Trẻ em là một cơ thể đang lớn và phát triển. Quá trình tăng trưởng diễn ra liên tục từ khi trứng được thụ thai cho đến khi cơ thể trưởng thành, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng khác nhau tùy giai đoạn.
Có bốn chỉ số tăng trưởng chính, đó là :
- Cân nặng/tuổi
- Chiều cao/tuổi
- Cân nặng/chiều cao
- Vòng đầu/tuổi.
1. Cân nặng/tuổi
1.1. Ý nghĩa
Đây là chỉ số rất nhạy, nói lên tình trạng hiện tại của trẻ. Cân nặng thường thay đổi nhanh. Thông qua cân nặng, ta có thể theo dõi sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ, nhất là khi theo dõi diễn biến cân nặng qua nhiều tháng liên tiếp. Trẻ có bắp thịt chắc nịch thường khỏe hơn trẻ to bệu.
Diễn biến của cân nặng có thể giúp:
– Phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng trước khi có các triệu chứng lâm sàng
– Theo dõi và đánh giá mức độ mất nước
– Có biện pháp phòng tránh và giáo dục y tế cho các bà mẹ như điều chỉnh chế độ ăn, thay đổi thức ăn bổ sung,…
– Đánh giá tình hình dinh dưỡng của một tập thể.
1.2. Tốc độ tăng trưởng cân nặng
Trong tuần đầu sau sinh, có hiện tượng sụt cân sinh lý, nhưng không quá 10% cân nặng lúc sinh. Trẻ được bú sữa non của mẹ ngay trong giờ đầu thì hiện tượng sụt cân sinh lý càng ít. Sau một tuần, trẻ lấy lại cân nặng ban đầu. Với trẻ sinh non, hiện tượng này chậm hơn. Trẻ bú mẹ tăng cân nhanh: mỗi ngày trẻ tăng tối thiểu:
- 25 gam trong 3 tháng đầu
- 20 gam từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6
- 20 gam từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9
- 15 gam từ tháng thứ 10 đến tháng thứ 12
- Trung bình trẻ nặng gấp đôi lúc sanh khi 5 tháng tuổi; gấp 3 lúc 12 tháng và gấp 4 lúc 24 tháng. Sau 2 tuổi tốc độ tăng cân chậm dần trung bình mỗi năm trẻ tăng 2 kg. Trẻ sáu tuổi nặng 20 kg.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng như di truyền, dinh dưỡng, nội tiết,… nhưng ở trẻ dưới 5 tuổi thì yếu tố dinh dưỡng tác động mạnh hơn di truyền. Do đó, đối với trẻ dưới 5 tuổi, có thể dùng chung các giá trị chuẩn trên toàn thế giới. Yếu tố dinh dưỡng sẽ thay đổi các chỉ số đặc trưng đánh giá dinh dưỡng theo một cách khác với tác động của yếu tố nội tiết: yếu tố nội tiết bất thường sẽ làm giảm chỉ số chiều cao/tuổi trước hay đồng thời với chỉ số cân nặng/tuổi, trong khi chỉ số cân nặng/chiều cao vẫn bình thường hay lại tăng. Yếu tố dinh dưỡng kém sẽ làm giảm chỉ số cân nặng/tuổi trước khi giảm chỉ số chiều cao/tuổi và cân nặng/chiều cao. Do đó, theo dõi sự thay đổi của các chỉ số đánh giá tăng trưởng cho phép phân biệt ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau lên sự tăng trưởng.
Theo dõi sự biến đổi hình thái của các chỉ số đặc trưng đánh giá tăng trưởng cho phép phân biệt ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau lên sự tăng trưởng của một cá nhân hay một cộng đồng trẻ em tại địa phương hay cả quốc gia.
2. Chiều cao/tuổi
2.1. Ý nghĩa
Chiều cao là một trong những chỉ số tăng trưởng chính. Đường biểu diễn chiều cao phản ánh cuộc sống trong quá khứ và là bằng chứng của tình trạng dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng kéo dài 2 – 3 tháng sẽ làm chậm phát triển chiều cao.
Chiều cao ít thay đổi và ổn định.
2.2. Tốc độ tăng trưởng chiều cao
Thai nhi 6 tháng dài khoảng 35 cm. Sau đó, mỗi tháng thai nhi tăng 5 cm.
- Trẻ sơ sinh dài khoảng 48-50 cm
- Năm thứ 1, trẻ tăng từ 20-25 cm (3 tháng đầu tăng 10-12 cm)
- Năm thứ 2, trẻ tăng 12 cm
- Năm thứ 3, trẻ tăng 9 cm
- Năm thứ 4, trẻ tăng 7 cm. Trẻ 4 tuổi cao 1 m
- Sau 4 tuổi, trung bình trẻ tăng 5 cm mỗi năm.
Khi dậy thì, chiều cao tăng nhanh (như trong 2 năm đầu). Chiều cao của cha mẹ có ảnh hưởng đến chiều cao của con.
2.3. Tỉ lệ các phần của cơ thể
Tỉ lệ các phần của cơ thể được mô tả thông qua các chỉ số sau: chiều cao thân, chiều cao ngồi, chiều dài chi dưới.
Chiều cao thân trẻ em tương đối dài hơn so với chiều cao đứng. Thân bé sơ sinh gần bằng 45% chiều dài cơ thể. Đến tuổi dậy thì tỉ lệ này khoảng 38%.
Tỉ lệ chiều cao ngồi/chiều cao đứng cũng giảm dần theo tuổi.
Tỉ lệ chiều dài chi dưới/chiều cao đứng thông qua đánh giá chỉ số Skelie = (cao đứng – cao ngồi) × 100.
Chỉ số Skelie tăng dần theo tuổi:
- 1 tuổi = 59,5%
- 2 tuổi = 63%
- 3 tuổi = 70%
- 4 tuổi = 74,5%
- 5 tuổi = 76,6%
- 6 tuổi = 79%.
Tóm lại: theo sự tăng trưởng thể chất ở trẻ em, tỉ lệ các phần của cơ thể thay đổi theo khuynh hướng đầu nhỏ lại, thân ngắn và chi dài ra.
3. Cân nặng/chiều cao
Chỉ số cân nặng/chiều cao thường sử dụng nhất là chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index) hay BMI.
BMI = cân nặng (kg)/chiều cao đứng 2 (m).
Trẻ em có BMI trên 85% bách phân vị BMI nhóm chuẩn có nguy cơ hay đang trở nên quá cân.
Trẻ em có BMI trên 95% bách phân vị BMI nhóm chuẩn bị quá cân.
4. Vòng đầu/tuổi
4.1. Ý nghĩa
Đo vòng đầu cho phép đánh giá khối lượng của não.
Cách đo vòng đầu: phía trước ngang lông mày, hai phía bên phía trên vành tai, phía sau ngang ụ chẩm.
4.2. Tốc độ tăng trưởng vòng đầu
- Thai nhi 28 tuần, vòng đầu 27 cm
- Sơ sinh, vòng đầu 35 cm.
- Một tuổi, vòng đầu 45 cm.
- Từ năm thứ 2 đến năm thứ 6, vòng đầu tăng 2-3 cm mỗi năm. Trẻ 6 tuổi có vòng đầu 54-55 cm (bằng người lớn).
4.3. Sự tăng trưởng khối lượng của não
Não tăng trưởng chính vào những tháng cuối thai kỳ và những tháng đầu sau sinh.
- Khi sinh, não nặng 350 gam.
- Một tuổi não nặng 900 gam.
- 6 tuổi, não nặng 1.300 gam (bằng người lớn).
- Khi trẻ 1 tuổi, não gần hoàn chỉnh nhưng mọi hoạt động chưa cân bằng.
Năng lực của não còn phụ thuộc rất nhiều vào các kích thích ta sử dụng qua giáo dục.
5. Các tiêu chí khác
Ngoài bốn chỉ số tăng trưởng chính, còn có một số tiêu chí khác về phát triển thể chất ở trẻ em. Đó là:
5.1. Sự phát triển phần mềm
Khối lượng các bắp thịt phản ánh tình trạng dinh dưỡng. Thường từ 1-5 tuổi, bắp thịt cánh tay ít thay đổi và vòng cánh tay, đo giữa hai khớp vai và khuỷu, độ 14-16 cm, nếu dưới 12 cm, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
5.2. Sự phát triển của răng
Mầm răng được hình thành trong 3 tháng đầu bào thai. Khi đẻ, răng còn nằm trong xương hàm và chỉ nhú lên lúc trẻ được 6 tháng. Những răng đầu tiên được gọi là răng sữa. Đây là răng tạm thời, được mọc theo thứ tự nhất định.
Từ 6 tháng đến 30 tháng trẻ có đủ 20 răng sữa.
- 6 – 12 tháng: 8 răng cửa (4 trên + 4 dưới). Răng mọc đầu tiên thường là 2 răng cửa hàm dưới
- 12 – 18 tháng: 4 răng tiền hàm
- 18 – 24 tháng: 4 răng nanh
- 24 – 30 tháng: 4 răng hàm lớn (răng cấm).
Từ 6 tuổi trở đi, răng sữa rụng dần và được thay bằng răng vĩnh viễn, thứ tự như sau:
- 6 – 7 tuổi: 4 răng hàm I
- 6 – 8 tuổi: 4 răng cửa giữa
- 8 – 9 tuổi: 4 răng cửa 2 bên
- 9 – 10 tuổi: 4 răng tiền hàm I
- 12 – 14 tuổi: 4 răng hàm II
- 16 – 25 tuổi: 4 răng hàm III (răng cùng).
Tổng số răng vĩnh viễn là 32. Trong thời gian mọc răng, trẻ có thể sốt nhẹ, rối loạn giấc ngủ, ăn kém,… Đếm số răng, có thể ước lượng tuổi của trẻ. Các bệnh suy dinh dưỡng, còi xương, có thể làm cho răng chậm mọc.
5.3. Sự phát triển các điểm cốt hóa ở khớp xương
Cũng tương xứng với tuổi và được dùng để chẩn đoán tuổi. Các đường nối giữa đầu và thân xương được hàn kín ở tuổi dậy thì và đánh dấu sự kết thúc của chiều cao.
X-quang xương cho phép đếm các điểm cốt hóa để ước lượng tuổi của trẻ. Thường ứng dụng trong chẩn đoán bệnh nhược giáp bẩm sinh, dùng trong pháp y để chẩn đoán tuổi thật.
Nguồn: Giáo trình nhi khoa đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
Leave a Reply