Bệnh Crohn có khởi phát lâm sàng rất đa dạng, có thể gây triệu chứng ở đường tiêu hóa và ở các cơ quan nằm ngoài đường tiêu hóa. Tùy theo đánh giá của nhà lâm sàng về mức độ và dạng khởi phát của bệnh, có thể lựa chọn nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh Crohn.
1. Các yếu tố quyết định chế độ điều trị bệnh Crohn
Bệnh Crohn (Crohn’s Disease – CD), cùng với viêm loét đại tràng (ulcerative colitis), là hai loại chính của nhóm bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease – IBD). IBD là nhóm bệnh lý viêm mạn tính của đường tiêu hóa, có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Bệnh Crohn có khởi phát rất đa dạng với các triệu chứng chủ đạo thể hiện tình trạng viêm và tổn thương đường tiêu hóa. Ngoài ra bệnh Crohn còn thể hiện triệu chứng ở các cơ quan ngoài hệ tiêu hóa. Triệu chứng thể hiện tình trạng viêm và tổn thương ruột như: tiêu phân lỏng, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ, hình thành lỗ rò, viêm loét dạ dày, áp tơ miệng, chít hẹp thực quản. Triệu chứng của CD ngoài hệ tiêu hóa có thể gặp như: viêm khớp/đau khớp, viêm màng bồ đào, thiếu máu, sỏi thận, hồng ban da dạng nốt, viêm da mủ hoại tử.
Chế độ điều trị cụ thể cho mỗi bệnh nhân phụ thuộc chủ yếu vào mức độ bệnh, hình thái bệnh và các yếu tố dự báo nguy cơ các kết cục xấu của bệnh nhân. Để đánh giá mức độ bệnh, có thể sử dụng công cụ Chỉ số hoạt động của bệnh Crohn (Crohn’s Disease Activity Index – CDAI). Đây cũng là công cụ được dùng phổ biến trên toàn thế giới và được Hiệp hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ (ACG) sử dụng trong khuyến cáo về điều trị CD. Về đánh giá hình thái của bệnh, thường dùng thang phân loại Montreal cho CD để đánh giá. Thang phân loại này cũng được khuyến cáo trong khuyến cáo của ACG trong điều trị CD. Ngoài ra, ACG cũng giới thiệu trong khuyến cáo các dấu hiệu giúp đánh giá các biến chứng nặng của bệnh ít có nguy cơ sảy ra:
- Nồng độ bình hoặc tăng nhẹ của CRP trong máu (hoặc calprotectin trong phân).
- Tổn thương không lan quá rộng, không có tổn thương loét sâu trên nội soi.
- Không có các biến chứng quanh hậu môn, hoặc các tổn thương ở tiêu hóa trên.
Các chế độ điều trị cũng khác biệt phụ thuộc vào mục tiêu điều trị ở mỗi giai đoạn khác nhau. Nhìn chung, các mục tiêu điều trị CD bao gồm: đạt được lui bệnh, duy trì lui bệnh và quản lý các đợt tái phát. Với mỗi mục tiêu điều trị khác nhau, các loại thuốc sẽ được chỉ định và phối hợp để có thể sớm đạt mục tiêu và hạn chế những biến chứng nặng.
Chế độ điều trị cũng có thể sẽ khác biệt tùy thuộc vào chiến lược tiếp cận điều trị của mỗi chuyên gia. Nhìn chung, có hai chiến lược tiếp cận điều trị CD gọi là lên bậc (step-up) và xuống bậc (top-down). Trong chiến lược lên bậc, nhà điều trị sẽ bắt đầu với các thuốc có hoạt tính thấp hơn nhưng ít tác dụng không mong muốn, nếu không đạt mục tiêu điều trị thành chuyển dần sang các thuốc có hoạt tính cao hơn. Trong chiến lược xuống bậc, các nhà điều trị khởi đầu sớm các thuốc có hoạt tính cao để nhanh chóng đạt được lui bệnh, sau đó điều chỉnh để duy trì lui bệnh – chiến lược này phù hợp với các bệnh nhân mức độ nặng, nhiều nguy cơ.
Ngoài ra còn một số yếu tố có thể ảnh hưởng chế độ điều trị của bệnh nhân CD: giá cả điều trị, sự sẵn có của các loại thuốc, tiền sử của mỗi bệnh nhân….
Bài viết chi tiết về cách đánh giá CD theo CDAI và phân loại Montreal đã có trên chuyên trang VinmecDr.
2. Các thuốc dùng điều trị bệnh Crohn
Như đã đề cập ở trên, chế độ điều trị cụ thể bệnh Crohn có thể thay đổi dựa vào nhiều yếu tố. Có nhiều thuốc khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh Crohn – theo tham khảo của khuyến cào từ ACG công bố năm 2018:
- Budesonide: dạng giải phóng có kiểm soát của budesonie được dùng qua đường uống là lựa chọn đầu tay trong điều trị CD các mức độ, giai đoạn tấn công để đạt được lui bệnh.
- Các loại corticosteroids đường toàn thân: có thể được sử dụng để điều trị UC độ nặng, nhiều triệu chứng, có thể dùng đường uống hoặc đường tĩnh mạch
- Sulfasalazine: dược chất thuộc nhóm (5-aminosalicylic acid – 5-ASA) cũng được khuyến cáo để điều trị triệu chứng CD mức độ nhẹ-trung bình.
- Azathioprine: là thuốc được sử dụng để điều trị CD mức độ nặng trung bình, nguy cơ cao trong giai đoạn lui bệnh
- 6-mercaptouprine: cũng được được sử dụng để điều trị CD mức độ nặng trung bình, nguy cơ cao trong giai đoạn lui bệnh
- Methotrexate: cũng được phép sử dụng điều tị bệnh CD mức độ nặng-trung bình, nguy cơ cao để làm giảm triệu chứng bệnh ở những bệnh nhân phụ thuộc corticosteroids và để duy trì lui bệnh.
- Các thuốc có tính đối vận yếu tố hoại tử u (tumor necrosis factor – TNF) loại alpha: (infliximab, adalimumab, certolizumab) được khuyến cáo dùng để điều trị CD mức độ nặng, không đáp ứng với corticosteroids đường uống.
- Kháng sinh: một số kháng sinh nhóm imidazoles có thể được chỉ định trong điều trị các biến chứng liên quan rò quanh hậu môn của bệnh CD. Trường hợp để điều trị tiêu chảy do nhiễm trùng, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị, thường dùng metronidazole và ciprofloxacin.
- Các thuốc điều trị triệu chứng tiêu chảy: loperamide, cholestyramine có thể được dùng để hạn chế tiêu chảy do UC.
Leave a Reply