Hai phương pháp kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh lý Nội nha có thể kể đến, bao gồm sử dụng kháng sinh, cụ thể như kháng sinh toàn thân được khuyên dùng trong trường hợp có nhiễm trùng lan rộng, đồng thời kết hợp với băng thuốc nội nha, như nhiều loại thuốc nội tủy được khuyến cáo sử dụng để hoàn tất việc khử trùng. Cùng tìm hiểu sâu vào hai nội dung chính này.
1. Sử dụng kháng sinh trong kiểm soát nhiễm trùng nội nha
Việc điều trị đầu tiên cho răng viêm quanh chóp có triệu chứng hoặc abscess chóp cấp là loại bỏ ổ viêm hoặc ổ nhiễm trùng bằng phương pháp điều trị tại chỗ, bao gồm điều trị nội nha, nhổ răng, rạch và dẫn lưu tại chỗ sung. Kháng sinh toàn thân được khuyên dùng trong trường hợp có nhiễm trùng lan rộng (viêm mô tế bào có liên quan đến hạch, sưng lan tỏa) hoặc có triệu chứng toàn thân (sốt và suy kiệt) cũng như để điều trị nhiễm trùng dai dẳng. Việc lạm dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ phát triển những chủng vi khuẩn kháng thuốc, thay đổi hệ vi khuẩn cộng sinh, do đó làm tăng khả năng xảy ra các phản ứng phụ như dị ứng, phản ứng phản vệ, buồn nôn, nôn… Thuốc do nha sĩ kê đơn chiếm khoảng 8 – 10% lượng kháng sinh phân bố ở các nước phát triển, và điều quan trọng là không nên đánh giá thấp sự ảnh hưởng của ngành nha đến vấn đề gia tăng nghiêm trọng của vi khuẩn kháng kháng sinh.
Sử dụng kháng sinh toàn thân nên được coi là biện pháp hỗ trợ cho điều trị nội nha và không nên sử dụng để điều trị viêm nhiễm tại chỗ như viêm tủy hay viêm quanh chóp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc kháng sinh không làm giảm đau hoặc giảm sưng trên răng có bệnh lý quanh chóp có triệu chứng mà không có liên quan đến toàn thân. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát các thành viên của Hiệp hội nội nha Mỹ (American Association of Endodontic) thì 54% người được hỏi cho biết họ sẽ kê đơn kháng sinh như là biện pháp điều trị đầu tiên cho những người bị đau răng. Ngoại trừ những bệnh nhân có suy giảm hệ thống miễn dịch thì kháng sinh không phải thuốc chữa bệnh nhưng thay vào đó lại có chức năng hỗ trợ sự tái lập cân bằng giữa hàng rào phòng ngự của cơ thể với các tác nhân xâm nhập.
Để tận dụng tối đa hiệu quả của kháng sinh và giảm thiểu khả năng phát triển các chủng vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân phải được hướng dẫn để bắt đầu liệu trình điều trị kháng sinh càng sớm càng tốt. Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề kê đơn kháng sinh dài ngày. Phác đồ điển hình để điều trị nhiễm trùng nội nha là từ 6 – 10 ngày.
2. Băng thuốc trong nội nha
Sự phức tạp về giải phẫu của hệ thống ống tủy, đặc biệt là giải phẫu vùng chóp khiến cho việc loại bỏ hoàn toàn lượng mô tủy và vi khuẩn còn lại rất khó khăn, ngay cả khi đã áp dụng các kĩ thuật cao nhất về sửa soạn cơ – hóa học.
Nhiễm trùng ống tủy là do nhiều chủng vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn hiếu khí và kị khí, nên nhiều loại thuốc nội tủy được khuyến cáo sử dụng để hoàn tất việc kiểm soát nhiễm trùng – khử trùng. Sử dụng kháng sinh tại chỗ trong ống tủy được đề xuất để khắc phục nguy cơ tiềm ẩn từ tác dụng phụ có hại đường toàn thân và là một hình thức chủ động phân phối thuốc vào những răng thiếu hệ tuần hoàn do hoại tử tủy hoặc không còn tủy.
Một vài báo cáo được công bố gần đây đã mô tả sự tái tạo mạch máu hoặc tái tạo sự sống cho những răng chưa trưởng thành bị hoại tử tủy. Bên cạnh sử dụng thuốc khử trùng nội nha không đặc hiệu theo lối truyền thống, những bài báo cáo này còn ghi nhận việc sử dụng kem kháng sinh hỗn hợp (triple antibiotic paste (ciprofloxacin, metronidazole và minocycline)), calcium hydroxide hoặc formocresol như là thuốc băng nội tủy giữa các lần hẹn. Trộn hỗn hợp kháng sinh với calcium hydroxide đôi khi cho phép tiếp tục làm tăng độ dày và chiều dài chân răng, nhưng với formocresol thì không có được tác dụng đó.
Hiệu quả kháng khuẩn của các kháng sinh nội tủy so với calcium hydroxide cần được nghiên cứu thêm, nhưng sự phối hợp giữa chúng dường như có hiệu quả tốt chống lại các yếu tố gây bệnh trong nội nha. Calcium hydroxide là một thuốc băng nội tủy được chấp nhận rộng rãi nhờ đặc tính kháng khuẩn của nó, đặc biệt là đối với vi khuẩn gram âm. Những nghiên cứu in vitro và in vivo cho thấy nó làm giảm quần thể vi khuẩn trong ống tủy hoặc ít nhất thì cũng ức chế sự gia tăng vi khuẩn. Có một vài tác giả còn đang tranh cãi là liệu calcium hydroxide có hiệu quả loại bỏ Enterococcus faecalis hay không. Còn có những nghiên cứu khác đánh giá hiệu quả của calcium hydroxide nội tủy đến tỉ lệ đau sau điều trị và thấy rằng calcium hydroxide không thực sự hiệu quả trong việc làm giảm đau khi sử dụng đơn độc, nhưng hiệu quả của nó sẽ tăng lên khi sử dụng phối hợp với các loại thuốc khác như chlorhexidine gluconate 2% và camphorated monochlorophenol. Ngoài ra có một số nghiên cứu khác đã kết luận rằng các thuốc có chứa thành phần corticosteroid thì tốt hơn calcium hydroxide trong việc làm giảm đau sau điều trị, điều này được cho là nhờ khả năng kháng viêm của corticosteroid
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017
Leave a Reply