Vấn đề Y khoa chống chỉ định tuyệt đối khi cấy ghép Implant.

Đặc biệt trước khi tiến hành cấy ghép Implant, Bác sĩ cần có một cái nhìn tổng quan và đánh giá đối với bệnh nhân, đặc biệt những trường hợp chống chỉ đinh tuyệt đối để giảm thiểu rủi ro và nguy cơ có thể xảy đến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều trị bệnh. Cùng tìm hiểu về các vấn đề y khoa chống chỉ định tuyệt đối khi cấy ghép Implant trên bệnh nhân này.

1. Nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não hoặc đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Khi thiếu máu đến tim hoặc não xảy ra, nó thường gây hoại tử và suy chức năng. Nhờ sự can thiệp và thời gian hồi phục 6-12 tháng sau chăm sóc ban đầu, bệnh nhân bắt đầu ổn định. Trong giai đoạn này và 3-6 tháng sau ổn định ban đầu, cần tránh căng thẳng cho bệnh nhân, bao gồm cả phẫu thuật, vì nó có thể gây ra các biến chứng sau thiếu máu. Do nguy cơ biến chứng cao sau nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não, bác sĩ nha khoa phải chờ cho đến khi bệnh nhân ổn định sơ bộ. Bệnh nhân có thể được chăm sóc nha khoa sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi tai biến thiếu máu cục bộ xảy ra và phải được chứng nhận sức khỏe. Ngoài ra, bác sĩ nha khoa phải nhận diện bệnh nhân đang điều trị huyết khối và hiểu rằng cấy ghép nha khoa không nhất thiết phải thay đổi hoặc gián đoạn việc điều trị.

2. Vấn đề về ghép hoặc đặt van tim nhân tạo

Điều trị khiếm khuyết tim mạch bằng ghép tự thân hoặc vật liệu ghép thường được bao bọc hoàn toàn trong nội tâm mạc hoặc nội mạc trong tháng đầu tiên, giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, từ đó tránh được nguy cơ viêm nội tâm mạc hoặc viêm nội mạc động mạch. Do nguy cơ dễ bị nhiễm khuẩn nên van tim nhân tạo chỉ được sử dụng trong trường hợp suy tim sung huyết tiến triển, thuyên tắc mạch toàn thân, hoặc viêm nội tâm mạc. Có 3 dạng van tim nhân tạo: van sinh học, van cơ học, và ghép đồng loại hoặc ghép tự thân. Tất cả, ngoại trừ ghép tự thân, đều có nguy cơ viêm nội tâm mạc cũng như hở, hẹp, và thoái hóa van. Tỷ lệ viêm nội tâm mạc do van tim nhân tạo nằm trong khoảng 1-3%, và nguy cơ cao hơn trong 3 tháng đầu tiên. Vào thời điểm 6 tháng, tỷ lệ viêm nội tâm mạc do van tim nhân tạo giảm còn 0.4%. Đối với phẫu thuật thay van, cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm sau phẫu thuật để bệnh nhân ổn định. Cần tránh các điều trị nha chu xâm lấn để tránh nhiễm khuẩn huyết và có thể là phá hủy van. Tùy thuộc vào loại van sử dụng (cơ học hay sinh học), bệnh nhân phải sử dụng những phác đồ thuốc khác nhau (thuốc chống đông hoặc thuốc tăng thể tích huyết tương). Ngoài ra, kháng sinh phòng ngừa trước điều trị phẫu thuật xâm lấn có thể cũng cần thiết. Bác sĩ thực hành phải lưu ý điều này trước khi điều trị cấy ghép.

3. Những tình trạng có nguy cơ chảy máu nhiều

Nếu sự cầm máu đầy đủ không thể xảy ra thì không được tiến hành phẫu thuật. Chảy máu không kiểm soát xuất phát từ nhiều tình trạng, bao gồm cả rối loạn tiểu cầu và các yếu tố đông máu, nhưng thường là do điều trị nội khoa. Những bệnh nhân uống thuốc chống đông (ví dụ như aspirin, warfarin, clopidogrel) để điều trị bệnh tim mạch phải được theo dõi cẩn thận về thời gian chảy máu và INR. Nguy cơ chảy máu nhiều sau phẫu thuật nha khoa ở bệnh nhân có thời gian prothrombin gấp 1.5-2 lần bình thường là thấp. Tuy nhiên, y văn cho rằng bệnh nhân có INR 3 có thể chịu được các điều trị nha khoa xâm lấn, bao gồm nhổ răng và cấy ghép. Nếu vì một lý do nào đó, INR phải được giữ ở mức cao hơn, thì điều trị cấy ghép là không phù hợp. Thiếu tiểu cầu do nhiễm trùng, xuất huyết giảm tiểu cầu nguyên phát, xạ trị, suy giảm chức năng tủy xương, và bệnh bạch cầu có thể gây ra vấn đề chảy máu trong và sau phẫu thuật. Giảm tiểu cầu nhẹ, hoặc số lượng tiểu cầu 50,000-100,000/mm³ có thể gây chảy máu bất thường sau phẫu thuật. Số lượng tiểu cầu dưới 50,000/mm³ có thể gây chảy máu trầm trọng sau phẫu thuật; xuất huyết màng nhầy tự phát xảy ra khi số lượng tiểu cầu dưới 20,000/mm³. Những bệnh nhân này cần được truyền máu trước phẫu thuật. Đối với hầu hết bệnh nhân nha khoa, hematocrit (tỷ lệ thể tích huyết cầu) quan trọng với bệnh nhân ngoại trú chỉ khi giá trị này giảm xuống 60% so với giới hạn dưới bình thường. Những bệnh nhân cần gây mê phải có giá trị hemoglobin và hematocrit nằm trong khoảng 75-80% so với bình thường.

4. Vấn đề về ức chế miễn dịch

Vấn đề đạt được đáp ứng miễn dịch đầy đủ là rất quan trọng cho sự lành thương. Phẫu thuật miệng thường bị chống chỉ định khi tổng lượng bạch cầu dưới 1500-3000/mm³, bởi vì bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và giảm khả năng sửa chữa hoặc tái tạo. Số lượng bạch cầu trung tính bình thường nằm trong khoảng 3500-7000/mm³. Một người có số lượng tế bào bạch cầu từ 1000-2000/mm³ cần phải được phủ kháng sinh phổ rộng. Những đối tượng có số lượng bạch cầu dưới 1000/mm³ phải được tham vấn y khoa ngay lập tức và không thể điều trị cấy ghép.

5. Điều trị bệnh lý ác tính

Do phải phá hủy các tế bào ác tính phân chia nhanh chóng, cả phương pháp xạ trị ion hóa và hóa trị đều làm phá vỡ cơ chế bảo vệ vật chủ và sự tạo máu. Do bệnh nhân được điều trị bằng những phác đồ trên không thể đạt được đáp ứng thích hợp cho sự lành thương sau phẫu thuật, nên phẫu thuật cấy ghép bị ngăn cấm. Tổng liều bức xạ ion hóa đề điều trị ung thư thay đổi từ 50 đến 80 Gy. Nó được chia nhỏ thành 1-10 Gy mỗi tuần để tiêu diệt tối đa tế bào ung thư và giảm thiểu tổn thương cho tế bào chủ. Có 4 giai đoạn tương tác sinh học xảy ra trong xạ trị. Nhìn chung, mô và hệ thống nha chu có độ nhạy với tia xạ trung bình so với những tế bào có tốc độ chu chuyển nhanh hơn (tế bào tủy, da, dạ dày-ruột). Tuy nhiên, xạ trị vùng đầu và cổ sẽ khiến cho bộ máy nha chu dễ bị tổn thương. Cốt bào ở phiến xương ngoài và xương havers nằm trên đường đi trực tiếp của bức xạ ion hóa sẽ bị chết, và các mạch máu của kênh havers có thể bị tắc. Viêm niêm mạc và khô miệng, do bức xạ phá hủy niêm mạc và tuyến nước bọt, cũng góp phần tạo ra môi trường miệng kém. Khả năng tuần hoàn và tạo máu của xương giảm xuống. Xương hàm dưới phía sau dễ bị hoại tử xương do tia xạ, chủ yếu là vì nó thường nằm gần với nguồn tia. Bên cạnh đó, nó có ít mạch máu, và chứa bè xương thưa hơn và lớn hơn. Hầu hết các nghiên cứu về cấy ghép ở xương chiếu xạ đã cho thấy điều này. Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc gây độc tế bào để điều trị ung thư sẽ gây giảm bạch cầu hạt nhanh chóng, sau đó là giảm tiểu cầu, có thể là chống chỉ định của cấy ghép nha khoa. Trong khi đó, có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của hóa trị lên sự tồn tại của implant. Các báo cáo case trên những đối tượng được cấy ghép nha khoa và đang hóa trị ung thư vẫn còn mâu thuẫn, mặc dù hầu hết là kết quả bất lợi.

6. Vấn đề về rối loạn tâm thần nặng

Một bệnh nhân không thể hiểu và tham gia điều trị nha khoa thì tốt nhất là không nên được điều trị cấy ghép. Một số tình trạng đã được ghi nhận là không phù hợp với đặt implant. Đó là rối loạn tâm thần (ví dụ tâm thần phân liệt), rối loạn nhân cách trầm trọng (cuồng loạn và nhân cách ranh giới), chứng ám ảnh sợ bị dị dạng, tổn thương não, và chứng mất trí lão suy, cũng như nghiện rượu và ma túy. Không có nguyên nhân sinh học nào giải thích cho sự thất bại của implant ở những bệnh nhân có các rối loạn trên, nhưng có nhiều báo cáo case đã cho rằng việc tháo implant là do các yếu tố tâm thần.

7. Vấn đề về nghiện ma túy

Nghiện rượu và các chất gây nghiện khác sẽ làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm lành thương do suy dinh dưỡng, đầu óc không mạch lạc, từ đó dẫn tới vệ sinh răng miệng kém. Nghiện rượu thường gây ra các bệnh lý ở gan, từ đó dẫn tới rối loạn tiểu cầu, cao huyết áp, nhồi máu nguy kịch, phình mạch, và xuất huyết lan tỏa. Bệnh nhân nghiện rượu hoặc ma túy có thể không chỉ mất khả năng nhận thức hoặc chấp nhận kết quả điều trị thực tế mà còn ảnh hưởng đến sự lành thương.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *