Đặc điểm cận lâm sàng u thần kinh đệm

U thần kinh đệm là một căn bệnh phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Việc nhận biết được cái đặc điểm của căn bệnh này là rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị sớm. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm cận lâm sàng của các dạng u thần kinh đệm.

dac-diem-can-lam-sang-u-than-kinh-dem
Hình ảnh minh họa u thần kinh đệm

1. U sao bào lông (Astrocytome pilocytique)

Đặc điểm chung: U thường dạng nang, phần đặc nằm ở vách u tăng tín hiệu, loại u này chiếm 2-5% trong số các u thần kinh đệm. Vị trí u hay gặp lần lượt theo thứ tự: tiểu não (60%), dây thần kinh sọ số II và giao thoa thị giác (25-30%), còn lại là não thất III và thân não (10-15%).

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính

  • Trước tiêm: U thường dạng nang, đồng hoặc tăng nhẹ tỷ trọng so với dịch não tủy, 20% vôi hóa, có thể phù não, hiếm khi có chảy máu trong u. U dạng đặc ít gặp (giảm tỷ trọng, số ít đồng tỷ trọng so với tổ chức quanh u)
  • Sau tiêm: Với u dạng nang: 50% không tăng tỷ trọng phần dịch, thường không đồng nhất, 40% có hoại tử trung tâm u. Với u đặc: 95% tăng tỷ trọng ở phần nhân đặc, 10% đồng nhất.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ:

  • T1, T2
    • Trước tiêm: U ở dạng nang: giảm hoặc đồng tín hiệu so với dịch não tủy trên T1 và tăng tín hiệu trên T2. Phần nhân đặc trên vỏ nang hoặc u đặc giảm hoặc đồng tín hiệu so với chất xám trên T1, tăng tín hiệu mạnh so với chất xám trên T2.
    • Sau tiêm: Phần đặc tăng tín hiệu không đồng nhất, thành nang đôi khi có tăng tín hiệu.
  • MRS: Cho/NAA: 1,5-2,2; Cho/Cr: 1,5-2,5; NAA/Cr: 2,5-1,5

Chẩn đoán phân biệt

  • U nguyên bào tuỷ (Medulloblastoma): hình ảnh tăng tín hiệu ở giữa u, u thường phát triển chiếm hết não thất IV.
  • U nguyên bào mạch (Hemangioblastoma): thường gặp ở người lớn, u có dạng nang, có nhân nhỏ tăng tín hiệu ở vách u.

2. U tế bào hình sao lan tỏa (Astrocytome Diffuse, độ II)

Đặc điểm chung: U tế bào hình sao lan toả là loại u hay gặp của nhóm u sao bào chiếm 25-30% u thần kinh đệm ở người lớn, 10-15% của các u sao bào nói chung. U gặp chủ yếu ở bán cầu đại não (2/3 u nằm trên lều tiểu não); trong đó 1/3 ở thùy trán, 1/3 thùy thái dương, ngoài ra còn gặp ở thùy đỉnh và thùy chẩm. Còn 1/3 u nằm dưới lều tiểu não và thân não (50% u thần kinh đệm ở thân não là u sao bào độ ác tính thấp). Tuổi thường gặp từ 20-45 tuổi. U có xu hướng tiến triển thành u sao bào kém biệt hoá.

Đặc điểm u sao bào lan tỏa trên phim CT scan và MRI

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính

  • Trước tiêm: Khối u đồng nhất, giảm hoặc đồng tỷ trọng so với chất trắng, 20% vôi hóa, ít khi là u nang.
  • Sau tiêm: Khối u không tăng tỷ trọng hoặc tăng nhẹ. Nếu u có hình ảnh tăng tỷ trọng thường là tiến triển thành độ 3 (ác tính).

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ:

  • T1:
    • Trước tiêm: Khối u đồng nhất, giảm tín hiệu, có thể có hoặc không có ranh giới trên T1.
    • Sau tiêm: Thường không tăng tín hiệu, nếu có tăng thì gợi ý bệnh tiến triển lên độ cao hơn.
  • T2: Khối tăng tín hiệu đồng nhất, có thể có viền nhưng thường là thâm nhiễm vào vùng não xung quanh, nang và vôi hóa thường không phổ biến và có thể lan tỏa vào vỏ não xung quanh.
  • DW1: Thường không thấy cản trở tín hiệu
  • MRS: Cho/NAA: 1,5-2,2; Cho/Cr: 1,5-2,5; NAA/Cr: 2,5-1,5

Chẩn đoán phân biệt

  • U tế bào sao giảm biệt hoá (Anaplastic Astrocytoma): u thường khu trú hoặc xâm lấn không tăng tín hiệu. Khi có tiêm thuốc cản quang u tăng tín hiệu rõ.
  • Nhồi máu não (Ischemia): bệnh xuất hiện đột ngột, cấp tính. Vùng tổn thương thường có hình chêm, gồm cả chất xám và chất trắng.
  • Viêm não (Cerebritis): phù não nhiều, tăng tín hiệu loang lổ. Thường không có hình ảnh xâm lấn. Toàn thân có tình trạng nhiễm trùng cấp tính

3. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh (Oligodendroglioma)

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính

  • Trước tiêm: Mật độ hỗn hợp, giảm hoặc đồng tỷ trọng. 70-90% có vôi hóa. 20% có thoái hóa dạng nang. Hiếm khi có phù não và chảy máu trong u
  • Sau tiêm: 50% ngấm thuốc sau tiêm và mức độ ngấm thuốc thay đổi

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ:

  • T1: Khối u không đồng nhất, giảm hoặc đồng tín hiệu so với chất xám, hiếm khi có phù não.
  • T2: Khối không đồng nhất, tăng tín hiệu, ít khi xuất hiện phù não. Xuất huyết và hoại tử hiếm thấy trừ khi khối u kém biệt hóa
  • Flair: Khối u không đồng nhất, tăng tín hiệu.
  • MRS: Tăng chuyển hóa Cho, Giảm chuyển hóa NAA.

Chẩn đoán phân biệt: u lao, gangliocytoma

4. U thần kinh đệm dưới ống nội tủy (Subependymoma)

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính

  • Trước tiêm: Khối u đồng nhất hoặc giảm tỷ trọng, có thể thấy các nang hoặc vôi hóa khi khối u lớn, hiếm khi chảy máu
  • Sau tiêm: Điển hình là các khối không ngấm hoặc ngấm thuốc ít. Một số khối u lớn có thể thấy ngấm thuốc không đồng nhất.

HÌnh ảnh chụp cộng hưởng từ

  • T1: Khối u đặc đồng nhất, giảm hoặc đồng tín hiệu so với chất trắng. Khối u kích thước lớn có thể thấy không đồng nhất.
  • T2: Tăng tín hiệu. Khối u lớn có thể thấy không đồng nhất do có các phần nang của u, các nốt vôi hóa hay chảy máu cũ. Thường không kèm theo phù não.
  • Flair: Tăng tín hiệu, không có phù não.

Chẩn đoán phân biệt: u lao, tổn thương thứ phát, u máu thể hang.

5. U biểu mô ống nội tủy (Ependymoma)

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính

  • Trước tiêm: Khối lớn không đồng nhất thường thấy vôi hóa (50%)
  • Sau tiêm: Ngấm thuốc không đồng nhất

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ:

  • T1: Khối u không đồng nhất, giảm hoặc đồng tín hiệu, dạng nang thường tăng tín hiệu nhẹ so với dịch não tủy; các nốt vôi hóa hay chảy máu tăng tín hiệu
  • T2: Khối không đồng nhất, đồng hoặc tăng tín hiệu. Các nốt dạng nang tăng tín hiệu. Các nốt vôi hóa hay chảy máu giảm tín hiệu
  • Flair: Có thể có ranh giới rõ giữa khối u với dịch não tủy. Các phần dạng nang tăng tín hiệu rất mạnh so với dịch não tủy.
  • MRS: Tăng chuyển hóa Cho, giảm chuyển hóa NAA

Chẩn đoán phân biệt: u nguyên tủy bào (Meduloblastoma)

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *