Sẩy thai liên tiếp là hiện tượng có từ 2 lần sẩy thai liên tục trở lên, thai nhi bị tống xuất khỏi buồng tử cung trước 22 tuần. Nguy cơ thay đổi tùy theo số lần sẩy thai, đã từng sinh con còn sống và có con bị dị tật hay không.
1. Nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp
Nguyên nhân gây ra sẩy thai liên tiếp có thể là từ mẹ, bố, thai nhi, hoặc nhau thai. Các loại nguyên nhân chung bao gồm các yếu tố giải phẫu, miễn dịch, di truyền, nội tiết, nhiễm trùng, huyết khối và môi trường.
Liên quan đến lần mang thai trước đó: Trong lần mang thai đầu tiên, nguy cơ sảy thai là 11 đến 13 phần trăm. Sau một lần sảy thai, tỷ lệ này tăng nhẹ lên 14 đến 21%. Sau hai hoặc ba lần sảy thai, tỷ lệ này lần lượt là 24 đến 29% và 31 đến 33%. Tuy nhiên, một số yếu tố ảnh hưởng đến các tỷ lệ này:
- Nguyên nhân sảy thai của lần mang thai trước đó
- Tuổi thai của lần sảy thai trước và khoảng thời gian giữa các lần mang thai (IPI) có thể ảnh hưởng đến nguy cơ sảy thai lặp lại
- Tuổi của người mẹ (càng lớn tuổi, >35 tuổi) có liên quan đến tỷ lệ sảy thai cao, điều này phản ánh chất lượng tế bào trứng kém ở nhóm tuổi này
- Kết quả của lần mang thai trước có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến rủi ro trong lần mang thai tiếp theo
- Tuổi thai tại thời điểm sảy thai nên được xem xét trong việc xác định cả nguyên nhân và nguy cơ tái phát. Sẩy thai thường xảy ra ở tuổi thai tương tự trong các lần mang thai liên tiếp. Nguy cơ tái phát tăng lên khi tuổi thai tại thời điểm mất tăng lên.
Các bất thường bẩm sinh và mắc phải ở tử cung cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguyên nhân sẩy thai liên tiếp (chiếm khoảng 10 đến 50 phần trăm):
- Dị tật tử cung bẩm sinh: Sảy thai có thể liên quan đến tình trạng giãn tử cung bị suy yếu hoặc làm tổ bất thường do giảm mạch máu ở vách ngăn, tăng viêm hoặc giảm độ nhạy cảm với hormone steroid
- U cơ trơn: U cơ trơn dưới niêm mạc nhô vào khoang nội mạc tử cung có thể cản trở quá trình làm tổ bình thường do vị trí của chúng, khả năng tiếp nhận nội mạc tử cung kém đối với màng rụng phủ trên u xơ hoặc thoái hóa cùng với việc tăng sản xuất cytokine. Mối liên quan giữa sảy thai và u xơ trong thành hoặc dưới thanh mạc ít rõ ràng hơn, đã được chứng minh trong một số nghiên cứu.
- Adenomyosis: Những thay đổi viêm ở nội mạc tử cung liên quan đến adenomyosis và/hoặc lạc nội mạc tử cung đã được coi là góp phần gây ra sảy thai liên tiếp
- Polyp nội mạc tử cung
- Suy cổ tử cung là nguyên nhân gây sẩy thai ở giữa tam cá nguyệt
- Khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung bị khiếm khuyết
Tác động của chứng tăng đông thông thường, suy giảm các yếu tố miễn dịch, hội chứng kháng phospholipid, thiếu hụt yếu tố XII cũng góp phần trở thành nguyên nhân.
Các bệnh liên quan đến rối loạn nội tiếp khác như: Đái tháo đường, hội chứng buồng trứng đa nang, tăng prolactin máu, bệnh về tuyến giáp, khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể
Yếu tố di truyền: Sự bất thường về số lượng hoặc cấu trúc nhiễm sắc thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây sảy thai sớm lẻ tẻ, chiếm ít nhất 50% các trường hợp sảy thai như vậy trong nhiều nghiên cứu . Một tỷ lệ đáng kể của sảy thai liên tiếp cũng có thể liên quan đến các bất thường về cấu trúc hoặc số lượng nhiễm sắc thể (ví dụ: lệch bội, thể khảm, chuyển vị, đảo đoạn, xóa, ..). Các rối loạn đơn gen, liên kết X hoặc đa gen/đa yếu tố cũng có thể dẫn đến sảy thai lẻ tẻ hoặc tái phát.
Một số yếu tố góp phần tác động khác đó là hóa chất môi trường và căng thẳng: Các hóa chất có liên quan đến sẩy thai bao gồm khí gây mê ( nitơ oxit ), asen, thuốc nhuộm anilin, benzen, etylen oxit, formaldehyde, thuốc trừ sâu, chì, thủy ngân và cadmium. Thói quen sử dụng các chất kích thích như hút thuốc, sử dụng rượu và tiêu thụ caffein.
Ngoài ra nguyên nhân có thể đến từ tinh trùng của người bố, sở hữu tinh trùng bất thường.
2. Tiên lượng và phòng bệnh
Tiên lượng và phòng sẩy thai cho lần có thai sau tùy thuộc vào nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp.
- Với thiếu hụt nội tiết: chủ động bổ sung nội tiết ngay khi người bệnh có thai.
- Với hở eo tử cung: khâu vòng cổ tử cung chủ động ở lần có thai sau.
- Khi mẹ bị hội chứng kháng Phospholipid: dùng aspirin liều thấp trước khi có thai, dùng thuốc chống đông khi người bệnh có thai.
- Chủ động điều trị các bệnh lý toàn thân của mẹ (nếu có).
- Với nguyên nhân bố hoặc mẹ bị rối loạn nhiễm sắc thể: tiên lượng để đẻ được con bình thường rất khó khăn, nên tư vấn về di truyền xem có nên có thai nữa không.
- Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống lành mạnh hơn như thường xuyên tập thể dục đều đặn, tinh thần thoải mái, loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, rượu và caffein,..
Các cặp vợ chồng bị sẩy thai cần được đồng cảm và thấu hiểu. Sẩy thai sớm, đặc biệt là khi tái phát, là một trải nghiệm đau thương về mặt cảm xúc, tương tự như trường hợp thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh.
Leave a Reply