Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị Nội nha – Hội Nội nha Hoa Kỳ.

Tiêu chuẩn thành công nghiêm ngặt được xác định bởi sự biến mất của các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, sự lành thương hoàn toàn hoặc khoảng dây chằng nha chu bình thường. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng khi phải quyết định thuật ngữ và áp dụng nó vào đánh giá kết quả điều trị nội nha trên thực tế. Vì thế, vào năm 2005, Hiệp hội Nội nha Hoa Kỳ (AAE) đã thông qua tiêu chuẩn đánh giá về kết quả điều trị Nội nha. Tiêu chuẩn này đã được chấp nhận và làm nền tảng trong quá trình thực hành lâm sàng của các Nha sĩ điều trị. Cùng tìm hiểu thêm về tiêu chuẩn này.

1. Các định nghĩa về kết quả còn chưa nhất quán

Qua nhiều năm, thuật ngữ “thành công” và “thất bại” đã được xem xét kỹ lưỡng hơn do sự khác biệt về lâm sàng, mô học và quan sát trên phim X quang. Những bổ sung và tiêu chuẩn được thêm vào, như “nghiêm ngặt” và “tương đối”, khi mà định nghĩa thành công “nghiêm ngặt” được đặc trưng bởi “lâm sàng  và X quang bình thường” còn “tương đối” thì chỉ cần lâm sàng bình thường. Tiêu chuẩn thành công nghiêm ngặt được xác định bởi sự biến mất của các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng, sự lành thương hoàn toàn hoặc khoảng dây chằng nha chu bình thường. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng khi phải quyết định thuật ngữ và áp dụng nó vào đánh giá kết quả điều trị nội nha trên thực tế.

Các cuộc tranh luận về vấn đề lựa chọn điều trị nội nha là một sự so sánh sai lệch giữa kết quả điều trị nội nha với tỉ lệ thành công của một implant cắm ghép. Thuật ngữ “thành công” của 2 phương thức điều trị trên là dựa trên những tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau. Sự so sánh này cũng gây nhầm lẫn cho bệnh nhân khi phải quyết định lựa chọn điều trị nội nha hay nhổ răng để thay thế bằng một implant.

Một loạt bài báo cáo mà bây giờ được mọi người biết đến là nghiên cứu Toronto đã giới thiệu nhiều thuật ngữ khác được coi là phù hợp hơn để đánh giá kết quả điều trị nội nha và khác với phân loại “thành công” thường được sử dụng. Việc đánh giá kết quả điều trị của nghiên cứu Toronto dựa trên chỉ số quanh chóp (PAI), và xếp loại “đã lành thương” khi PAI <3 hoặc “bệnh lý” khi PAI>3. Quan trọng là, các tác giả đã giới thiệu một phân loại mới là “có chức năng” cho tất cả những răng không có triệu chứng bất kể số điểm PAI là bao nhiêu. Sau đó, người ta cho rằng kết quả điều trị nội nha nên được mô tả bằng thuật ngữ lành thương, và nay những thuật ngữ mới được đề nghị này bao gồm: đã lành thương, đang lành thương, bệnh lý và có chức năng.

2. Tiêu chuẩn đánh giá của hiệp hội nội nha Mỹ

Các đặc điểm đặc trưng của viêm quanh chóp có biểu hiện rõ ràng trên phim X quang bao gồm sự mất liên tục của lamina dura, sự mở rộng của khoảng dây chẳng nha chu, có vùng thấu quang quanh chóp và tiêu ngót chân răng. Trong trường hợp điều trị nội nha thành công, viêm quanh chóp biến mất, cấu trúc xương và nha chu được tái lập quanh chóp răng. Để những thay đổi này có biểu hiện rõ rệt trên phim X quang thì xương phải có mức tái khoáng thích hợp. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét những thay đổi trên X quang trong ; bối cảnh chức năng của răng và triệu chứng lâm sàng. Nhận thức được điều này, AAE đã xem xét những tiêu chuẩn hiện tại được sử dụng trong nội nha và so sánh chúng với các biện pháp sử dụng các đặc điểm khác. Sau đó AAE đã định nghĩa thuật ngữ mới để đánh giá kết quả, phù hợp hơn trong nội nha. Cơ sở của những định nghĩa mới này là do các thuật ngữ như “thành công” và “thất bại” là quá mơ hồ. Như một sự thay thế cho các tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi của Strindberg, các định nghĩa mới đã được hội đồng quản trị Mỹ (Foundation’s Board of Trustees) thông qua vào năm 2004 và bởi hội đồng AAE vào năm 2005.

3. Định nghĩa kết quả điều trị nội nha đã được chấp nhận của AAE

  • I. Đã lành thương – Răng thực hiện tốt chức năng, không có triệu chứng, răng không có hoặc có biểu hiện rất nhỏ của bệnh quanh chóp trên phim X quang.
  • II. Không lành thương – Răng không thực hiện chức năng, có triệu chứng, có hoặc không có biểu hiện bệnh lý quanh chóp trên phim.
  • III. Đang lành thương – Răng có biểu hiện bệnh lý quanh chóp trên phim X quang nhưng không có triệu chứng và thực hiện tốt chức năng hoặc răng có hay không có biểu hiện bệnh lý quanh chóp trên phim, có triệu chứng nhưng chức năng dường như không bị thay đổi.
  • IV. Có chức năng – Răng hoặc chân răng được điều trị đang hoạt động như chức năng ban đầu của nó trong bộ răng.

Tổng kết lại, các tiêu chuẩn của Strindberg về phân loại trên X quang là rất nghiêm ngặt, sự chuẩn hóa giữa các nhà đánh giá còn khó khăn và do vậy ứng dụng của nó đối với thực hành lâm sàng còn hạn chế. Theo đó, một chỉ số có giá trị hơn, PAI đã được giới thiệu để hướng dẫn các bác sĩ lâm sàng đánh giá độ lành thương của tổn thương quanh chóp sau điều trị, như đã được mô tả trên các phim X quang cận chóp thường quy. Giải thích về chỉ số PAI cho phép đưa ra các quyết định lâm sàng về các giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình lành thương/thất bại.

Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *