Xử lý khiếm khuyết giao tiếp và rối loạn hành vi ở trẻ bại não

Xử lý khiếm khuyết giao tiếp và rối loạn hành vi ở trẻ bị bại não đóng vai trò cốt lõi trong việc hỗ trợ trẻ có thể giao tiếp, tương tác với người khác và tham gia vào xã hội một cách hiệu quả. Bài viết sẽ cung cấp các can thiệp cho khiếm khuyết giao tiếp sớm và các cách xử lý rối loạn hành vi ở trẻ bại não dựa trên Quyết định số 5623 /QĐ-BYT ngày 21/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khả năng sử dụng lời nói, ngôn ngữ, và cử chỉ trong giao tiếp thường bị ảnh hưởng bởi bại não. Các khó khăn về giao tiếp liên quan đến bại não có thể là từ nhiều yếu tố, phát sinh từ các khiếm khuyết về vận động, trí tuệ và cảm giác. Trẻ bại não có thể gặp những khó khăn từ nhẹ đến nặng khi muốn diễn đạt ý tưởng của mình. Trẻ thường được giới thiệu đến các dịch vụ Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) để tăng cường tối đa các kỹ năng giao tiếp của chúng.

Sự phát triển ngôn ngữ từ sơ sinh đến 2 tuổi cho thấy nhiều cơ hội cho các can thiệp điều trị trong một khoảng thời gian quan trọng của sự hình thành phát triển ngôn ngữ. Sự phân biệt giữa âm thanh và tiếng nói, nhận dạng giọng nói và sự hình thành từ xảy ra trong giai đoạn sớm nhất của phát triển ngôn ngữ (Chorna, Hamm, Cummings, Fetters & Maitre, 2017).

Một trong bốn trẻ bại não có rối loạn hành vi và tỷ lệ hành vi bất thường ở trẻ bại não cao gấp 2-4 lần so với bình thường (Novak và cộng sự, 2012).

Xử lý khiếm khuyết giao tiếp và rối loạn hành vi ở trẻ bại não
Xử lý khiếm khuyết giao tiếp và rối loạn hành vi ở trẻ bại não

1. Xử lý khiếm khuyết giao tiếp sớm

Cần có các chiến lược giải quyết các vấn đề giao tiếp sớm của trẻ có nguy cơ cao bị bại  não để tăng cường tối đa sức khoẻ tình cảm và sự tham gia xã hội về lâu dài (Parkes, Hill, Platt & Donnelly, 2010; Pennington, Goldbart, & Marshall, 2004).

  • Giáo dục gia đình cần tập trung vào các tương tác xã hội phù hợp để thúc đẩy một môi trường tích cực cho sự phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ nhỏ. Các gia đình cần được giáo dục về các mốc phát triển phù hợp cho kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp.
  • Ngôn ngữ trị liệu cho từng cá nhân riêng biệt có thể cải thiện các hành vi giao tiếp, hình thành từ, phát triển từ vựng, các yêu cầu về các đối tượng hoặc hành động, các phản ứng đối với giao tiếp của người khác sử dụng các cấu trúc ngôn ngữ, biểu cảm và hiểu các từ nói.
  • Ngôn ngữ trị liệu cũng có thể bao gồm sử dụng các hệ thống giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC), chẳng hạn như các bảng ký hiệu hoặc tranh ảnh hoặc các thiết bị trợ giúp giao tiếp dựa vào máy tính với giọng nói nhân tạo. Tiếp cận với AAC phù hợp là cần thiết để hỗ trợ sự hòa nhập trong cuộc đời của trẻ và tất cả các hoạt động mà trẻ thực hiện. Việc đánh giá AAC phù hợp cần được xem xét trong bối cảnh môi trường thiết bị sẽ được sử dụng chẳng hạn như ở nhà và trường học.
  • Ngôn ngữ trị liệu cũng có thể nhằm mục tiêu kiểm soát hô hấp và phát âm để cải thiện việc tạo âm thanh và từ.

Khuyến cáo: Cần xác định các chiến lược để gia tăng tiếp cận Ngôn ngữ trị liệu cho trẻ bại não

2. Xử lý rối loạn hành vi

Các vấn đề về hành vi thường xảy ra ở trẻ bại não bị:

  • Khiếm khuyết về trí tuệ
  • Động kinh (những trẻ này cũng dễ bị suy giảm trí tuệ)
  • Đau nhiều

Trẻ bại não bị khuyết tật về thể chất nhẹ hơn thường có vấn đề về hành vi nhiều hơn trẻ khuyết tật thể chất nặng.

Cần lượng giá đầy đủ về hành vi. Lượng giá nên bao gồm:

  • Xác định hành vi
    • Hành vi đó là gì?
  • Phân tích hành vi
    • Hành vi này xảy ra ở đâu?
    • Hành vi này không xảy ra ở đâu?
    • Hành vi này xảy ra có thường xuyên hay không?
    • Những người nào ở xung quanh trẻ khi hành vi này xảy ra?
    • Điều gì có xu hướng xảy ra ngay trước và ngay sau hành vi này?
    • Có một hành vi nào khác dễ chấp nhận hơn có thể được sử dụng để thay thế?

Biểu đồ ABC là một công cụ thường được sử dụng trong bước này. A là viết tắt của Antecedent (Tiền đề; những gì xảy ra trước đó), B là Behaviour (Hành vi; hành động hoặc phản ứng), và C là Consequence (Hậu quả; những gì xảy ra sau).

  • Giả thuyết các lý do gây nên hành vi
    • Hãy cố gắng xác định xem trẻ đang chạy trốn, lảng tránh hay nhận được cái gì từ hành vi.
    • Lượng giá đau cũng rất cần thiết khi có các vấn đề về hành vi, ngay cả đối với trẻ khiếm khuyết thể chất nhẹ. Kiểm soát đau có thể khắc phục hoặc giảm thiểu các vấn đề hành
    • Lượng giá đo lường tâm lý IQ chuẩn cũng được khuyến cáo khi có các vấn đề về hành vi để giúp gia đình hiểu được tiên lượng về vấn đề hành
    • Xem xét các khó khăn về giao tiếp liên quan đến hành vi – tình trạng thất vọng liên quan đến những khó khăn về giao tiếp (đặc biệt ở trẻ không nói được) có thể là động lực thúc đẩy các hành vi nhất định.

2.1. Xử lý các rối loạn về hành vi

Liệu pháp hành vi

Hỗ trợ hành vi tích cực, các can thiệp hành vi, và nuôi dạy con tốt là những cách tiếp cận liên quan đến thay đổi cách tương tác giữa người chăm sóc với trẻ để thúc đẩy hành vi tích cực phù hợp ở trẻ.

Liệu pháp nhận thức- hành vi

Liệu pháp nhận thức-hành vi là một cách tiếp cận bao gồm xác định những suy nghĩ và hành vi không có lợi và hướng dẫn cấu trúc lại nhận thức và tự xử lý các suy nghĩ và hành động mang tính xây dựng. Trẻ tham gia một cách tích cực vào liệu pháp hành vi – nhận thức.

2.2. Trách nhiệm của nhóm đa chuyên ngành trong xử lý các rối loạn về hành vi

Tất cả các nhân viên y tế làm việc với trẻ bại não đều có trách nhiệm nhận biết về sự phổ biến của các rối loạn hành vi ở trẻ bại não. Tất cả các nhân viên y tế nên kiểm tra với gia đình về bất kỳ lo lắng nào về hành vi.

  • Các bác sĩ – các can thiệp y tế để kiểm soát cơn đau, thực hiện các lượng giá IQ, giới thiệu đến nhà tâm lý học (nếu có).
  • Các kỹ thuật viên VLTL – tiến hành lượng giá hành vi để giúp xác định các yếu tố khởi phát, thực hiện các chiến lược hỗ trợ hành vi tích cực, giới thiệu đến nhà tâm lý học (nếu có), giới thiệu đến bác sĩ.
  • Các kỹ thuật viên HĐTL – tiến hành lượng giá hành vi để giúp xác định các yếu tố khởi phát, thực hiện các chiến lược hỗ trợ hành vi tích cực, giới thiệu đến nhà tâm lý học (nếu có), giới thiệu đến bác sĩ.
  • Các kỹ thuật viên NNTL – tiến hành lượng giá hành vi để giúp xác định các yếu tố khởi phát có thể ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp chức năng, thực hiện các chiến lược hỗ trợ hành vi tích cực, giới thiệu đến nhà tâm lý học (nếu có), giới thiệu đến bác sĩ.
  • Các điều dưỡng – hỗ trợ các gia đình thực hiện các kế hoạch về hành vi, giới thiệu đến bác sĩ.
  • Các nhà tâm lý học – (nếu có) thực hiện lượng giá IQ, thực hiện các lượng giá hành vi, thực hiện nhiều biện pháp can thiệp hành vi bao gồm các kế hoạch xử lý hành vi.

Khuyến cáo:

Xử lý các vấn đề về hành vi có thể phức tạp. Các nhà tâm lý học và các chuyên gia về hành vi là những chuyên gia trong việc hỗ trợ trẻ và gia đình. 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *