Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc mạch máu bình thường ở ống hậu môn, bao gồm các mạch máu thông nối với máu tạo thành hai đám rối – tĩnh mạch trĩ trên và tĩnh mạch trĩ dưới. Trong trường hợp sinh lý bình thường, đám rối tĩnh mạch trĩ có vai trò đệm đỡ vùng ống hậu môn trong hoạt động đi tiêu. Khi mạch máu của đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Bệnh trĩ nội và trĩ ngoại có các triệu chứng rất khác nhau, vì vậy trong chẩn đoán và quản lý cũng có nhiều điểm riêng biệt.
1. Giới thiệu bệnh trĩ
Các búi trĩ có bản chất là các phình mạch của các mạch máu thuộc đám rối trĩ (hemorrhoidal plexus). Đám rối tĩnh mạch trĩ mạch trĩ là cấu trúc giải phẫu bình thường nằm ở lớp dưới niêm của đoạn cuối trực tràng, vì vậy đôi khi còn gọi là đám rối tĩnh mạch trực tràng (rectal venous plexus)
Dựa vào vị trí và nguồn gốc, các búi trĩ có thể được chia thành 02 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội là các búi trĩ có vị trí phía trên hay ngay trên đường lược. Trĩ nội có nguồn gốc từ đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Các búi trĩ nội được chi phối bởi hệ thống thần kinh tạng nên ít nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác. Trĩ nội được chia thành 04 mức độ
- Độ I: Búi trĩ nội quan sát được bằng nội soi hậu môn trực tràng, có thể nhô vào ống trực tràng nhưng không vượt qua đường lược
- Độ II: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, sau đó tự rút lại được
- Độ III: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, không tự rút lại được, cần dùng tay đẩy búi trĩ lên.
- Độ IV:Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn và không thể dùng tay đẩy búi trĩ lên được.
- Trĩ ngoại là các búi trĩ có vị trí bên dưới của đường lược. Trĩ ngoại có nguồn gốc từ đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ và có chi phối thần kinh cảm giác bản thể nên rất nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác.
- Trĩ hỗn hợp – là những búi trĩ trĩ kéo dài từ bên trên và vượt qua đường lược, mang những đặc điểm của cả trĩ nội và trĩ ngoại.
Một nghiên cứu cắt ngang thực hiện tại Thành Phố Hồ Chí Minh của tác giả Trần Thiện Hoài thực hiện năm 2006, khảo sát ngẫu nhiên các đối tượng trên 50 tuổi ở tất cả các quận huyện của thành phố, chẩn đoán xác định bằng thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ cho kết quả như sau: Tỷ lệ hiện mắc bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại trong cộng đồng là 25,13%, nam có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1,36 lần so với nữ. Nhóm tuổi mắc trĩ cao nhất trong mẫu nghiên cứu là 65-69 tuổi và có sự giảm nhẹ tỷ lệ sau tuổi 75.
Nghiên cứu bên trên cũng chỉ ra mối liên quan giữa tần suất mắc bệnh trĩ và các yếu tố nguy cơ như: táo bón (OR = 1,80, khoảng tin cậy 95%) và bệnh hô hấp mạn tính gây ho nhiều (OR = 1,40, khoảng tin cậy 95%).
Bài viết về chủ đề phân loại và dịch tễ của bệnh trĩ có trên chuyên trang VinmecDr.
2. Triệu chứng, dấu hiệu và chẩn đoán bệnh trĩ
2.1 Triệu chứng cơ năng của bệnh trĩ
Khoảng 40% bệnh nhân bị trĩ không có triệu chứng. Tùy thuộc vào loại trĩ bệnh nhân mắc phải mà triệu chứng cơ năng có thể rất khác nhau.
Một số triệu chứng cơ năng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc trĩ nội
- Tiêu máu: đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân đi khám. Tiêu máu trong trĩ thường là máu ra sau phân hoặc phủ bên ngoài của khối phân, đôi khi máu có thể rỉ thành giọt, chảy nhiều hơn khi bệnh nhân rặn. Mất máu nhiều và lâu ngày có thể gây nên thiếu máu, nên khai thác các dấu hiệu của thiếu máu đi kèm khi bệnh nhân có triệu chứng này. Điền hình trong trĩ nội là tiêu máu không đau.
- Cảm giác ẩm ướt: Trĩ nội sa xuống có thể mang theo các vật chất trong lòng ống trực tràng, bản thân niêm mạc của trĩ nội cũng có thể tiết dịch nhầy làm bệnh nhân có cảm giác ẩm ướt khó chịu ở vùng hậu môn.
- Ngứa hậu môn: Sự ẩm ướt do dịch nhầy tiết ra bởi khối trĩ hoặc kích ứng bởi các vật chất sa ra ống trực tràng có thể khiến bệnh nhân có cảm giác ngứa quanh ống hậu môn.
Một số triệu chứng cơ năng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc trĩ ngoại:
- Tiêu máu: trĩ ngoại có thể gây tiêu máu, tính chất tiêu máu cũng tương tự như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên trường hợp trĩ ngoại, tiêu máu có thể đi kèm với cảm giác đau
- Đau và ngứa hậu môn: khối trĩ ngoại có thể ngứa và đau, đau thường đi kèm với táo bón. Khối trĩ ngoại đặc biệt đau khi có sự hình thành huyết khối.
- Sờ thấy khối ở hậu môn: khối trĩ ngoại có thể nằm ngoài rìa lỗ hậu môn, bệnh nhân có thể dễ dàng sờ được khối trĩ.
2.2 Dấu hiệu thực thể của bệnh trĩ
- Khám vùng hậu môn: có thể thấy được búi trĩ ngoại nằm bên ngoài hậu môn, việc quan sát bên ngoài cũng giúp ta loại trừ các bệnh lý có tổn thương bên ngoài như rò hậu môn, nứt hậu môn, áp xe hậu môn hay mụn cóc hậu môn
- Thăm trực tràng bằng tay: khám bằng tay thường khó đánh giá khối trĩ nội nếu như khối trĩ chưa hình thành huyết khối, trường hợp có hình thành huyết khối thì sờ vào khối trĩ nội sẽ cảm thấy chắc và bệnh nhân sẽ rất đau.
- Soi trực tràng bằng ống cứng giúp chẩn đoán bệnh trĩ: quan sát được khối trĩ nội là những búi phồng màu xanh tím.
2.3 Chẩn đoán bệnh trĩ
Bệnh trĩ được nghi ngờ dựa trên các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân và chẩn đoán xác định bằng thăm khám lâm sàng tìm các dấu hiệu thực thể của bệnh trĩ.
Việc đề nghị thêm cận lâm sàng để đánh giá không được thực hiện thường quy trong chẩn đoán bệnh trĩ. Nếu bệnh nhân có thiếu máu, có thể đánh giá thiếu máu thiếu sắt. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu gợi ý ác tính hay các bệnh lý khác thì có thể đề nghị các cận lâm sàng phù hợp tương ứng,
Leave a Reply