Ung thư buồng trứng: Hướng dẫn chẩn đoán theo bộ Y tế

Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là ở những người ở độ tuổi trung niên. Chẩn đoán phát hiện ung thư buồng trứng sớm và chính xác giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống của bệnh nhân. Bài viết sẽ giới thiệu về hướng dẫn chẩn đoán ung thư buồng trứng theo bộ Y tế.

1. Đại cương về ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng (UTBT) là một trong những ung thư phụ khoa hay gặp nhất và cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho nữ giới. Theo GLOBOCAN 2020 , trên thế giới, UTBT đứng hàng thứ tám ở phụ nữ với hơn 313.000 ca mắc mới và khoảng 207.000 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.500 trường hợp mới mắc và khoảng 850 ca tử vong do UTBT. Tỷ lệ mắc bệnh chuẩn theo tuổi là 2,7/100.000 dân. Tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, phần lớn ung thư biểu mô buồng trứng gặp ở lứa tuổi hậu mãn kinh, tuổi mắc trung bình là 63. Ngược lại, ung thư tế bào mầm buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trẻ, từ 15-20 tuổi.

UTBT là bệnh khó phòng ngừa, khó phát hiện sớm vì buồng trứng là cơ quan nằm sâu trong tiểu khung, các triệu chứng thường âm thầm, mơ hồ, không đặc hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh nội, phụ khoa khác, khi triệu chứng đã rõ bệnh thường ở giai đoạn muộn.

Do có sự khác biệt cơ bản về mô bệnh học và đặc điểm lâm sàng cũng như tiên lượng, có thể chia UTBT ra các loại sau: Ung thư biểu mô buồng trứng (hay gặp nhất chiếm 80-90%), ung thư tế bào mầm (5-10%), ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục, ung thư bắt nguồn từ trung mô, và các ung thư di căn đến buồng trứng.

Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được rõ ràng. Rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh và các yếu tố môi trường, chế độ ăn, sinh sản, nội tiết, virus và di truyền trong đó yếu tố gia đình đã được xác nhận, khoảng 7% UTBT có mang tính chất gia đình. Những phụ nữ có mẹ và chị em gái mắc bệnh này có nguy cơ mắc tăng gấp 20 lần cộng đồng.

Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu Vitamin A và chất xơ giảm nguy cơ UTBT.

Tuổi cao cũng là một yếu tố nguy cơ vì tỷ lệ mắc ung thư biểu mô buồng trứng tăng dần theo số lần rụng trứng. Những nguời có thai trước 25 tuổi, mãn kinh sớm cũng liên quan đến giảm tỷ lệ mắc UTBT.

Liệu pháp hormon thay thế cũng không làm tăng nguy cơ mắc UTBT. Gần đây, một số nghiên cứu về gen cho thấy sự đột biến gen BRCA1 (nằm trên NST 17), gen p53 làm tăng nguy cơ UTBT.

minh-hoa-ung-thu-buong-trung
Ung thư buồng trứng thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi trung niên

2. Chẩn đoán ung thư buồng trứng

2.1. Chẩn đoán xác định

2.1.1. Lâm sàng

Ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm: triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu dễ nhầm lẫn với các bệnh nội khoa, sản phụ khoa khác: khó tiêu, mệt mỏi, chán ăn.

Một số triệu chứng của UTBT giai đoạn muộn hơn có thể gặp:

  • Cảm giác khó chịu, ậm ạch vùng bụng dưới, đau bụng
  • Bụng chướng
  • Sờ thấy khối ổ bụng
  • Chảy máu âm đạo
  • Các triệu chứng về ruột, tiết niệu (do u chèn ép, xâm lấn).

2.1.2. Cận lâm sàng

2.1.2.1. Chẩn đoán hình ảnh
  • Siêu âm: phát hiện các khối u buồng trứng, nhân di căn gan, phúc mạc, dịch tự do ổ bụng
  • Soi ổ bụng: phát hiện u nguyên phát và các nhân di căn phúc mạc, bề mặt gan và tiến hành sinh thiết làm giải phẫu bệnh.
  • Chụp Xquang phổi: có thể thấy hình ảnh di căn phổi, màng phổi.
  • Chụp CT, MRI bụng: có thể thấy khối u buồng trứng, hạch ổ bụng, dịch tự do, các tổn thương di căn phúc mạc, gan…
  • Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn.
  • Xạ hình thận chức năng bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA để đánh giá chức năng thận trước điều trị và sau điều trị.
  • Chụp PET/CT với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.
2.1.2.2. Nội soi ổ bụng

Phát hiện u nguyên phát và các nhân di căn phúc mạc, bề mặt gan và tiến hành sinh thiết làm giải phẫu bệnh.

2.1.2.3. Nội soi đường tiêu hóa

Đứng trước một trường hợp u buồng trứng, cần phải nội soi dạ dày, đại trực tràng thường quy để loại trừ các khối u đường tiêu hóa di căn đến buồng trứng (Hội chứng Krukenberg).

2.1.2.4. Xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học
  • Chọc hút dịch ổ bụng, hạch, dịch màng phổi nếu có để làm tế bào học.
  • Mô bệnh học: sinh thiết qua nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật để xét nghiệm mô bệnh học là xét nghiệm quyết định chẩn đoán.
2.1.2.5. Định lượng chất chỉ điểm khối u (Tumor marker)
  • CEA; CA 125; HE4, CA 72-4, Inhhibin B, AMH, LH: Thường tăng cao, có giá trị đánh giá đáp ứng với điều trị và theo dõi tái phát di căn.
  • Alpha-fetoprotein (AFP) và Human chorionic gonadotropin (HCG) tăng trong ung thư tế bào mầm.
2.1.2.6. Xét nghiệm gen
  • Xét nghiệm gen BRCA1/BRCA2, MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, EPCAM, MUTYH, TP53, STK11, PALB2 … giúp tiên lượng bệnh, lựa chọn các thuốc điều trị nhắm trúng địch, đánh giá khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng di truyền.
  • Giải trình tự nhiều gen.

2.2. Chẩn đoán phân biệt

  • Các bệnh lý viêm nhiễm, apxe vùng tiểu khung.
  • Lao sinh dục, lao màng bụng.
  • Các khối u khác cơ quan sinh dục (u tử cung, u lành buồng trứng).
  • Các khối u đường tiêu hoá, đường tiết niệu, u sau phúc mạc, u mạc treo…
  • Các ung thư di căn đến buồng trứng: phải đánh giá toàn diện trước khi điều trị.

2.3. Chẩn đoán giai đoạn TNM theo AJCC (Ủy ban Phòng chống ung thư Hoa Kỳ) và FIGO (Hiệp hội Sản phụ khoa Quốc tế) phiên bản lần thứ 8 năm 2017

FIGO Tiêu chuẩn T TNM
  Không đánh giá được u nguyên phát Tx
0 Không có bằng chứng về u nguyên phát T0
I Ugiới hạn ở buồng trứng hoặc vòi trứng T1
IA U giới hạn ở một bên buồng trứng hoặc vòi trứng, có vỏ bọc nguyên vẹn, không có khối u trên bề mặt buồng trứng, không có tế bào ung thư trong dịch cổ trướng hay dịch rửa ổ bụng. T1a

 

IB U giới hạn ở 2 bên buồng trứng hoặc vòi trứng, có vỏ bọc nguyên vẹn, không có u ở bề mặt buồng trứng, không có tế bào ung thư trong dịch cổ trướng hay dịch rửa ổ bụng T1b

 

IC U giới hạn ở 1 hoặc 2 buồng trứng, ống dẫn trứng với các dấu hiện sau: T1c
IC1 Mô bao quanh khối u bị phá vỡ trong quá trình phẫu thuật. T1C1
IC2 U phá vỡ vỏ trước phẫu thuật hoặc u ở bề mặt buồng trứng, vòi trứng T1C2
IC3 Tế bào ác tính trong dịch cổ trướng hay dich rửa ổ bụng T1C3
FIGO Tiêu chuẩn T TNM
II U ở một hoặc hai buồng trứng hoặc vòi trứng hoặc ống dẫn trứng xâm lấn vùng chậu T2
IIA U xâm lấn và/hoặc reo rắc tế bào ung thư đến tử cung và/hoặc vòi trứngvà/hoặc buồng trứng. T2a
IIB Xâm lấn, lan tràn đến cơ quan khác trong khung chậu. T2b
III U ở 1 hoặc 2 bên buồng trứng hoặc vòi trứng hoặc ung thư phúc mạc nguyên phát nhưng có di căn phúc mạc ngoài tiểu khung và/hoặc di căn hạch sau phúc mạc (hạch chậu và/hoặc hạch cạnh động mạch chủ). T3

 

IIIA2 Di căn vi thể phúc mạc ngoài vùng tiểu khung có hoặc không có di căn hạch sau phúc mạc. T3a
IIIB Di căn đại thể phúc mạc ngoài tiểu khung, đường kính lớn nhất ≤2cm, có hoặc không có di căn hạch sau phúc mạc. T3b
IIIC Di căn đại thể phúc mạc ngoài vùng chậu với đường kính nhân di căn >2cm, có/không có di căn hạch khoang sau phúc mạc, bao gan hoặc lách. T3c
IV Di căn xa không kể di căn phúc mạc bao gồm: di căn màng phổi, nhu mô gan, lách, hạch bẹn. M1
  Không đánh giá được hạch vùng Nx
  Không có hạch di căn vùng N0
  Các tế bào u tách biệt ở hạch vùng ≤0.2mm N0(i+)
IIIA1 Chỉ hạch sau phúc mạc dương tính (xác định bằng mô bệnh học) N1
IIIA1i Hạch di căn lên tới 10mm. N1a
IIIA1ii Hạch di căn >10mm. N1b
  Chưa di căn xa M0
IV Di căn xa bao gồm tràn dịch màng phổi có tế bào học dương tính, di căn nhu mô gan hoặc lách, di căn đến các cơ quan ngoài ổ bụng (bao gồm hạch bẹn và hạch ngoài ổ bụng), xâm lấn thành ruột. M1

 

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *