Hội chứng chùm đuôi ngựa là một trong các nguyên nhân gây đau dữ dội ở vùng thắt lưng, thường do tổn thương (chấn thương) hoặc chèn ép (thoát vị đĩa đệm, u,…) gây nên. Dưới đây trình bày về cách chẩn đoán và điều trị Hội chứng này.
1. Tổng quan
Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) xảy ra khi các rễ thần kinh của chùm đuôi ngựa bị chèn ép. Nó làm gián đoạn các chức năng vận động, cảm giác đến hai chi dưới và bàng quang. Bệnh nhân bị hội chứng này thường nhập viện trong tình trạng cấp cứu. CES có thể dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ và thậm chí tê liệt vĩnh viễn.
Chùm đuôi ngựa là tập hợp các dây thần kinh ở phần cuối của tủy sống, do hình thể của nó giống với đuôi ngựa. Tủy sống kết thúc ở phần trên của cột sống thắt lưng. Các rễ thần kinh riêng rẽ ở đoạn cuối của tủy sống tiếp tục dọc trong ống sống. Chúng chi phối vận động, cảm giác cho đôi chân và bàng quang. Chùm đuôi ngựa là sự tiếp nối của các rễ thần kinh ở vùng thắt lưng. Những dây thần kinh này gửi, nhận tín hiệu đến và đi từ hai chi dưới và các cơ quan vùng chậu.
2. Tỷ lệ mắc hội chứng chùm đuôi ngựa
CES không liên quan đến giới tính hay chủng tộc. Nó xảy ra chủ yếu ở người lớn, mặc dù CES do chấn thương có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. CES ảnh hưởng đến một tỷ lệ rất nhỏ các bệnh nhân được phẫu thuật cho thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
3. Nguyên nhân của hội chứng chùm đuôi ngựa
Nguyên nhân thường gặp của CES là thoát vị đĩa đệm lớn ở vùng thắt lưng. Một lần kéo căng quá mức hoặc chấn thương có thể gây ra thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, đĩa đệm thoái hóa tự nhiên theo tuổi, và các dây chằng cố định nó bắt đầu yếu đi. Khi trình thoái hóa này tiến triển, một lần kéo căng hoặc xoay người tương đối nhỏ có thể gây vỡ đĩa đệm.
Sau đây là những nguyên nhân khác của CES :
- Các thương tổn và khối u cột sống.
- Nhiễm trùng hoặc viêm cột sống.
- Hẹp ống sống thắt lưng.
- Chấn thương cột sống thắt lưng (hỏa khí, té ngã, tai nạn ô tô).
- Bất thường bẩm sinh.
- Dị dạng động tĩnh mạch cột sống (AVM).
- Xuất huyết tủy sống (dưới nhện, dưới màng cứng, ngoài màng cứng).
- Biến chứng phẫu thuật sau phẫu thuật cột sống thắt lưng.
- Gây tê tủy sống.
4. Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng của CES giống như những tình trạng khác. Triệu chứng của nó có thể thay đổi về cường độ và tiến triển chậm theo thời gian. CES biểu hiện qua một dải biến thiên các triệu chứng với độ nặng phụ thuộc vào mức độ chèn ép và các rễ thần kinh cụ thể đang bị chèn ép. Ngoài thoát vị đĩa đệm, các bệnh có triệu chứng tương tự CES bao gồm: bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng nón tủy (medullaris conus), chèn ép tủy, và kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh sau khi chúng đi ra khỏi cột sống và đi vào vùng chậu. Hay còn gọi là bệnh đám rối thắt lưng cùng.
Bệnh nhân bị đau lưng nên cảnh giác với các triệu chứng “cờ đỏ” sau đây có thể gợi ý CES:
- Đau dữ dội thắt lưng.
- Yếu cơ, mất cảm giác, hoặc đau một, hoặc thường gặp hơn là cả hai chân.
- Mất cảm giác vùng cơ thể ngồi trên yên ngựa.
- Rối loạn chức năng bàng quang mới xuất hiện (như bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ).
- Đi tiểu không tự chủ mới xuất hiện.
- Rối loạn cảm giác trong bàng quang hoặc trực tràng.
- Rối loạn chức năng tình dục mới xuất hiện.
- Mất phản xạ ở chân.
Bệnh sử có liên quan:
- Chấn thương lưng gần đây.
- Phẫu thuật cột sống thắt lưng gần đây.
- Tiền sử ung thư.
- Nhiễm trùng nặng gần đây.
Các xét nghiệm sau đây có thể hữu ích trong việc chẩn đoán CES:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): một xét nghiệm chẩn đoán giúp dựng hình ảnh ba chiều cấu trúc cơ thể nhờ sử dụng từ trường và công nghệ máy tính. MRI cho hình ảnh của tủy sống, rễ thần kinh, và các khu vực xung quanh.
- Myleogram: chụp X quang ống sống sau khi tiêm chất cản quang vào khoang dịch não tủy. Có thể cho thấy tủy sống hoặc các dây thần kinh trong ống sống bị đẩy lệch do nhân đệm thoát vị, gai xương, khối u,…
Điều trị
Khi CES được chẩn đoán, nguyên nhân được xác định, phẫu thuật khẩn cấp là điều trị thường được chọn. Mục đích là để cứu vãn các triệu chứng của mất chức năng thần kinh. Nếu không điều trị, CES có thể dẫn đến tê liệt vĩnh viễn và mất kiểm soát đại – tiểu tiện.
Bệnh nhân có bất cứ triệu chứng nào trong các “triệu chứng cờ đỏ” nên đi khám chuyên khoa ngoại thần kinh càng sớm càng tốt. Phẫu thuật kịp thời là điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị CES. Điều trị trong vòng 48 giờ sau khi khởi phát hội chứng tạo điều kiện thuận lợi đáng kể trong việc cải thiện khiếm khuyết cảm giác, vận động cũng như chức năng tiết niệu và trực tràng. Nhưng ngay cả những bệnh nhân được phẫu thuật sau khung giờ lý tưởng 48 giờ cũng có thể cải thiện đáng kể.
Mặc dù hồi phục ngắn hạn của chức năng bàng quang có thể hơi trễ sau hồi phục vận động của chi dưới, chức năng này có thể tiếp tục cải thiện nhiều năm sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật, điều trị thuốc kết hợp với việc tự đặt ống thông ngắt quãng có thể giúp hồi phục chậm nhưng ổn định chức năng của bàng quang và ruột.
Thích ứng với CES
CES có thể ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là khi nó mãn tính. Những người bị CES có thể không tiếp tục làm việc được vì đau nhiều hoặc các vấn đề không kiểm soát mà xã hội không thể chấp nhận, hay do yếu vận động và mất cảm giác, hay kết hợp của những vấn đề trên.
Mất kiểm soát bàng quang và đại tràng có thể vô cùng khổ sở cho bệnh nhân. Nó gây tác động rất tiêu cực về cuộc sống, công tác xã hội và các mối quan hệ của bệnh nhân. Bệnh nhân CES có thể bị nhiễm trùng đường tiểu thường xuyên. Rối loạn chức năng tình dục có thể rất đau khổ cho bệnh nhân và bạn tình của họ. Điều đó dẫn đến những trục trặc trong mối quan hệ và trầm cảm.
Đau thần kinh nặng có thể phải điều trị bằng thuốc giảm đau và các tác dụng phụ của thuốc có thể kéo theo các vấn đề khác. Nếu cơn đau mãn tính, nó có thể “trung ương hóa” và lan ra các khu vực khác của cơ thể. Đau do thần kinh có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Loại đau này có xu hướng tạo ra một cảm giác bỏng rát, rồi trở thành liên tục và không thể chịu nổi. Mất cảm giác có thể chỉ là cảm giác châm chích đến tê dại hoàn toàn. Có thể ảnh hưởng đến bàng quang, ruột và bộ phận sinh dục. Yếu cơ thường là ở chân và có thể ảnh hưởng việc đi lại.
Người bị CES rất cần sự hỗ trợ tinh thần từ bạn bè và các thành viên trong gia đình. Nếu có thể, họ cũng cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ về thuốc và quản lý bệnh. Có một số thuốc có thể kê toa để điều trị đau, các vấn đề bàng quang và đại tràng. Ngoài ra, một số bệnh nhân thấy rằng vật lý trị liệu và tư vấn tâm lý giúp họ đối phó với CES .
Nguồn:
- Y học cộng đồng
- American Association of Neurological Surgeons
Leave a Reply