là không nên uống rượu.
Đối với hệ thần kinh trung ương thì rượu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, viêm thần kinh ngoại vi do thiếu vitamin nhóm B (nhất là B1), làm tổn thương tiểu não gây loạn vận ngôn (khó phát âm) và thất điều (loạng choạng). Gây hội chứng Wernick với tam chứng: rung giật nhãn cầu – thất điều – lú lẫn, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách tiêm vitamin B1 liều cao, nếu không điều trị sau hội chứng Wernick thì sẽ xuất hiện hội chứng Kocxacop. Rượu còn gây teo não, các não thất giãn rộng, các rãnh vỏ não rộng ra.
Uống càng nhiều rượu càng dễ bị ung thư miệng, lưỡi, yết hầu, thực quản, dạ dày, gan, tụy. Đối với đàn ông rượu gây bất lực, vô sinh do teo dịch hoàn. Nồng độ estrogen trong máu tăng cao làm xuất hiện nhiều triệu chứng nữ hóa như vú to, hình dạng hệ lông mu thay đổi. Người nghiện rượu thường hay bị chấn thương do bị ngã, bị tai nạn giao thông.
- Tâm thần
Hội chứng Kocxacop do thiếu B1 với các triệu chứng viêm nhiều dây thần kinh, quên ngược chiều, bịa chuyện, hội chứng này do những tổn thương hoại tử ở thể vú, đồi thị, và một số vùng ở thân não, khoảng 1/3 bệnh nhân có thể hồi phục được. Mất trí nhẹ do thiếu vitamin hoặc cũng có thể do tác động trực tiếp của rượu. Hoạt động trí năng giảm sút. Bị trầm cảm thứ phát ( 60%), do trầm cảm làm cho nguy cơ tự sát tăng cao, 2-4% bệnh nhân nghiện rượu tự sát, tự sát còn là hậu quả của những tác động về mặt tâm lý xã hội do rượu gây ra.
- Gia đình và cộng đồng
Người nghiện rượu thường gây ra những hành vi có tính bạo lực trong gia đình, tạo không khí căng thẳng cho các thành viên làm cho nhiều người bị lo âu trầm cảm theo, tỷ lệ ly hôn do rượu cao, đối với xã hội thì người nghiện có năng suất lao động thấp, gây tai nạn cho người khác như tai nạn giao thông chẳng hạn, có những hành vi bạo hành ở các quán rượu, mất việc làm cho gia đình bị thiệt hại về mặt kinh tế, ngoài nghiện rượu ra bệnh nhân thường nghiện nhiều độc chất khác nữa. Nhiều bệnh nhân bị xử lý do phạm pháp, người nghiện rượu phải chịu trách nhiệm hành vi về những việc mình làm trong cơn say.
6. Chẩn đoán theo ICD-10
6.1. Lạm dụng rượu
Là người sử dụng nhiều rượu đủ để gây hại cho cơ thể, bị người khác phê phán. Không có biểu hiện nghiện.
6.2. Nghiện rượu
Là toàn bộ những hiện tượng về tập tính, sinh lý, nhận thức của người sử dụng độc chất hướng tâm thần làm cho bệnh nhân dần dần không thể thực hiện được những công việc thường ngày của mình. Nét đặc trưng của nghiện là sự thèm muốn mãnh liệt làm bệnh nhân không cưỡng lại được. Bệnh nhân thường tái nghiện sau khi đã cai làm cho hội chứng lệ thuộc lại xuất hiện nhanh hơn so với lần nghiện đầu tiên. Nguyên tắc chẩn đoán:
– Thèm muốn mãnh liệt, cảm thấy bắt buộc phải uống rượu.
– Không tự làm chủ được mình.
– Khi ngưng sử dụng có hội chứng cai xuất hiện.
– Phải tăng liều dần mới đạt được khoái cảm.
– Bỏ bê công việc hàng ngày và dùng nhiều thời gian để tìm kiếm và sử dụng chất gây nghiện.
– Tiếp tục sử dụng độc chất mặc dù đã có những hậu quả về mặt cơ thể.
Xem thêm:
Viêm gan do rượu: Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị | Vinmec
Điều trị hội chứng cai rượu | Vinmec
Biến chứng thần kinh của nghiện rượu | Vinmec
Video đề xuất:
Giải độc gan bị nhiễm độc do rượu bia thế nào?
Leave a Reply