Bài viết này nói về các yếu tố toàn thân và sự ảnh hưởng của chúng tới nhóm bệnh lý tuỷ răng. Các yếu tố toàn thân có thể kể đến bao gồm yếu tố nhân chủng học, yếu tố di truyền, bệnh lý và thuốc có yếu tố toàn thân và bệnh nhân cao tuổi. Cùng tìm hiểu.
1. Yếu tố nhân chủng học
Người ta không thấy tuổi và giới có ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều trị nội nha và điều trị nội nha lại. Kết quả của các nghiên cứu về tỉ lệ tồn tại của răng đã điều trị nội nha có liên quan đến các yếu tố này rất khác nhau.
2. Yếu tố di truyền
Rối loạn di truyền hoặc đa hình di truyền có thể ảnh hưởng đến cơ chế phòng vệ của kí chủ, chẳng hạn như khả năng miễn dịch bẩm sinh hay thu được, dẫn đến sự nhạy cảm với bệnh lý hoặc sự thay đổi đáp ứng với điều trị. Rối loạn di truyền là một khiếm khuyết thường gây ra bởi 1 hoặc nhiều bất thường trong hệ gen. Đa hình di truyền thì do một số đột biến điểm nhất định trong kiêu gen.
Có rất ít nghiên cứu về mối quan hệ giữa đa hình di truyền và viêm quanh chóp sau điều trị. 2 điều kiện di truyền, gồm sự vận chuyển allele H131 của gen FcrRIIa và sự kết hợp của allele này với allele Na2 của gen FcrRIIIb, được báo cáo là có liên quan đến viêm quanh chóp sau điều trị. Những cá thể có allele hiếm (allele 2 hoặc T) của IL-1B được báo cáo đến 7 lần là dễ bị viêm quanh chóp sau điều trị hơn khi so sánh với những cá thể đồng hợp với allele thông thường (allele 1 hoặc C). Các polymorphism đơn nucleotide (single nucleotide polymorphism – SNP) của các gen khác liên quan đến viêm, các khung metalloproteinase (MMP) 2 and 3 cũng cho thấy sự nhạy cảm đối với sự phát triển tổn thương quanh chóp và đáp ứng lành thương.
3. Bệnh lý và các thuốc sử dụng có yếu tố toàn thân
Các nghiên cứu trước kia thấy rằng bệnh loãng xương, thiếu vitamin C, liệu pháp steroid và bệnh đái tháo đường có thể làm cản trở lành thương, và do đó gây ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị nội nha. Trong số những bệnh lý kể trên, có bằng chứng khoa học tồn tại ít nhất là chứng minh liệu pháp steroid và bệnh lý đái tháo đường có ảnh hưởng đến kết quả điều trị nội nha. Một bài viết tổng hợp gần đây không tìm thấy ảnh hưởng đáng kể nào của sức khỏe toàn thân đến kết quả điều trị nội nha. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho rằng nhiều vấn đề liên quan đến bệnh lý hệ thống có gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường có rất nhiều biến chứng liên quan đến sức khỏe răng miệng. Tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, bệnh lý thần kinh, làm chậm lành thương là những vấn đề trên bệnh nhân đái tháo đường có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy đái tháo đường liên quan đến sự gia tăng tỉ lệ viêm quanh chóp. Trái với những nghiên cứu này, một nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ giữa bệnh lý đái tháo đường với viêm quanh chóp ở những răng đã điều trị.
Fouad cho rằng bệnh nhân đái tháo đường có viêm quanh chóp trước điều trị dường như ít có khả năng xác định thành công khoảng sau 2 năm hoặc lâu hơn sau điều trị. Một nghiên cứu kết quả điều trị nội nha cho thấy bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường thì làm giảm đáng kể tỉ lệ thành công. Một nghiên cứu thăm dò về các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của răng được điều trị nội nha không phẫu thuật cho thấy bệnh nhân đái tháo đường có tỉ lệ nhổ răng sau điều trị nội nha cao hơn. Nghiên cứu này cũng phù hợp với một nghiên cứu thăm dò khác, cho thấy nguy cơ răng bị nhổ sau điều trị nội nha có liên quan nhiều với bệnh lý đái tháo đường. Điều thú vị nên lưu ý là trong nghiên cứu của Ng, hầu hết các răng mất là do đau dai dẳng sau điều trị, có thể là do bệnh lý đau dây thần kinh chứ không phải do chậm lành thương. Trong nghiên cứu của Wang, hầu hết các răng bị nhổ đều liên quan đến phục hồi hoặc nứt gãy răng.
Bệnh tăng huyết áp
Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ viêm quanh chóp sau điều trị nội nha không có sự khác biệt đáng kể nào trên những bệnh nhân cao huyết áp. Tuy nhiên, có một vài nghiên cứu khác cho thấy răng nhổ sau điều trị có liên quan nhiều với cao huyết áp. Mặc dù đái tháo đường và cao huyết áp có thể cùng tồn tại, nhưng một nghiên cứu thu được kết quả là đái tháo đường và cao huyết áp là 2 yếu tố nguy cơ độc lập nhau khiến cho răng bị nhổ sau 2 năm điều trị nội nha không phẫu thuật.
Hút thuốc lá
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ viêm quanh chóp sau điều trị nội nha cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân cao huyết áp có hút thuốc lá so với bệnh nhân không hút thuốc lá. Một nghiên cứu khác cũng báo cáo rằng hút thuốc lá gây ảnh hưởng lớn đến bệnh lý và tiên lượng nội nha. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu dựa trên bằng chứng nữa để khẳng định tầm ảnh hưởng của yếu tố này lên kết quả điều trị.
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV)
Virus HIV đã được phát hiện trong mô tủy răng và tổn thương quanh chóp trên những bệnh nhân có HIV (+). Do đó, vai trò của nó trong sinh bệnh học và sự lành thương của tổn thương quanh chóp đang là một mối quan tâm. Người ta đã báo cáo rằng các tình trạng liên quan đến suy giảm đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu làm giảm tỉ lệ thành công của điều trị nội nha, nhưng hầu hết các bằng chứng hiện có thì không ủng hộ với thực tế là tỉ lệ thành công ở những bệnh nhân HIV (+) thấp hơn bệnh nhân HIV (-). Một nghiên cứu báo cáo rằng điều trị nội nha ở những bệnh nhân HIV (+) không liên quan đến các biến chứng ngắn hạn (3 tháng). Trong một nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị, các tác giả không tìm thấy sự khác biệt nào giữa kết quả điều trị nội nha ở những bệnh nhân HIV/AIDS khi so sánh với những bệnh nhân không bị bệnh. Một nghiên cứu khác báo cáo rằng không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm bệnh nhân (HIV (+) và HIV (- )) về mức độ lành thương của mô quanh chóp sau 1 năm điều trị nội nha.
Liệu pháp steroid toàn thân
Ảnh hưởng tiêu cực của liệu pháp steroid toàn thân đối với kết quả điều trị là do nó làm chậm lành thương và làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Một nghiên cứu thăm dò về các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của răng đã được điều trị nội nha không phẫu thuật cho thấy những bệnh nhân được điều trị steroid có thể có tỉ lệ phải nhổ răng đã điều trị cao hơn.
Liệu pháp bisphosphonate
Bisphosphonate thường được sử dụng để kiểm soát và điều trị bệnh lý về xương, như loãng xương hoặc bệnh Paget, để ngăn ngừa các biến chứng trên xương và để điều trị tăng canxi máu ác tính ở một số loại ung thư nhất định.
Hầu hết các hiểu biết về tác dụng của bisphosphonate trên kết quả điều trị nội nha đều được thu thập thông qua các bài báo cáo lâm sàng. Theo tuyên bố của bộ nội nha Mỹ, bệnh nhân sử dụng bisphosphonate IV có nguy cơ cao hơn bệnh nhân sử dụng bisphosphonate đường uống. Trong những trường hợp trước đây, điều trị nội nha truyền thống không phẫu thuật là biện pháp điều trị thích hợp trong trường hợp không được nhổ răng. Các báo cáo lâm sàng cho thấy điều trị nội nha truyền thống cũng thành công trong những trường hợp tương tự.
4. Bệnh nhân cao tuổi với yếu tố toàn thân
Người ta nhận thấy rằng tuổi không phải là yếu tố quyết định thành công của việc điều trị. Tuy nhiên, phát hiện này có thể bị sai lệch bởi một số lượng ít bệnh nhân lớn tuổi so với bệnh nhân trẻ tuổi trong những nghiên cứu đó. Nói chung cần phải hiểu và cân nhắc đúng yếu tố toàn thân (như đau vùng miệng – mặt có nguyên nhân từ tác dụng phụ của thuốc), yếu tố tại chỗ (như vôi hóa ống tủy), yếu tố sinh học và sự khác biệt giải phẫu mô răng giữa bệnh nhân già và trẻ. Những sự khác biệt này, nếu không được cân nhắc kĩ, có thể dẫn đến chẩn đoán sai và điều trị sai. Tuy nhiên, những sai khác này thường không phải là chống chỉ định điều trị, vì khi được thực hiện chính xác thì cũng vẫn thành công kể cả là trên bệnh nhân lớn tuổi. Điều quan trọng nữa cũng cần phải hiểu là thông thường mô quanh chóp sẽ lành thương ở người già cũng dễ dàng như ở người trẻ. Tuy nhiên sự lành thương có thể mất nhiều thời gian hơn ở người già so với người trẻ bởi vì các tế bào gốc lão hóa.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017
Leave a Reply