Nguyên nhân gây khó nuốt

Khó nuốt là một trong những thuật ngữ y khoa thể hiện sự khó khăn khi nuốt của người bệnh, do các bệnh lý ở vùng thực quản hoặc vùng hầu họng gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây khó nuốt, thường được chia làm hai nhóm chính là khó nuốt cơ học và khó nuốt do rối loạn vận động. Việc xác định nguyên nhân cụ thể của khó nuốt rất quan trọng để có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

1. Sinh lý bình thường của nuốt

Sinh lý bình thường của nuốt liên quan đến sự tương tác phức tạp của các cơ và cấu trúc trong miệng, cổ họng và thực quản. Nuốt có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn khoang miệng, giai đoạn hầu họng và giai đoạn thực quản.

Trong giai đoạn khoang miệng, thức ăn được nhai và trộn với nước bọt trong miệng. Sau đó lưỡi đẩy thức ăn vào họng và thực quản, tránh lạc vào đường hô hấp.

Giai đoạn hầu họng là một giai đoạn nhanh và không theo ý muốn.Trong giai đoạn này, khẩu cái mềm nâng lên để đóng khoang mũi, thanh quản nâng lên để đóng khí quản và các cơ co thắt họng co lại để đẩy thức ăn qua họng vào thực quản.

Giai đoạn thực quản bắt đầu khi thức ăn đến cơ thắt thực quản trên (UES) ngăn cách giữa hầu họng và thực quản. UES giãn ra cho phép thức ăn đi vào thực quản, và sau đó co lại để ngăn thức ăn hay chất lỏng trào ngược. Thức ăn tiếp tục được đẩy xuống nhờ nhu động của thực quản cho đến khi gặp cơ thắt thực quản dưới (LES). LES giãn ra giúp đưa thức ăn xuống dạ dày.

minh-hoa-sinh-ly-binh-thuong-cua-nuot
Sinh lý bình thường của nuốt liên quan đến sự tương tác phức tạp của các cơ và cấu trúc trong miệng, cổ họng và thực quản

2. Định nghĩa của khó nuốt

Khó nuốt là một trong những thuật ngữ y khoa thể hiện sự khó khăn khi nuốt của người bệnh, do các bệnh lý ở vùng thực quản hoặc vùng hầu họng gây ra. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và cơ địa của mỗi người thì mức độ khó nuốt sẽ khác nhanh, khi ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau buốt khi nuốt thức ăn, uống nước và cảm giác thức đi qua thực quản lâu hơn.

Khi chứng khó nuốt trở nên trầm trọng thì ngay cả chất lỏng và chất rắn đều không thể xuống được thực quản và có thể khiến người bệnh bị nôn hết thức ăn và nước uống ra ngoài.

3. Nguyên nhân gây khó nuốt

Có thể chia làm 2 loại khó nuốt

3.1. Khó nuốt cơ học

Do cục thức ăn to quá hoặc do hẹp lòng thực quản. Ở người lớn thực quản rộng tới trên 4 cm. Khi lòng thực quản hẹp dưới 2,5cm sẽ gây ra khó nuốt. Hẹp thực quản có thể do nguyên nhân trong lòng thực quản hoặc do nguyên nhân bên ngoài chèn ép. Nguyên nhân bên trong là chính: thường gặp nhất là các khối u, hẹp do loét, do viêm. Sau đây là những nguyên nhân cụ thể:

  • Dị vật hoặc cục thức ăn to quá

Một số thực phẩm có độ dai cao như thịt nạc, xúc xích hoặc mịn như khoai tây nghiền có thể dễ dàng bị kẹt lại trong cổ họng hoặc thực quản nếu không được nhai kĩ. Xương, đặc biệt là xương cá, có thể bị nuốt phải nếu phần xương không nhai kĩ được.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường nuốt phải thực phẩm tròn, nhỏ như hạt đậu, hạt lựu, kẹo. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có thể nuốt phải những đồ vật không ăn được trong lúc vui chơi như ghim cài, pin, đồng xu… gây tắc thực quản.

  • Hẹp lòng thực quản

+ Do viêm: thường gặp nhất là viêm họng và viêm thực quản, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến sẹo và hẹp lòng thực quản.

+ Do loét: thường gặp ở loét dạ dày tá tràng hoặc loét thực quản

+ Bỏng do hóa chất: thức ăn quá nóng hoặc các chất hóa học như acid hay kiềm

+ Do khối u ác tính, hoặc lành tính: ung thư hay polyp thực quản

+ Do hẹp vòng thực quản họng (hội chứng Blummer Wilson hoặc Kelly Paterson) hoặc vòng Schatzki

  • Hẹp do bên ngoài đè ngoài

+ Viêm đĩa đệm cột sống cổ hoặc gai đôi cột sống

+ Áp xe thành sau họng

+ To tuyến giáp

+ Phình động mạch chủ

+ Tim to (tràn dịch màn ngoài tim, suy tim, nhĩ trái to…)

+ Khối u phổi

+ Khối u trung thất

minh-hoa-kho-nuot
Viêm họng và viêm thực quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến sẹo và hẹp lòng thực quản.

3.2. Khó nuốt do rối loạn vận động

Khó nuốt ở đây là do mất sự phối hợp các động tác nuốt, do nhu động yếu hoặc do rối loạn sự ức chế động tác nuôt, do tổn thương cơ vân hoặc cơ trơn của thực quản.

Các bệnh ở các cơ của họng, của cơ vòng trên và dưới của thực quản, các bệnh của các sợi thần kinh chi phối sự vận động của họng và thực quản đều dẫn đến khó nuốt. Sau đây là những nguyên nhân cụ thể:

  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương: Đây là những rối loạn ảnh hưởng đến não và tủy sống gây ảnh hưởng đến phản xạ nuốt bình thường của cơ thể. Các bệnh lý có thể kể đến đột quỵ, bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.
  • Rối loạn hệ thần kinh ngoại biên: Đây là những rối loạn ảnh hưởng đến các dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống làm cản trở đường dẫn truyền của các dây thần kinh và cơ điều khiển quá trình nuốt, thường gặp nhất là bệnh tế bào thần kinh vận động (motor neuron disease) và teo cơ (muscular dystrophy).
  • Bệnh lý về cơ: Những bệnh lý làm yếu hoặc tổn thương các cơ tham gia quá trình nuốt có thể kể đến bệnh nhược cơ (myasthenia gravis) và viêm đa cơ.
  • Rối loạn nhu động thực quản: Các bệnh lý phổ biến gây ảnh hưởng đến nhu động thực quản là co thắt thực quản lan tỏa, co thắt tâm vịtrào ngược dạ dày thực quản.

4. Kết luận

Bài viết đã đề cập đến sinh lý bình thường của nuốt và nguyên nhân gây khó nuốt chia làm hai nhóm chính bao gồm khó nuốt cơ học và khó nuốt do rối loạn vận động. Việc xác định nguyên nhân cụ thể của khó nuốt rất quan trọng để có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong nhiều trường hợp, khó nuốt là một trong những triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng, vậy nên người bệnh không nên chủ quan mà cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để có thể đi đến chẩn đoán cuối cùng.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *