Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc mạch máu bình thường ở ống hậu môn, bao gồm các mạch máu thông nối với máu tạo thành hai đám rối – tĩnh mạch trĩ trong và tĩnh mạch trĩ ngoài. Trong trường hợp sinh lý bình thường, đám rối tĩnh mạch trĩ có vai trò đệm đỡ vùng ống hậu môn trong hoạt động đi tiêu. Khi mạch máu của đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Dựa vào khác biệt về vị trí, bệnh trĩ có thể được phân thành nhiều loại có những đặc điểm rất riêng biệt.
1. Đám rối tĩnh mạch trĩ
Các búi trĩ có bản chất là các phình mạch của các mạch máu thuộc đám rối trĩ (hemorrhoidal plexus). Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc giải phẫu bình thường, nằm ở lớp dưới niêm của đoạn cuối trực tràng, vì vậy đôi khi còn gọi là đám rối tĩnh mạch trực tràng (rectal venous plexus). Các búi trĩ có thể được chia thành trĩ nội và trĩ ngoại, phụ thuộc vào vị trí của chúng so với đường lược (dentate line).
Đám rối tĩnh mạch được chia thành hai phần nhỏ gồm đám rối trong (internal plexus) và đám rối ngoài (external ).
- Đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ là các mạch máu khúc khuỷu, phân bố xung quanh ống trực tràng, ngay bên trên của lỗ hậu môn, tại vị trí đường lược, thông nối với nhau bằng các tĩnh mạch ngang chằng chịt Đám rối này đổ về tĩnh mạch trực tràng trên và tĩnh mạch trực tràng giữa. Tĩnh mạch trực tràng trên sau đó đổ về tĩnh mạch mạc treo tràng dưới (inferior mesenteric vein) – một nhánh của hệ mạch cửa. Tĩnh mạch trực tràng giữa đổ về tĩnh mạch chậu trong (internal iliac vein) – một phần của hệ tĩnh mạch chủ.
- Đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ nằm ở bên ngoài của lớp cơ, ngay sát bên dưới lớp niêm mạc, ngay tại vị trí của lỗ hậu môn, bên dưới đường lược. Phần trên của đám rối ngoài đổ vào tĩnh mạch trực tràng trên. Phần giữa của đám rối này đổ vào tĩnh mạch trực tràng giữa Phần dưới của hệ thống này đổ về tĩnh mạch trực tràng dưới, theo về tĩnh mạch thẹn trong.
Đám rối trong và đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ có các đường thông nối với nhau. Nên việc phân biệt rõ ràng về nguồn cấp máu cho chúng hay nhận máu từ chúng rất khó khăn. Tại một số vị trí của hệ tĩnh mạch trĩ có các tĩnh mạch đổ trực tiếp vào hệ thống tuần hoàn chung mà bỏ qua hệ mạch cửa. Điều này được ứng dụng trong một số trường hợp cần đưa thuốc vào cơ thể nhanh với sinh khả dụng cao mà đường tĩnh mạch hay đường uống thông thường không khả dụng. Như thuốc đặt hậu môn hạ sốt, diazepam bơm hậu môn để cắt cơn co giật ở trẻ em.
2. Phân loại bệnh trĩ
Khi các mạch máu thuộc các đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Dựa vào vị trí và nguồn gốc, các búi trĩ có thể được chia thành 02 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.
- Trĩ nội là các búi trĩ có vị trí phía trên hay ngay trên đường lược. Trĩ nội có nguồn gốc từ đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Do còn nằm trên đường lược và còn giữ nguyên cấu trúc biểu mô là biểu mô trụ của đường tiêu hóa, các búi trĩ nội cũng được chi phối bằng hệ thống thần kinh tạng như hầu hết các vị trí khác của ống tiêu hóa. Vì vậy, Các búi trĩ nội tương đối không nhạy cảm với cảm giác đau, nhiệt và sờ chạm. Các búi trĩ nội có thể sa vào ống hậu môn. Dựa vào mức độ sa vào ống hậu môn, mức độ trĩ nội có thể phân thành:
- Độ I: Búi trĩ nội quan sát được bằng nội soi hậu môn trực tràng, có thể nhô vào ống trực tràng nhưng không vượt qua đường lược
- Độ II: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, sau đó tự rút lại được
- Độ III: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, không tự rút lại được, cần dùng tay đẩy búi trĩ lên.
- Độ IV:Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn và không thể dùng tay đẩy búi trĩ lên được.
- Trĩ ngoại là các búi trĩ có vị trí bên dưới của đường lược. Trĩ ngoại có nguồn gốc từ đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Khi vượt qua khỏi đường lượt, biểu mô búi trĩ giống như biểu mô của ống hậu môn là biểu mô lát tầng. Búi trĩ ngoại cũng được chi phối bởi hệ thống thần kinh cảm giác bản thể. Do vậy, các búi trĩ ngoại nhạy cảm với các cảm giác đau và các kích thích khác, đặc biệt là khi huyết khối hình thành trong búi trĩ.
- Trĩ hỗn hợp – là những búi trĩ trĩ kéo dài từ bên trên và vượt qua đường lược, các búi trĩ này hình thành từ những mạch máu thông nối giữa đám rối trong và đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ.
Tùy vào vị trí của từng búi trĩ mà chúng có đặc điểm bệnh học khác nhau, đặc biệt là các đặc điểm về chi phối thần kinh. Hiểu rõ giải phẫu chức năng của các búi trĩ giúp nhà lâm sàng đánh giá chính xác về tính chất của các búi trĩ, góp phần quan trọng trong quá trình chẩn đoán, phân loại và phân độ bệnh trĩ. Chiến lược điều trị bệnh trĩ cũng cần được thiết lập dựa trên kiến thức về đặc điểm riêng của từng loại trĩ khác nhau.
Các bài viết về chủ đề bệnh trĩ đã được giới thiệu trên chuyên trang VinmecDr.
Leave a Reply