Diazepam và Ketoconazole là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh khác nhau. Diazepam là một thuốc an thần được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu và co cứng cơ, trong khi Ketoconazole là một thuốc kháng nấm được sử dụng để điều trị các bệnh nấm da, móng tay và nhiễm nấm hô hấp. Tuy nhiên, việc sử dụng Diazepam và Ketoconazole cùng nhau có thể gây ra tương tác thuốc và dẫn đến một số tác dụng phụ. Do đó, để tránh tương tác thuốc có hại và đảm bảo hiệu quả điều trị tối đa cho bệnh nhân, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng trước khi sử dụng Diazepam hoặc Ketoconazole.
1. Thông tin chung về thuốc Diazepam
1.1 Cơ chế tác dụng
Diazepam là thuốc hướng thần nhóm Benzodiazepin tác dụng kéo dài. Diazepam gắn với các thụ thể Benzodiazepin ở hệ thần kinh trung ương và các cơ quan ngoại vi đặc biệt. Thụ thể Benzodiazepin trên hệ thần kinh trung ương có liên quan chặt chẽ với thụ thể của Gamma aminobutyric acid (GABA) – một chất dẫn truyền thần kinh chủ yếu gây ức chế ở não. Sau khi gắn với thụ thể Benzodiazepin, Diazepam làm tăng khả năng gắn GABA vào thụ thể GABA, gây tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
1.2 Chỉ định
Diazepam được sử dụng trong những trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ.
Trong trường hợp trầm cảm có kèm trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ, có thể dùng Diazepam cùng với các thuốc chống trầm cảm. Sảng rượu cấp, các bệnh tiền sảng và hội chứng cai rượu cấp.
Co cứng cơ do não hoặc do thần kinh ngoại vi.
Co giật do sốt cao, trạng thái động kinh, co giật do ngộ độc thuốc. Tiền mê trước khi phẫu thuật.
1.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Buồn ngủ.
Ít gặp: Chóng mặt, nhức đầu. Thần kinh: Khó tập trung tư tưởng. Cơ xương: Mất điều hòa, yếu cơ.
Hiếm gặp: Phản ứng nghịch thường như kích động, hung hăng, ảo giác; dị ứng; vàng da, độc tính với gan, transaminase tăng, phosphatase kiềm tăng.
2. Thông tin chung về thuốc Ketoconazole
2.1 Cơ chế tác dụng
Ketoconazole là một thuốc chống nấm tổng hợp thuộc nhóm Imidazol. Thuốc thường có tác dụng kìm hãm nấm ở nồng độ đạt được trong lâm sàng nhưng thuốc cũng có thể diệt nấm ở nồng độ cao sau khi ủ kéo dài hoặc trên nấm rất nhạy cảm.
Cũng như các hợp chất azol chống nấm khác, Ketoconazole ức chế hoạt tính của cytochrom P450 là hệ enzym cần thiết cho quá trình khử methyl các 14 alpha-methyl-sterol (thí dụ Lanosterol) thành Ergosterol là sterol chính của màng tế bào nấm, lượng Ergosterol bị giảm sẽ làm thay đổi tính thấm và chức năng của màng tế bào. Tác dụng diệt nấm của Ketoconazole ở nồng độ cao có thể là do tác dụng hóa lý trực tiếp của thuốc trên màng tế bào nấm. In vitro, Ketoconazol nồng độ thấp bằng 0,01 microgam/ml đã ngăn Candida albicans hình thành giả sợi nấm (pseudohyphae). Tác dụng này làm tăng khả năng nấm dễ bị thực bào khi cho thêm bạch cầu đa nhân vào môi trường cấy vì bạch cầu có khả năng thực bào dễ hơn ở pha nấm men (yeastphase) so với pha thể sợi nấm (mycelium). Tác dụng của Ketoconazole đối với tổng hợp steroid ở người cần nghiên cứu thêm vì thuốc ức chế trực tiếp tổng hợp các steroid tuyến thượng thận và Testosterone in vitro và in vivo. Ketoconazol ức chế tổng hợp steroid chủ yếu bằng ngăn cản một số hệ enzym P450 (như 11 beta-hydroxylase, C-17, 20-lyase, enzym tách chuỗi bên của cholesterol).
2.2 Chỉ định
Tại chỗ (Bệnh nấm): Điều trị nấm ở da và niêm mạc (do nấm da toàn thân, nấm da đùi, nấm loang (tinea versicolor), Candida ở miệng, viêm da bã nhờn),…
Toàn thân:
- Bệnh nấm ở da nặng, dai dẳng, không đáp ứng với thuốc bôi ngoài và các thuốc chống nấm khác (như Griseofulvin) và viêm nang lông do Malasseria kháng Fluconazol, Terbinefin hoặc Itraconazol hoặc ở người bệnh không dung nạp các thuốc đó khi dùng lâu dài. Bệnh nấm candida mạn tính ở da, niêm mạc, miệng – hầu kháng Fluconazol hoặc Itraconazol hoặc không dung nạp được các thuốc đó.
- Bệnh Leishmania da hoặc niêm mạc – da và Leishmania nội tạng: Ketoconazole không được khuyến cáo làm thuốc được chọn đầu tiên. Ung thư tuyến tiền liệt tái phát giai đoạn IV; chỉ định bổ sung trong điều trị cấp hội chứng đông máu nội mạch rải rác do carcinoma tuyến tiền liệt.
- Tăng calci huyết ở người lớn bị bệnh sarcoid.
2.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, đầy hơi, chảy máu đường tiêu hóa, ỉa chảy. Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn. Ngứa, ngoại ban.
Ít gặp: Tăng tạm thời nồng độ transaminase trong huyết thanh. Đau đầu, chóng mặt, kích động, ngủ gà hoặc sốt. Phát ban, viêm da, ban xuất huyết và mày đay.
Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, phản ứng quá mẫn. Rối loạn thần kinh – tâm thần (khuynh hướng tự tử, trầm cảm nặng…). Vú to (do tác dụng tăng prolactin bởi tuyến yên) và giảm khả năng tình dục ở người bệnh nam (do ức chế quá trình tổng hợp testosteron). Viêm gan. Chứng yếu cơ và đau cơ.
3. Tương tác thuốc giữa Diazepam và Ketoconazole
3.1 Cơ chế
Dùng đồng thời với thuốc kháng nấm nhóm azole có thể làm tăng nồng độ Diazepam trong huyết tương. Cơ chế là ức chế chuyển hóa Diazepam qua CYP3A4.
3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Diazepam và Ketoconazole cùng nhau
Tương tác giữa hai loại thuốc này có thể làm tăng nồng độ Diazepam trong cơ thể, dẫn đến tác dụng phụ như buồn ngủ, mất cân bằng, khó nói, và mất trí nhớ.
3.3 Biện pháp xử lý tương tác thuốc giữa Diazepam và Ketoconazole
Để giảm thiểu tương tác thuốc giữa Diazepam và Ketoconazole, bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Tránh sử dụng Diazepam và Ketoconazole cùng nhau nếu không được chỉ định bởi bác sĩ.
- Có thể điều chỉnh liều lượng hoặc chỉ định thay thế bằng các loại thuốc khác để tránh tương tác thuốc có hại.
- Theo dõi các tác dụng phụ của từng loại thuốc và báo cho bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu không bình thường nào.
- Không tăng hoặc giảm liều lượng thuốc một cách đột ngột mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
3.4 Mức độ tương tác từ nhiều nguồn khác nhau
Drug: Vừa phải
Medscape: Nghiêm trọng
WebMD: Nghiêm trọng
Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com
Leave a Reply