Implant ngắn trong Nha khoa – Tổng quan.

Định nghĩa implant ngắn là không rõ ràng, và mỗi nghiên cứu đều có định nghĩa riêng, đang thay đổi. Implant từng được xem là chiều dài tiêu chuẩn bây giờ có thể bị xem là quá dài để sử dụng thường quy. Bài viết cung cấp góc nhìn tổng quan nhất về loại Implant này trong Nha khoa, đồng thời dựa vào các nghiên cứu xem xét mức độ thành công trên lâm sàng. Cùng tìm hiểu.

implant-ngan-1

1. Định nghĩa về Implant ngắn trong Nha khoa

Định nghĩa implant ngắn là không rõ ràng, và mỗi nghiên cứu đều có định nghĩa riêng. Tuy nhiên, 10 mm là ngưỡng được chấp nhận bởi đa số bác sĩ lâm sàng để phân biệt implant “ngắn” hoặc “dài”. Trong giai đoạn đầu của cấy ghép nha khoa, 10 mm chiều cao xương còn lại được xem là lượng xương tối thiểu cần thiết để đặt một implant “chiều dài tiêu chuẩn”. Implant có chiều dài 210 mm được gọi là implant tiêu chuẩn hoặc implant dài. Những thử nghiệm đầu tiên sử dụng implant bề mặt nhẵn đã cho thấy tỷ lệ thất bại cao hơn của implant ngắn (<10 mm) so với implant dài. Nhiều năm sau, một nghiên cứu đầu tiên ghi nhận được kết quả lâm sàng thành công (tỷ lệ tồn tại tích lũy: 95.5% trong 5 năm; 93.2% trong 10 năm) trong thời gian dài (trung bình 8 năm, dao động từ 1-14 năm) của các implant ngắn thuộc hệ thống Brånemark (247 implant 3.75 mm x 7 mm và 13 implant 5 mm x6 mm). Gần đây, một vài nghiên cứu đã định nghĩa implant dài 36 mm là implant “siêu ngắn” và đã ghi nhận kết quả lâm sàng thành công. Trong hai tình huống này, chúng tôi định nghĩa implant ngắn là implant có chiều dài dưới 10 mm.

Ngày nay, implant bề mặt nhám được ghi nhận là có các đặc điểm cơ học và sinh học tốt hơn so với implant bề mặt được gia công truyền thống. Chiều dài của implant có thể không còn là mối lo ngại trong hầu hết tình huống lâm sàng nữa. Do đó, implant loại này có thể sẽ không còn được xem là “ngắn” trong tương lai. Với thói quen sử dụng các implant có chiều dài ngắn hơn (<10 mm), định nghĩa về implant loại này dường như đang thay đổi, và có thể là chỉ có những implant ngắn hơn 6 mm mới được xem là “ngắn” trong tương lai.

2. Vấn đề ngưỡng đặt Implant

Như đã thảo luận ở phần trên, định nghĩa về implant ngắn đang thay đổi. Implant từng được xem là chiều dài tiêu chuẩn bây giờ có thể bị xem là quá dài để sử dụng thường quy. Nhiều vị trí cấy ghép không có đủ chiều cao xương do tiêu xương nhiều hoặc thiếu hồng xương. Chúng ta có thể hy vọng vào việc ứng dụng implant ngắn ở hầu hết vị trí mất răng dựa trên sự thành công ngắn hạn và dài hạn của nó. Tuy nhiên, ngưỡng đặt implant loại này trong các tình huống lâm sàng khác nhau vẫn chưa được xác định. Nhìn chung, người ta chấp nhận về việc chỉ định implant loại này ở sống hàm thiếu chiều cao nhưng đủ chiều rộng.

Hàm trên và hàm dưới bị teo sẽ dẫn đến những giới hạn giải phẫu và các cấu trúc quan trọng có thể ảnh hưởng đến việc đặt implant dài, bao gồm xoang hàm, thần kinh xương ổ dưới, lỗ cằm, và hõm mặt trong. Khi đối diện với những tình huống này, nên trình bày phương án đặt implant ngắn hơn với bệnh nhân. Đặc biệt, khi bệnh nhân có vấn đề y khoa mà không thể chịu được nhiều phẫu thuật hoặc khi phẫu thuật ghép xương là thách thức lớn (chẳng hạn như ghép xương theo chiều dọc), thì implant loại này có thể là phương án tốt hơn nhằm giảm khả năng biến chứng. Implant ngắn cũng có thể là phương án cuối cùng nếu ghép xương thất bại.

3. Kết quả lâm sàng

Thiếu chiều cao xương là một vấn đề đáng lo ngại khi đặt implant. Ghép xương theo chiều dọc để tăng chiều cao xương là một kỹ thuật nhạy cảm và có thể gây ra những bệnh lý hoặc biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật. Thủ thuật nâng xoang ở vùng răng sau hàm trên có tiên lượng khả quan hơn thủ thuật ghép xương theo chiều dọc, bởi vì vật liệu ghép có thể được giữ trong xoang với đủ nguồn cấp máu từ xương ổ răng và màng xoang. Tuy nhiên, những thủ thuật này luôn làm tăng chi phí, bệnh lý, và thời gian điều trị. Đặt implant ngắn là một phương án thay thế trong những tình huống lâm sàng này, và có một số bằng chứng lâm sàng ủng hộ tiên lượng của nó.

Một số nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy tỷ lệ thành công cao (từ 94 đến 99%) và kết quả lâm sàng khả quan của implant ngắn với thời gian theo dõi dài hạn lên đến 10 năm. Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đã ghi nhận tỷ lệ tồn tại tích lũy là 97.5% của 410 implant loại này (5-8 mm) trong thời gian theo dõi trung bình 20 tháng. Ngay cả những implant ngắn 4 mm cũng có tỷ lệ kết quả lâm sàng khả quan với tỷ lệ tồn tại 92.3% và sự thay đổi mào xương chỉ khoảng 0.5 mm trong 2 năm. Một vài tổng quan hệ thống về implant loại này cũng cho thấy tỷ lệ tồn tại hoặc tỷ lệ thành công cao. Một nghiên cứu vào năm 2012 bao gồm 6193 implant loại này (<10 mm) đã cho thấy tỷ lệ tồn tại tích lũy 99.1% trong thời gian theo dõi trung bình 3.2 ± 1.7 năm. Tỷ lệ thành công mà không có biến chứng sinh học hoặc cơ sinh học lần lượt là 98.8% và 99.8%. Một nghiên cứu khác vào năm 2012 cho thấy tỷ lệ tồn tại ước tính của implant ngắn (6-9 mm) là 88.1% và của implant tiêu chuẩn (210 mm) là 86.7% trong thời gian theo dõi 168 tháng, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Trong tổng quan mở rộng của cùng nhóm nghiên cứu, chiều dài hoặc đường kính của implant ngắn dường như không ảnh hưởng đến tỷ lệ tồn tại của implant. Trong một nghiên cứu siêu phân tích tập trung vào các implant Straumann 6 mm, tỷ lệ tồn tại tích lũy là 93.7% (thời gian theo dõi từ 1-8 năm. Những nghiên cứu được đưa vào các tổng quan này đã sử dụng những loại phục hình khác nhau, bao gồm phục hình cố định toàn hàm, phục hình cố định bán phần, hàm phủ trên implant, và phục hình lại. Các kết quả đã ủng hộ việc sử dụng implant ngắn được phục hồi bằng nhiều loại phục hình khác nhau.

Đối với vị trí cấy ghép, dường như implant ngắn có tỷ lệ thất bại ở hàm trên cao hơn hàm dưới. Implant tiêu chuẩn cũng được ghi nhận là có tỷ lệ thất bại ở hàm trên cao hơn. Nguyên nhân của tỷ lệ thất bại cao hơn khi đặt implant ở hàm trên có lẽ là do mật độ xương thấp hoặc xương bè có hướng lộn xộn, do đó có thể làm giảm độ ổn định sơ khởi tại thời điểm cấy ghép và từ đó làm tăng nguy cơ thất bại. Tuy nhiên, những nghiên cứu này có một số hạn chế, chẳng hạn như sử dụng implant bề mặt được gia công hoặc cỡ mẫu nhỏ. Vì vậy, cần có thêm những thử nghiệm lâm sàng để so sánh tỷ lệ tồn tại giữa implant ngắn bề mặt nhám ở hàm trên so với hàm dưới.

Các nghiên cứu phần tử hữu hạn đã cho thấy sự biến dạng mào xương quanh implant ngắn cao hơn đáng kể so với implant dài, và điều này trên lý thuyết có liên quan với sự tiêu mào xương. Tuy nhiên, nguyên nhân này không được ủng hộ bởi những bằng chứng khoa học trên lâm sàng hiện có. Những thay đổi ở xương quanh implant loại này đã được báo cáo là tương tự như ở các implant dài hơn. Một nghiên cứu vào năm 2000 đã ghi nhận mức độ tiêu mào xương trung bình ở 270 implant ngắn trong 10 năm là 0.9 ± 0.6 mm. Một nghiên cứu khác ghi nhận mức độ tiêu xương của 15 implant ngắn trong 3 năm là O.13 ± 0.12 mm. Renouard và cộng sự vào năm 2005 đã ghi nhận mức độ tiêu xương của 96 implant ngắn trong 2 năm là 0.44 ± 0.52 mm. Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đã ghi nhận mức độ tiêu mào xương trung bình ở hàm trên và hàm dưới lần lượt là 0.36 mm và 0.04 mm, của 97 implant ngắn (5 mm x 8 mm) sau thời gian theo dõi trung bình 5.9 năm.

Tóm lại, các nghiên cứu lâm sàng về implant ngắn đã chứng minh được tỷ lệ tồn tại cao, lượng xương ổn định, và tỷ lệ biến chứng thấp của nó. Những nghiên cứu này đã xác nhận tính khả thi và tiên lượng khả quan.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *