Nếu bạn mới bị nhồi máu cơ tim hay phẫu thuật tim, vận động thể lực sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sức khỏe của bạn. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn tự xây dựng cho mình một chế độ hoạt động thể lực phù hợp sau khi ra viện. Tham gia các hoạt động thể lực từ nhẹ đến vừa cùng với bạn bè và gia đình bạn là một phần quan trọng của chương trình phục hồi chức năng tim mạch, sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn và tránh được các biến cố tim mạch tiếp theo.
1. Các bước quan trọng sau điều trị tim mạch
– Bỏ hút thuốc lá.
– Hạn chế các thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa.
– Đạt được và duy trì một trọng lượng cơ thể lành mạnh.
– Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
– Phục hồi chức năng tim mạch
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng tất cả các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, phẫu thuật tim, can thiệp động mạch vành hay bệnh tim hoặc mạch máu khác nên thường quy tham gia một chương trình phục hồi chức năng tim và phòng bệnh phù hợp.
Tại một số bệnh viện, trung tâm sức khỏe cộng đồng tiến hành các chương trình phục hồi chức năng cho các bệnh nhân ngoại trú. Các chương trình này giúp bạn tăng dần mức độ vận động thể lực của mình ngay khi ra viện, cũng như cung cấp cho bạn và gia đình bạn những thông tin cần thiết về giáo dục sức khỏe. Bạn nên tham gia các chương trình phục hồi chức năng tim càng sớm càng tốt sau khi ra viện.
Một chương trình phục hồi chức năng phù hợp sẽ giúp cho hầu hết các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim giảm được nguy cơ tái phát các bệnh tim do mạch vành.
2. Các hoạt động thể lực
2.1 Hoạt động thể lực
Những người bị bệnh tim đều có được những lợi ích từ việc tập luyện đều đặn với mức độ trung bình các hoạt động thể lực giống như những người khác. Nếu hoạt động thể lực thường xuyên bạn sẽ:
– Hồi phục tốt hơn sau khi bị nhồi máu cơ tim hay các bệnh lý tim mạch khác. 2. Ít bị tái phát cơn nhồi máu cơ tim hay các bệnh tim mạch khác.
– Cải thiện sức khỏe của bạn một cách lâu dài.
– Cảm thấy tự tin, hạnh phúc và thư giãn hơn.
– Kiểm soát được trọng lượng cơ thể bạn tốt hơn.
– Có nồng độ cholesterol trong máu tốt hơn.
– Có tần số tim và huyết áp ổn định hơn.
– Tránh được hiện tượng loãng xương.
Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường, hoạt động thể lực đều đặn sẽ giúp bạn kiểm soát được nồng độ glucose trong máu tốt hơn
Không phải bất kỳ ai khi tập luyện vận động thể lực sẽ đạt được tất cả các ích lợi như trên ngay lập tức. Tuy nhiên, tất cả các lợi ích về tim mạch nêu trên sẽ đạt được sau một thời gian tập luyện các hoạt động thể lực đều đặn, cho dù bạn có bệnh tim.
2.2 Khi nào bắt đầu tập luyện thì an toàn?
Hoạt động thể lực ở mức độ trung bình một cách đều đặn là một yếu tố sống còn để đưa bạn trở lại cuộc sống thường ngày như trước khi bị bệnh.
Điều quan trọng là bạn phải duy trì sự hoạt động và tiếp tục hoạt động từ ngày này qua ngày khác như vệ sinh vào mỗi buổi sáng và làm các công việc nhà hay làm vườn một cách nhẹ nhàng.
Ngay từ khi bắt đầu hãy tăng dần mức độ hoạt động thể lực của bạn một cách từ từ. Tiếp tục thực hiện theo lời khuyên và sự hướng dẫn của thầy thuốc khi bạn ra viện, đặc biệt là bảng hướng dẫn đi bộ.
Bảng hướng dẫn tập luyện đi bộ sau khi bạn ra viện
Tuần | Thời gian tối thiểu (phút) | Số lần trong 1 ngày | Bước đi |
1 | 5-10 | 2 | Đi bước ngắn |
2 | 10-15 | 2 | Đi khoan thai |
3 | 15-20 | 2 | Đi khoan thai |
4 | 20-25 | 1-2 | Đi khoan thai/ Đi bước dài |
5 | 25-30 | 1-2 | Đi khoan thai/ Đi bước dài |
6 | 30 | 1-2 | Đi khoan thai/ Đi bước dài |
Bảng hướng dẫn này khuyến khích bạn nên bắt đầu luyện tập đi bộ ngay trong tuần đầu tiên sau khi ra viện.
Hãy hỏi bác sĩ khi nào bạn có thể bắt đầu lại các hoạt động khác nhau và làm thể nào để xây dựng cho mình một chương trình hoạt động thể lực. Đến tuần thứ mấy thì bạn mới có thể thực hiện được các hoạt động thể lực như trước đây.
2.3 Những hoạt động thể lực nào phù hợp với bạn?
∙ Hãy thực hiện các hoạt động thể lực mà bạn cảm thấy thích thú và muốn tiến hành một cách đều đặn.
∙ Đi bộ nhẹ nhàng một chút xung quanh nhà, vườn, hay ra ngoài phố.
∙ Bắt đầu bằng cách cố gắng đi bộ hàng ngày trên đường phẳng.
∙ Hãy đặt ra một điểm đích cho bạn như một cửa hàng gần đó hay là cuối dãy nhà chẳng hạn.
∙ Bắt đầu đi bộ với những bước đi chậm, khoan thai.
∙ Sau vài tuần, bạn sẽ tạo cho mình một khoảng cách đi bộ xa hơn hoặc đi lên đường dốc. ∙ Hãy đi bộ một cách nhẹ nhàng và an toàn, bạn có thể xây dựng cho mình một kế hoạch đi xe đạp, bơi lội, hay các công việc nhà hàng ngày và làm vườn vào các tuần sau đó.
Chú ý: Ít nhất 6-8 tuần sau khi phẫu thuật tim mở bạn mới nên tập vận động thể lực ở các chi trên ví dụ như bơi lội, vì đây là thời gian cần thiết để làm liền vết thương ở xương ức.
2.4 Bạn nên hoạt động thể lực như thế nào?
∙ Cảm giác của bạn chính là sự hướng dẫn tốt nhất cho mức độ hoạt động thể lực mà bạn có thể tập luyện một cách an toàn.
∙ Bạn phải luôn luôn có cảm giác thoải mái trong khi tập luyện.
∙ Bạn không bao giờ cảm thấy hoạt động của mình khó khăn.
∙ Nếu các hoạt động thể lực của ngày hôm trước làm bạn bị mệt và đau đớn, hãy nghỉ một ngày để bạn hồi phục lại sức khỏe hoàn toàn.
∙ Hãy dừng lại ở mức độ hoạt động thể lực tương tự hay thấp hơn một chút trong 1-2 tuần trước khi tăng lên mức độ gắng sức mới.
∙ Nếu bạn bị chóng mặt, thở gấp, nhịp tim không đều, hay đau ngực hãy đi chậm lại hoặc dừng hẳn lại cho đến khi các dấu hiệu trên qua đi.
∙ Nếu bạn được kê đơn thuốc chống đau thắt ngực, hãy mang các thuốc đó theo khi bạn tập luyện các hoạt động thể lực, và hãy thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng các thuốc đó.
∙ Nếu các dấu hiệu trên lại xuất hiện, hãy liên lạc ngay với bác sĩ vì bạn có thể cần lời khuyên về mức độ hoạt động thể lực và những điều trị cần thiết. Bạn có thể hoạt động gắng sức được ít hơn khi trời lạnh, vì trời lạnh làm tăng hoạt động của tim.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Phục hồi chức năng tim mạch , GS.TS. PHẠM GIA KHẢI Chủ tịch Hội Tim mạch học, Việt Nam
Leave a Reply