Tái tạo xương có hướng dẫn GBR là một trong những kỹ thuật phẫu thuật được sử dụng để tăng xương ổ răng. Nói chung, những kỹ thuật này được gọi là phẫu thuật tăng sống hàm. Khác với các kỹ thuật tăng sống hàm khác, chẳng hạn như ghép xương khối tự thân, GBR tương đối không xâm lấn, và thực tế là GBR chủ yếu sử dụng những vật liệu ghép không phải xương tự thân của bệnh nhân, do đó không cần thêm vị trí phẫu thuật thứ hai để lấy xương. Cùng phân tích kỹ thuật này theo góc nhìn so sánh với các kỹ thuật khác và phân tích cụ thể vấn đề hơn.
1. Tái tạo xương có hướng dẫn (GBR) là gì?
Tái tạo xương có hướng dẫn GBR là một trong những kỹ thuật phẫu thuật được sử dụng để tăng xương ổ răng. Nói chung, những kỹ thuật này được gọi là phẫu thuật tăng sống hàm. Khác với các kỹ thuật tăng sống hàm khác, chẳng hạn như ghép xương khối tự thân, GBR tương đối không xâm lấn, và thực tế là GBR chủ yếu sử dụng những vật liệu ghép không phải xương tự thân của bệnh nhân, do đó không cần thêm vị trí phẫu thuật thứ hai để lấy xương. Trước đây, GBR được sử dụng để ghép sống hàm nhằm cải thiện hình dạng sống hàm trước khi làm phục hình toàn hàm hoặc để cải thiện vị trí nhịp cầu vì mục đích thẩm mỹ. Hiện nay, GBR chủ yếu được sử dụng trong những trường hợp tăng thể tích xương cần thiết để tạo thuận lợi cho việc đặt implant.
2. Khác biệt so với kỹ thuật tái tạo mô có hướng dẫn (GTR)
Mặc dù cả hai thủ thuật đều hoạt động dựa trên những nguyên tắc tương tự nhau là loại trừ tế bào chọn lọc và duy trì khoảng, nhưng chúng lại khác nhau ở mô đích được tái tạo. Tái tạo mô có hướng dẫn GTR được sử dụng xung quanh chân răng của răng bị nha chu để tái tạo mô nha chu bị mất – cụ thể là dây chằng nha chu mới, xương mới, và xê măng mới – trên bề mặt chân răng bệnh lý trước đó. Do đó, mục tiêu chính của GTR là tái tạo cả mô cứng lẫn mô mềm, trong khi đó, GBR chủ yếu tái tạo xương mới (mô cứng) trên nền xương có sẵn của bệnh nhân. Điều quan trọng cần ghi nhớ là các phẫu thuật ghép xương xung quanh implant tại thời điểm đặt implant hay sau đó thì đều được gọi là GBR.
3. Khác biệt so với kỹ thuật bảo tồn sống hàm
Mặc dù xương là mô đích sẽ được tái tạo khi lựa chọn kỹ thuật GBR hoặc bảo tồn sống hàm/ổ răng, nhưng hai kỹ thuật này lại khác nhau ở thời điểm thực hiện trong trình tự điều trị cũng như mục đích chính của chúng. GBR thường được thực hiện như một quy trình riêng (để tăng sống hàm) sau khi nhổ răng và trước hoặc tại thời điểm đặt implant. Ngược lại, bảo tồn sống hàm/ổ răng được thực hiện tại thời điểm nhổ răng để hạn chế sự tiêu sống hàm sinh lý thường xảy ra sau nhổ răng.
4. Cách thức hoạt động của kỹ thuật tái tạo xương có hướng dẫn (GBR)
Như đã đề cập ở trên, GBR hoạt động theo nguyên tắc loại trừ tế bào chọn lọc và duy trì khoảng. Để đạt được những mục tiêu này, màng và xương ghép hạt được sử dụng. Vai trò của màng có tác dụng như hàng rào ngăn tế bào biểu mô và mô liên kết từ vạt phía trên tăng sinh và chiếm lấy khoảng được tạo ra cho sự tái tạo xương. Nếu không được loại trừ, tế bào biểu mô (có động học tế bào cao hơn tế bào xương) sẽ chiếm lấy khoảng này, dẫn tới sự lấp đầy khoảng bằng mô mềm, từ đó đưa đến kết quả kém. Ngoài ra, màng cũng giúp duy trì khoảng. Vai trò đặc hiệu của xương ghép là để duy trì khoảng và có tác dụng như giá thể cho các tế bào tiền thân của xương bám dính, tăng sinh, và biệt hóa thành tế bào tạo xương (tạo cốt bào) có khả năng sản xuất khuôn xương ngoại bào, và cuối cùng sẽ khoáng hóa để tạo xương trưởng thành.
Xương ghép và màng là hai thành phần chính của GBR. Như đã liệt kê trong bảng dưới đây, dựa trên nguồn gốc, xương ghép hạt có thể là xương tự thân, xương đồng loại, xương dị loại, hoặc xương tổng hợp. Hiện nay, xương đồng loại và xương dị loại là những vật liệu ghép được sử dụng phổ biến nhất trong GBR. Dựa trên khả năng phân hủy sinh học của màng, chúng có thể được chia thành màng tiêu hoặc không tiêu. Mặc dù bác sĩ lâm sàng vẫn sử dụng màng không tiêu trong một số tình huống lâm sàng, nhưng phần lớn quy trình GBR hiện nay đều sử dụng màng tiêu (để tránh nguy cơ từ phẫu thuật lấy màng không tiêu). Trong những tình huống lâm sàng đòi hỏi sự loại trừ tế bào và duy trì khoảng hiệu quả trong thời gian dài, nên sử dụng vít đóng (tacking screw) để giữ cạnh màng nằm sát với xương bên dưới và vít lều (tenting screw) để tạo thêm nâng đỡ cho màng từ bên dưới. Một tổng quan mô tả gần đây có thể cho biết nhiều thông tin hơn về vật liệu sinh học nha chu dùng trong ứng dụng tái tạo.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply