Dây thần kinh VII (còn được gọi là dây thần kinh mặt – facial nerve) là một trong những dây thần kinh quan trọng nhất trong hệ thần kinh. Tổn thương dây thần kinh VII có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh lý như bệnh Bell, chấn thương. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương, có thể bao gồm thuốc giảm đau, phục hồi chức năng và phẫu thuật.
1. Giải phẫu và sinh lý
Thần kinh VII có chức năng vận động cơ vùng mặt, phụ trách tiết nước mắt và nước bọt, cảm giác vị giác, về phương diện giải phẫu, thần kinh VII vận động tách rời với phần cảm giác và giao cảm (được gọi là VII ’ hay thần kinh Wrisberg).
Phần vận động: Nhân vận động của thần kinh VII nằm ở phía trong của rễ xuống của dây V, phía trong của rễ xuống của dây V, phía trước và ngoài của nhân VI và phía sau nhân olive trên, cÓ hai nhóm nhân vận động : nhân lưng chi phối các cơ trên, cơ da mặt trên, nửa trên cơ vòng mi; nhân bụng chi phối các cơ phần dưới mặt, cơ plastyma(cơ bám da vùng cổ). Rễ vận động xuất phát từ mặt lưng của các nhân, đi về phía sàn não thất IV và bao quanh nhân VI (gối thứ nhất) sau đó hướng ra trước và ra ngoài tỏ mặt ngoài cầu não (ở giữa hành và cầu não) và ở góc cầu tiểu não, phía ngoài dây VI và phía trong dây VIII .
Thần kinh VII đi vào ống tai trong, ở cuối ống tai nó vào ống thần kinh mặt (kênh Fallope). Đầu tiên TK VII đi giữa ốc tai và tiền đình tới vách trong thùng nhĩ sau đó quẹo một gối thứ nhỏ ở phía sau thừng nhĩ và ra khỏi sọ ở lỗ trâm chũm, đi vào tuyến mang tai.
Trung tâm điều khiển nhân VII đi hồi trước rãnh trung tâm, cho các sợi đi theo bó tháp bắt chéo tại cầu não. Nhân lưng nhân sợi từ hai bên, nhân bụng chỉ nhận sợi từ phía đối bên. Nhân VII còn nhận sợi chi phối từ hệ ngoại tháp hai bên từ vùng vỏ não ngoại tháp và các nhân xám nền sọ chi phối các vận động tự động của mặt.
Phần vận động chi phối tất cả các cơ biểu hiện cảm xúc lên mặt, cơ da cổ, các cơ của tai, thân sau cơ hai thân, cơ trâm quay, cơ bàn đạp. Tại tuyến mang tai, thần kinh VII chia hai nhánh, nhánh thái dương-mặt và nhánh cổ-mặt.
Phụ trách cảm giác và giao cảm, ở phía ngoài và phía sau của rễ vận động. Hạch cảm giác là hạch gối ở trong ống thần kinh mặt. Các nhánh phụ trách cảm giác xúc giác tận cùng ở nhân bó đơn độc. Thần kinh VII nhận cảm giác ống tai ngoài, màng nhĩ, vùng Ramsay-Hunt ở vành tai, cảm giác vị giác ở 2/3 trước lưỡi, và thần kinh VII còn phụ trách cảm giác sâu của các cơ vùng mặt. Chức năng tiết được phụ trách bởi nhân nước bọt trên.
2. Thăm khám lâm sàng
2.1. Chức năng vận động
Khám các cơ vận động cảm xúc vùng mặt, quan sát sự mất cân đối của nét mặt, khóe mắt, bảo bệnh nhân làm các cử động nhướn mày, nhăn mặt, cười. Các cơ vùng tai và các cơ da đầu và vùng chẩm không khám được. Cơ da cổ khám bằng cách bảo bệnh nhân nhe răng và cắn mạnh, ở trẻ em phải quan sát khi chúng khóc. Nếu bệnh nhân hôn mê thì làm nghiệm pháp Pierre-Marie-Foix. Cơ trâm quay không khám được nhưng nếu liệt thì nuốt yếu và có thể hơi sặc. Nếu liệt cơ bàn đạp thì có triệu chứng ù tai: nghe tiếng động lên thì rất khó chịu và đau nhói tai.
2.2. Chức năng cảm giác
Khám rất phức tạp. Cảm giác vùng da ống tai ngoài và màng nhĩ còn nhận sợi chi phối của V, IX, X và thần kinh tai lớn (C2-C3); do đó, ít khi mất hẳn cảm giác khi tổn thương thần kinh VII. Các cảm giác sâu vùng mặt không khám được. Có thể khám cảm giác phần sau ống tai ngoài và màng nhĩ với sợi nylon.
Cảm giác vị giác 2/3 trước lưỡi có thể khám được bằng 4 vị cơ bản: ngọt (dùng đường), mặn (dùng muối), chua (dùng chanh) và đắng (dùng quinine), ở người bình thường thì lưỡi nhạy cảm với cảm giác đắng sau đó là chua, ngọt và mặn. Khi khám có thể viết chữ lên giấy cho bệnh nhân chi. Các triệu chứng khi tổn thương là mất vị giác, gặp trong tổn thương v n ngoại biên; hypogeusia và parageusia(giảm vị giác và vị giác lạ) không có giá trị nhiều, có thể gặp trong động kinh thái dương, loạn tâm thần hoặc hysterie.
2.3. Chức năng tiết nước bọt và nước mắt
Tổn thương VII ngoại biên làm giảm tiết nước bọt và nước mắt. Có thể phát hiện giảm tiết nước mắt bằng nghiệm pháp Schirmer: để một miếng giấy thấm vào túi cùng mi dưới sau đó quan sát.
3. Tổn thương thần kinh VII
– Liệt trung ương: do tổn thương tháp một bên, liệt chỉ bị ở phần dưới mặt, bệnh nhân vẫn còn nhắm mắt được, không ảnh hưởng tới vị giác và giao cảm.
– Liệt VII ngoại biên: Tất cả các cơ vùng mặt đều liệt, không nhắm mắt được (có dấu Charles Bell), có kèm rối loạn vị giác hoặc giao cảm hay không là tùy vị trí tổn thương, nếu liệt kéo dài có thể teo cơ mặt.
– Trong trường hợp liệt nhẹ, triệu chứng có thể kín đáo hơn, ta có thể phát hiện các dấu hiệu sau:
- Dấu lông mi Souques: nhắm mạnh mắt thì lông mi bên liệt có vẻ dài hơn bên bình thường.
- Dấu Dutemps-Cestan: nhìn xuống dưới và nhắm mắt lại thì mi trên bên liệt nâng lên.
- Dấu Negro: khi nhìn lên thì mắt bên liệt hơi đưa ra ngoài và lên trên nhiều hơn bên lành.
- Dấu cơ da cổ: Mất nếp nhăn cổ khi cho bệnh nhân nhăn răng.
– Các tổn thương
+ Tại nhân: liệt mặt toàn bộ, có các ảnh hưởng tới cấu trúc lân cận, ít khi bị cảm giác và tiết nước mắt, có thể có tổn thương VI, rung giật bó cơ mặt. Các hội chứng hay gặp là Millard-Gubler và Foville
+ Dưới nhân
- Giữa cầu và ống thần kinh mặt: tại đây do dây VII ở gần dây VIII nên thường tổn thương phối hợp, thần kinh VII mất toàn bộ chức năng.
- Tổn thương trong ống thần kinh mặt giữa ống tai trong và hạch gối: liệt VII và mất vị giác, tiết nước mắt, tăng thính lực gây ù tai, tuy nhiên do đoạn này ngắn nên tổn thương tại đây ít gặp.
- Tại hạch gối: liệt vận động mặt, ù tai, mất vị giác, giảm tiết thường gặp do herpes của hạch gối (hội chứng Ramsay – Hunt).
- Sau hạch gối, trước khi cho nhánh vào cơ bàn đạp: liệt mặt, ù tai, mất vị giác, còn tiết nước mắt.
- Giữa thần kinh cho cơ bàn đạp và dây nhĩ : liệt mặt, mất vị giác, giảm tiết nước bọt, không có ù tai và không giảm tiết nước mắt.
- Tại lỗ trâm chũm và tuyến mang tai: liệt vận động đơn thuần.
– Các tổn thương VII ngoại biên thường gặp: liệt Bell và hội chứng Rosenthal – Melkersson.
– Tổn thương VII dạng kích thích làm co giật nửa mặt : động kinh, co thắt cơ nửa mặt, loạn trương lực cơ, và hội chứng Brissou: co giật nửa mặt và liệt nửa người đối bên.
Nguồn tham khảo: Thần kinh học- ĐH Y TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply