Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc mạch máu bình thường ở ống hậu môn, bao gồm các mạch máu thông nối với máu tạo thành hai đám rối – tĩnh mạch trĩ trên và tĩnh mạch trĩ dưới. Trong trường hợp sinh lý bình thường, đám rối tĩnh mạch trĩ có vai trò đệm đỡ vùng ống hậu môn trong hoạt động đi tiêu. Khi mạch máu của đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Bệnh trĩ có thể được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn tùy thuộc vào mức độ bệnh hay biến chứng của bệnh.
1. Phân loại và triệu chứng của bệnh trĩ
Dựa vào vị trí và nguồn gốc, các búi trĩ có thể được chia thành 02 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội là các búi trĩ có vị trí phía trên hay ngay trên đường lược. Trĩ nội có nguồn gốc từ đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Các búi trĩ nội được chi phối bởi hệ thống thần kinh tạng nên ít nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác. Trĩ nội được chia thành 04 mức độ
- Độ I: Búi trĩ nội quan sát được bằng nội soi hậu môn trực tràng, có thể nhô vào ống trực tràng nhưng không vượt qua đường lược
- Độ II: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, sau đó tự rút lại được
- Độ III: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, không tự rút lại được, cần dùng tay đẩy búi trĩ lên.
- Độ IV:Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn và không thể dùng tay đẩy búi trĩ lên được.
- Trĩ ngoại là các búi trĩ có vị trí bên dưới của đường lược. Trĩ ngoại có nguồn gốc từ đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ và có chi phối thần kinh cảm giác bản thể nên rất nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác.
- Trĩ hỗn hợp – là những búi trĩ trĩ kéo dài từ bên trên và vượt qua đường lược, mang những đặc điểm của cả trĩ nội và trĩ ngoại.
Khoảng 40% bệnh nhân bị trĩ không có triệu chứng. Tùy thuộc vào loại trĩ bệnh nhân mắc phải mà triệu chứng cơ năng có thể rất khác nhau.
Một số triệu chứng cơ năng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc trĩ nội:
- Tiêu máu: đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân đi khám.
- Cảm giác ẩm ướt vùng hậu môn
- Ngứa hậu môn: sự ẩm ướt do dịch nhầy tiết ra bởi khối trĩ hoặc các chất từ ống trực tràng làm kích ứng vùng da quanh hậu môn
Một số triệu chứng cơ năng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc trĩ ngoại:
- Tiêu máu
- Đau và ngứa vùng lỗ hậu môn
- Sờ thấy khối vùng hậu môn
Bài viết về chủ đề phân loại, phân độ và chẩn đoán bệnh trĩ đã có trên chuyên trang VinmecDr.
2. Điều trị bảo tồn bệnh trĩ
2.1 Tiếp cận điều trị triệu chứng bệnh trĩ
Điều trị bảo tồn bệnh trĩ là nhắm đến điều trị làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh trĩ, đồng thời cố gắng hạn chế tiến triển nặng lên của bệnh trĩ và tránh rơi vào các biến chứng nguy hiểm. Các triệu chứng thường khiến các bệnh nhân mắc trĩ tìm kiếm sự hỗ trợ về y tế gồm:
- Chảy máu: Các búi trĩ ngoại thường không chảy, nếu có chảy máu thường cũng tự giới hạn. Để hạn chế nguy cơ chảy máu cần phối hợp chế độ ăn và sử dụng các biện pháp bảo tồn hay can thiệp. Các biện pháp hạn chế búi trĩ chảy máu được đề cập bên dưới.
- Ngứa hay kích ứng vùng da quanh hậu môn: có nhiều biện pháp bảo tồn giúp làm giảm cảm giác khó chịu quanh vùng hậu môn do trĩ. Chủ yếu là sử dụng các loại thuốc mỡ, kem thoa hay ngâm nước ấm.
- Trĩ tắc mạch thường gây đau. Trĩ tắc mạch có thể được điều trị bảo tồn bằng các thuốc giảm đau. Trường hợp trĩ ngoại tắc mạch, trĩ tắc mạch gây đau quá nhiều cần được can thiệp tích cực hơn.
- Trĩ nội sa xuống ống hậu môn: các biện pháp điều trị bảo tồn thường ít có hiệu quả trong điều trị làm giảm mức độ sa của khối trĩ nội. Trĩ độ III thường cần các biện pháp xử trí tích cực hơn như buộc thắt bằng dây cao su. Trĩ nội độ IV nên can thiệp bằng phẫu thuật.
2.2 Các biện pháp điều trị bảo tồn trĩ
Khi bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, nên khởi động điều trị bằng các phương pháp điều trị bảo tồn gồm thay đổi thói quen và sử dụng các loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng của trĩ.
Thay đổi chế độ ăn và thói quen sống
Nhiều bằng chứng cho thấy tăng lượng chất xơ trong khẩu phần giúp cải thiện triệu chứng chảy máu và giảm chậm quá trình sa của trĩ nội khi búi trĩ còn nhỏ.
Khẩu phần ăn nên có khoảng 20g đến 30g chất xơ không hòa tan mỗi ngày, đảm bảo lượng nước mỗi ngày từ 1.5 đến 2 lít. Điều này sẽ giúp phân mềm, cải thiện tần suất đi cầu, giúp hạn chế rặn. Tuy nhiên hiệu quả có thể phải đến 6 tuần mới trở nên đáng kể.
Có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung xơ để giúp giảm táo bón. Tuy nhiên nên ưu tiên bổ sung xơ bằng các thực phẩm tự nhiên. Các loại thực phẩm nhiều xơ như: bông cải, chà là, cà rốt, rau chân vịt, các loại ngũ cốc, đậu phộng,…
Các loại thuốc giảm đau và kháng viêm steroid dùng tại chỗ
Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau dạng dùng tại chỗ, các chế phẩm chứa steroid để điều trị các triệu chứng ngứa và kích ứng ở vùng da quanh hậu môn. Có thể phối hợp với các loại kháng khuẩn để giúp các triệu chứng đáp ứng tốt hơn.
- Thuốc mỡ hydrocortisone
- Thuốc mỡ loại emollient
- Thuốc mỡ kháng khuẩn mupirocin
- Thuốc mỡ giảm đau dibucaine hay pramoxine
- Thuốc mỡ phối hợp hydrocortisone-lidocaine trong trường hợp đau nhiều, trĩ tắc mạch.
Các thuốc này thường được dùng 2-3 lần mỗi ngày, các loại steroid không nên dùng quá 7 ngày.
Các thuốc cải thiện trương lực tĩnh mạch
Các thuốc này có thể dùng ngoài hoặc dùng đường uống. Giúp cải thiện trương lực tĩnh mạch, lưu thông bạch huyết, tính thấm của các vi mạch máu nên có thể giảm chảy máu do trĩ.
- Hydroxyethylrutoside dùng tại chỗ hay uống
- Calcium dobesilate dùng tại chỗ hay uống
Các thuốc giảm trương lực cơ vòng hậu môn
Có thể giúp giảm đau do co thắt cơ vòng hậu môn, hỗ trợ điều trị trong trường hợp trĩ gây đau.
- Thường dùng là nitroglycerin dạng dùng tại chỗ
Ngâm nước ấm
Ngâm nước ấm giúp giảm trương lực cơ vòng môn và có tác dụng giảm đau. Đồng thời ngâm nước ấm cũng giúp giảm kích ứng và ngứa do trĩ. Nên thực hiện ngâm nước ấm khoảng 2-3 lần mỗi ngày.
Leave a Reply