Chẩn đoán và điều trị bệnh ấu trùng giun đầu gai

Chẩn đoán và điều trị bệnh ấu trùng giun đầu gai là rất quan trọng vì đây là một loại bệnh lý đường ruột phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và người lớn sống trong những vùng có mức độ vệ sinh kém. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là trẻ em.

1. Chẩn đoán

1.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ

Bệnh nhân sống trong vùng dịch tễ có bệnh ấu trùng giun đầu gai lưu hành, ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng và có các bệnh cảnh lâm sàng.

1.2. Trường hợp bệnh xác định

Là trường hợp bệnh nghi ngờ và có kèm theo các xét nghiệm sau:

– Soi trực tiếp tìm thấy ấu trùng Gnathostoma spp. ở các vị trí tổn thương, hoặc

Xét nghiệm ELISA phát hiện kháng thể IgM/IgG kháng ấu trùng Gnathostoma spp. dương tính, hoặc/và:

+ Bạch cầu ái toan tăng cao và/hoặc chỉ số IgE toàn phần tăng.

+ Chẩn đoán hình ảnh: phát hiện các hình ảnh tổn thương ở nội tạng, mô tương ứng gợi ý thương tổn do ấu trùng.

1.3. Chẩn đoán phân biệt

– Bệnh giun lươn S. stercoralis, viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do giun A. cantonensis, ký sinh trùng ở hệ thần kinh trung ương.

– Ấu trùng giun đũa chó/mèo.

– Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc.

– Sán lá gan lớn, ấu trùng sán dây lợn.

– Nhiễm các loại giun đường ruột khác.

2. Điều trị

2.1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị thuốc đặc hiệu phối hợp với điều trị triệu chứng.

2.2. Điều trị đặc hiệu

Sử dụng một trong các thuốc theo thứ tự ưu tiên như sau:

2.2.1. Phác đồ 1: albendazole (viên nén 200mg và 400mg)

a) Liều dùng

– Người lớn: 800mg/ngày, chia 2 lần/ngày x 21 ngày.

– Trẻ em > 1 tuổi: 10-15mg/kg/ngày (tối đa 800mg/ngày), chia 2 lần/ngày x 21 ngày.

b) Điều trị theo thể bệnh

– Đối với bệnh giun đầu gai thể mắt và thần kinh khuyến cáo không nên điều trị bằng albendazole, lí do vì có thể làm tình trạng lâm sàng của bệnh nhân tăng nặng. Điều trị triệu chứng và cân nhắc sử dụng corticosteroid.

c) Chống chỉ định của albendazole

– Người có tiền sử quá mẫn với benzimidazole.

– Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

– Trẻ em < 1 tuổi.

– Người có tiền sử nhiễm độc tủy xương.

d) Lưu ý

– Thận trọng khi dùng albendazole với người suy gan, suy thận.

– Các tác dụng không mong muốn của albendazole, trong đó có giảm bạch cầu hạt, mất bạch cầu hạt, giảm các loại huyết cầu và ảnh hưởng chức năng gan khi dùng kéo dài. Do đó, cần làm xét nghiệm công thức máu và chức năng gan (các transaminase) khi bắt đầu mỗi chu kỳ điều trị và ít nhất 2 tuần một lần trong khi điều trị. Nếu enzyme gan tăng nhiều, nên ngừng dùng albendazol. Sau đó có thể tiếp tục điều trị nếu enzyme gan trở về mức trước khi điều trị, nhưng cần xét nghiệm thường xuyên hơn khi tái điều trị.

2.2.2. Phác đồ 2: ivermectin (viên nén 6mg)

a) Liều dùng

– Người lớn và trẻ em ≥ 5 tuổi: 0,2mg/kg x 01 liều/ ngày x 2 ngày

b) Điều trị theo thể bệnh

– Đối với bệnh giun đầu gai thể mắt và thần kinh khuyến cáo không nên điều trị ivermectin, lí do vì có thể làm tình trạng lâm sàng của bệnh nhân tăng nặng. Điều trị triệu chứng và cân nhắc sử dụng corticosteroid.

c) Chống chỉ định của ivermectin

– Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.

– Bệnh nhân mắc các bệnh có kèm rối loạn hàng rào máu não.

– Trẻ em < 5 tuổi.

– Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

d) Thận trọng: khi dùng cho người lái xe hoặc vận hành máy móc.

2.2.3. Phác đồ 3: thiabendazole (viên nén 500 mg)

a) Liều dùng: 2 lần/ngày x 7 ngày, theo cân nặng bệnh nhân (xem bảng)

b) Điều trị theo thể bệnh: áp dụng với thể nội tạng và thể thông thường.

Cân nặng (kg)

Liều dùng

Một số lưu ý

Giờ 0

Giờ thứ 12

13.60  < 22.6

250mg

250mg

– Không điều trị quá 7 ngày.

– Không dùng vượt 3000mg/ ngày.

22.6 – < 34.0

500mg

500mg

34.0  < 45.0

750mg

750mg

45.0 – < 56.0

1.000mg

1.000mg

56.0 – < 68.0

1.250mg

1.250mg

≥ 68.0

1.500mg

1.500mg

c) Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc.

d) Thận trọng

– Người bị suy gan, suy thận;

– Phụ nữ có thai 3 tháng đầu và đang cho con bú;

– Không dùng thuốc khi vận hành máy móc, lái tàu, xe;

– Trẻ em dưới 12 tháng tuổi hoặc trọng lượng cơ thể dưới 13,6 kg.

2.3. Điều trị triệu chứng

Tùy theo triệu chứng lâm sàng để chỉ định các thuốc điều trị phù hợp:

– Ngứa, mày đay: sử dụng thuốc kháng histamin cho đến khi hết triệu chứng.

– Sốt: khi bệnh nhân sốt, phối hợp biện pháp hạ sốt cơ học và thuốc hạ sốt.

– Thuốc hỗ trợ: men tiêu hóa, vitamin tổng hợp, bổ gan.

– Thể mắt và thể thần kinh: cho bệnh nhân đi khám chuyên khoa phù hợp để có hướng điều trị phối hợp. Cân nhắc sử dụng corticoid.

2.4. Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp bệnh ấu trùng di chuyển dưới da, mô mềm sát ngoài da, ở mắt có thể có chỉ định ngoại khoa tùy theo từng ca bệnh.

2.5. Theo dõi sau điều trị

Bệnh nhân cần được theo dõi, tái khám trong vòng 6 tháng tại các thời điểm 1 – 3 – 6 tháng sau lần điều trị đầu tiên, đề phòng hiện tượng tái phát.

3. Tiêu chuẩn khỏi bệnh

– Các triệu chứng lâm sàng giảm hoặc hết sau điều trị.

– Xét nghiệm ELISA có hiệu giá kháng thể giảm hoặc trở về âm tính.

– Tỷ lệ bạch cầu ái toan, IgE toàn phần giảm hoặc trở về giá trị bình thường.

4. Phòng bệnh

Tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo trong nhân dân về các món ăn có nguy cơ nhiễm bệnh, không ăn các thức ăn thủy hải sản tái/chưa chín (cá, ếch, nhái, tôm), sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã dễ có Cyclops.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *