Đa ối: chẩn đoán, hướng xử trí

Đa ối xuất hiện trong khoảng 1% thai kỳ. Chẩn đoán xác định dựa vào siêu âm. Hầu hết các nhà nghiên cứu định nghĩa: đa ối khi chỉ số ối (amnionic fluid index: AFI) lớn hơn 24 – 25cm; hay khi lớn hơn vị bách phân thứ 95 hay 97 theo tuổi thai.

1. Giới thiệu về đa ối

Nước ối là chất dịch lỏng rất giàu dinh dưỡng bao bọc xung quanh thai nhi khi thai nằm trong tử cung của người mẹ giữ vai trò quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai , có khả năng tái tạo và trao đổi chất.

Cách đo chỉ số ối (AFI): chia tử cung thành 4 phần bằng nhau, đo độ sâu lớn nhất của mỗi khoang ối, AFI là tổng 4 số đo trên.

Đa ối là một trường hợp thai nghén nguy cơ cao cho sản phụ về  nguyên nhân  đa ối  và cảnh báo nguy cơ sinh non trong quá trình thai nghén.

2. Chẩn đoán

2.1 Chân đoán xác định

Đa ối cấp có thể diễn tiến mau trong vòng vài ngày với các triệu chứng cấp như đau căng bụng nhiều, khó thở, đôi khi bị tím tái, nhịp tim nhanh, nôn, phù  toàn thân (chi, âm hộ,  thành bụng, mặt). Hiếm gặp hơn là tình trạng thiểu niệu do niệu quản bị tử cung chèn ép. Đa ối trong trường hợp phù thai có thể gây ra hội chứng gương ở thai phụ (mirror syndrome), mô tả lần đầu tiên bởi Ballantyne năm 1892: tình trạng của mẹ “bắt chước” thai nhi, như phù, tiểu đạm; và hậu quả là tiền sản giật.

Đa ối mạn, dịch ối gia tăng dần nên thai phụ có thể chịu đựng được tình trạng căng chướng bụng.

Dấu hiệu đầu tiên trên lâm sàng gợi ý một trường hợp đa ối là tử cung rất to so với tuổi thai, căng, dẫn đến khó khăn khi sờ nắn các phần thai và nghe tim thai. Chẩn đoán phân biệt đa ối với cổ chướng  hay u buồng trứng to bằng những hình ảnh trên siêu âm.

Việc chẩn đoán đa ối dựa trên hình ảnh siêu âm về thể tích nước ối tăng (AFV), có thể dựa vào tiêu chuẩn sau:

  • AFI ≥ 24 cm: AFI là tổng độ sâu của nước ối theo chiều dọc được đo trong mỗi góc phần tư của tử cung; AFI bình thường dao động từ > 5 đến < 24 cm.

 

SDP ≥ 8 cm: SDP là phép đo túi nước ối sâu nhất; SDP bình thường là ≥ 2 đến < 8 cm.

Có vẻ như cả AFI và SDP đều không vượt trội so với các phương pháp khác trong việc ngăn ngừa các kết quả chu sinh bất lợi. Mỗi phương pháp đều có hạn chế: AFI thường dẫn đến chẩn đoán quá mức về thiểu ối; SDP dẫn đến chẩn đoán quá mức về đa ối.

Dư ối được xác định gián tiếp bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn siêu âm, điển hình là AFI. AFI là tổng của chiều sâu thẳng đứng của dịch ối đo được trong mỗi góc phần tư của tử cung. AFI thông thường dao động từ > 5 đến < 24 cm; giá trị ≥ 24 cm cho thấy đa ối.

Đa ối
Đa ối

2.2 Đánh giá sau chẩn đoán

Đánh giá tình trạng phù thai nhi: Nếu đa ối đi kèm với phù nề, ưu tiên đánh giá nguyên nhân miễn dịch hoặc không do miễn dịch. Thiếu máu thai nhi là một nguyên nhân phổ biến của phù nề và có cả nguyên nhân miễn dịch và không miễn dịch.

Đánh giá các dị tật của thai nhi. Cần thực hiện đánh giá siêu âm chi tiết để tìm kiếm các dị tật của thai nhi. Khả năng xác định nguyên nhân của đa ối tương quan trước với mức độ nghiêm trọng của sự tích tụ chất lỏng. Trong các trường hợp đa ối nghi ngờ có hẹp thực quản (bong bóng dạ dày của thai nhi nhỏ hoặc không nhìn thấy được), nồng độ gamma-glutamyl transpeptidase và alpha-fetoprotein trong nước ối tăng cao là gợi ý cho chẩn đoán và có thể được thực hiện tại thời điểm chọc ối để nghiên cứu di truyền

Sàng lọc bệnh tiểu đường cho mẹ nếu chưa được thực hiện trước đó.

3. Hướng xử trí

Đa ối mức độ nhẹ đến trung bình hiếm khi đòi hỏi các biện pháp can thiệp. Cần thiết nhập viện khi thai phụ khó thở, đau bụng hay đi lại khó khăn.

Nghỉ ngơi tại giường, lợi tiểu, hạn chế dịch truyền và muối không đem lại hiệu quả rõ rệt. Hút bớt nước ối  cũng giúp cải thiện triệu chứng khó thở ở thai phụ đồng thời lấy dịch ối xét nghiệm di truyền hay xác định sự trưởng thành phổi của thai nhi.

Thủ thuật này có thể gây tai biến như: vỡ ối, nhiễm trùng, hay rau  bong non.

Cần lưu ý đa ối không rõ nguyên nhân trong gần một nửa các trường hợp đa ối là sự gia tăng lượng nước ối không liên quan với bất thường bẩm sinh, tiểu đường ở mẹ, các bệnh lý miễn dịch, nhiễm trùng, khối u của thai nhi hay tình trạng đa thai. Tuy nhiên, thậm chí khi khảo sát hình ảnh học thai nhi bình thường, vẫn nên tiên lượng một cách thận trọng bởi dị tật thai nhi và bất thường nhiễm sắc thể có thể gặp.

3.1. Đa ối xuất hiện ba tháng giữa thai kỳ

  • Chỉ định siêu âm khảo sát hình thái học thai nhi chuyên sâu để tìm các dị tật bẩm sinh có thể đi kèm.
  • Nghiệm pháp dung nạp đường cho thai 24-28 tuần
  • Hội chẩn trung tâm chẩn đoán trước sinh để tư vấn, cân nhắc tiến hành các xét nghiệm di truyền tìm nguyên nhân bất thường NST, nhiễm trùng thai kỳ.
  • Nên tiếp tục theo dõi, quản lý thai kỳ nguy cơ cao (khám thai tiền sản)

3.2. Đa ối ba tháng cuối thai kỳ

  • Kiểm tra biểu đồ tăng trưởng thai nhi.
  • Loại trừ các nguyên nhân bệnh nội khoa của mẹ.
  • Tùy theo kết quả xét nghiệm sàng lọc quý 1, 2: tư vấn hướng xét nghiệm di truyền cho thai nhi.
  • Thuốc trưởng thành phổi do nguy cơ đẻ non
  • Can thiệp (hút bớt dịch ối) khi các triệu chứng đa ối cấp ảnh hưởng đến toàn trạng người bệnh ( khó thở, chèn ép  tim phổi). Tư vấn các tai biến của thủ thuật cho thai phụ và gia đình.

3.3. Chuyển dạ

Hay gặp các nguy cơ đẻ khó như ngôi bất thường, đẻ khó do rối loạn cơn co tử cung, tuân thủ chỉ định bấm ối. Đề phòng rau bong non, băng huyết sau sinh.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *