Phẫu thuật ngách hành lang là một thủ thuật được sử dụng để “phục hồi” chiều cao sống hàm bằng cách định vị mô mềm bám dính vào mặt ngoài hoặc mặt trong của sống hàm về phía chóp. Phẫu thuật ngách hành lang có thể được thực hiện bằng một số cách khác nhau. Bài viết này sẽ làm rõ hơn phương pháp thực hiện phẫu thuật ngách hành lang và cắt thắng đối với quá trình thực hiện thủ thuật Implant Nha khoa. Cùng tìm hiểu.
1. Thực hiện phẫu thuật ngách hành lang, cắt thắng trong lĩnh vực Implant Nha khoa
Phẫu thuật ngách hành lang là một thủ thuật được sử dụng để “phục hồi” chiều cao sống hàm bằng cách định vị mô mềm bám dính vào mặt ngoài hoặc mặt trong của sống hàm về phía chóp. Phẫu thuật ngách hành lang có thể được thực hiện bằng một số cách khác nhau. Trong kỹ thuật tách trần (denudation), toàn bộ mô mềm từ viền nướu đến đường nối niêm mạc-nướu sẽ được loại bỏ, để lại xương ổ răng bên dưới lộ ra xoang miệng. Mục đích của thủ thuật này là loại bỏ và thay thế nước hiện tại bằng vùng nướu sừng hóa mới rộng hơn. Bằng cách làm như vậy, ngách hành lang sẽ được làm sâu. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu xương trầm trọng hoặc bệnh nhân cực kỳ khó chịu trong suốt quá trình lành thương, đã được ghi nhận.
Trong phẫu thuật ngách hành lang vạt bán phần, chỉ có phần bề mặt của niêm mạc miệng được loại bỏ, để lại xương được phủ bởi màng xương. Ở đây, tạo đường rạch ngang hơi nằm trên đường nối niêm mạc-nướu và tôn trọng lượng mô sừng hóa còn lại. Trong trường hợp hoàn toàn không có nướu sừng hóa, tạo đường rạch ngang ngay dưới viền nướu tự do đến màng xương. Thường cần thêm hai đường rạch đứng để bộc lộ tốt hơn màng xương bên dưới, từ đó tạo thuận lợi cho việc lật và định vị vạt về phía chóp. Lật vạt bán phần, chỉ để lại màng xương để bảo vệ sống hàm bên dưới và làm nền nhận ghép cho miếng ghép nướu nếu phẫu thuật ngách hành lang được thực hiện kết hợp với ghép nướu. Mô di động và thắng phía trên màng xương phải được loại bỏ để tránh sự tái phát mô mềm trong suốt quá trình lành thương. Nếu ghép nướu được dự kiến, miếng ghép sẽ được thu hoạch từ khẩu cái hoặc lồi củ hàm trên, và được ổn định bằng cách khâu mũi rời đơn hoặc khâu đệm trong để ghép màng xương với nướu. Vạt được định vị về phía chóp đến độ sâu ngách hành lang dự kiến. Có thể sử dụng gói phẫu thuật để bảo vệ vị trí phẫu thuật và vùng màng xương mới bộc lộ nếu không thực hiện ghép nướu.
Phẫu thuật cắt thắng được thực hiện bằng cách loại bỏ hoàn toàn điểm bám thắng chứa mô sợi. Tương tự như phẫu thuật ngách hành lang, bác sĩ lâm sàng có thể lựa chọn để lại hoặc không để lại lớp màng xương phía trên xương. Mảnh ghép nướu cũng có thể được đặt lên vùng mà thắng từng bám.
Phẫu thuật ngách hành lang và phẫu thuật cắt thắng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng lưỡi dao mổ hoặc laser mô mềm. Tóm lại, phẫu thuật ngách hành lang và phẫu thuật cắt thắng có thể được thực hiện bằng vạt bản phần hoặc toàn phần, và có hoặc không có kết hợp ghép nướu.
Ví dụ như case trên, bác sĩ tiến hành phẫu thuật ngách hành lang ở mặt ngoài implant #26 và phẫu thuật cắt thắng ở răng #25 kết hợp với ghép nướu (Hình A-D). Tạo đường rạch ngang nằm hơi trên đường nối niêm mạc-nướu ở mặt ngoài răng #25 và implant #26, rồi lật vạt bản phần, để lại màng xương làm nền nhận ghép cho miếng ghép nướu. Các mô di động trên màng xương, đặc biệt là ở răng #25 là nơi có cấu trúc giống thắng bám, phải được loại bỏ. Mảnh ghép nướu 25 mm x 7 mm dày 1.5 mm được thu hoạch từ khẩu cái bên trái, rồi đặt lên nền màng xương đã chuẩn bị tại vị trí #25 và #26. Mảnh ghép nướu được khâu bằng mũi khâu rời đơn để ghép màng xương và miếng ghép lại với nhau. Sau khi đã ổn định miếng ghép nướu, dùng tay kéo hành lang má để kiểm tra xem miếng ghép có di động hay không nhằm đảm bảo cho sự ổn định của miếng ghép. Ba tuần sau phẫu thuật, sự lành thương tại vị trí phẫu thuật có vẻ bình thường, với bằng chứng là dải nướu sừng hóa quanh răng #25 và implant #26 (Hình E). Bốn tháng sau phẫu thuật, nướu mặt ngoài tại vị trí #25 và #26 đã có các dấu hiệu của sự sừng hóa hoàn toàn, với dải mô sừng hóa 7-10 mm, đủ độ sâu ngách hành lang, và không còn thắng mặt ngoài (Hình F).
2. Chống chỉ định của thủ thuật
Bởi vì phẫu thuật ngách hành lang và phẫu thuật cắt thắng có thể gây lành thương sẹo thứ phát khi màng xương bên dưới còn bị bộc lộ, nên khá thường gặp tình trạng vị trị phẫu thuật phát triển mô sẹo có màu sắc khác so với màu mô xung quanh. Ngoài ra, đường nối niêm mạc-nướu mới hình thành tại vị trí phẫu thuật có thể không thẳng hàng với đường nối niêm mạc- nướu kế bên. Vì những lý do này, phẫu thuật ngách hành lang và phẫu thuật cắt thắng có thể bị chống chỉ định tương đối ở những vùng đòi hỏi thẩm mỹ cao. Hơn nữa, nếu vùng phẫu thuật ngách hành lang và phẫu thuật cắt thắng nằm sát các cấu trúc giải phẫu nhạy cảm (ví dụ như lỗ cằm), thì có thể chống chỉ định các thủ thuật này để tránh dụng cụ bén gây phá hủy cấu trúc (chẳng hạn như tổn thương thần kinh).
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply