Rung giật nhãn cầu ( Nystagmus ): các dạng thường gặp

Rung giật nhãn cầu là chỉ các vận động dao động lặp lại của nhãn cầu, vận động nhãn cầu có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt nhưng không do chủ ý của cơ thể. Có thể là những dao động ngang, dọc hoặc những dao động xoay tròn.

1. Tổng quan 

Bình thường để nhìn rõ một vật, cần sự phối hợp của 3 yếu tố chính. Các yếu tố chính bao gồm:

  • Sự định thị vị trí của hệ thống thị giác.
  • Phản xạ tiền đình mắt.
  • Sự phối hợp của các dây thần kinh như thần kinh điều chỉnh cơ vận nhãn…

Nếu có sự mất cân bằng của 3 yếu tố này sẽ dẫn đến tình trạng nhãn cần bị chuyển động bất thường.

Rung giật nhãn cầu  ( RGNC ) là một chuyển động không tự chủ của mắt bao gồm hai chuyển động (pha) có hướng ngược nhau: pha chậm tiếp theo là pha nhanh, như một sự giật mạnh. RGNC dạng quả lắc là dạng duy nhất không có pha nhanh mà là hai pha chậm ngược chiều nhau.

cac-pha-rung-giat-nhan-cau
Ảnh mô tả các pha rung giật nhãn cầu

Rung giật nhãn cầu có pha nhanh và pha chậm được gọi là RGNC giật (jerk nystagmus). Hướng của RGNC (ngang, dọc) được đặt tên theo hướng của pha nhanh. Trong RGNC xoáy, thay vào đó sẽ là nhãn cầu xoay theo mặt phẳng phía trước.

RGNC có thể là sinh lý khi nó xảy ra trong thời gian xoay kéo dài hoặc khi nhìn hình ảnh chuyển động toàn trường (optokinetic nystagmus – rung giật nhãn cầu nhìn vật chuyển động), hoặc nó có thể là dấu hiệu bệnh lý của tổn thương tiền đình hoặc tiểu não. 

RGNC nên được đánh giá ở các vị trí mắt khác nhau (góc nhìn chằm chằm – gaze angle), cả khi ngồi và nằm ngửa. Nó cũng nên được đánh giá cả khi cố định và không cố định tầm nhìn. Trong trường hợp RGNC ngoại biên, tương tác giữa thị giác-tiền đình có thể được sử dụng để làm giảm rung giật nhãn cầu (tức là rung giật nhãn cầu giảm khi cố định tầm nhìn sẽ có nhiều khả năng là ngoại biên).

 Có thể ngăn ngừa việc cố định tầm nhìn bằng cách sử dụng kính Frenzel, bao gồm các ống kính phóng đại và backlit. Ngoài ra, một nguồn ánh sáng có thể được sử dụng để làm chói một mắt và ngăn cản sự cố định trong lúc bác sĩ quan sát, trong khi mắt còn lại được che đi. 

Một phương pháp bổ sung để ngăn chặn sự cố định tầm nhìn trong khi vẫn cho phép bác sĩ quan sát là đặt một tờ giấy trắng trước mắt cần quan sát, bao phủ toàn bộ thị trường.

2. Phân loại rung giật nhãn cầu

2.1. Rung giật nhãn cầu tiền đình ngoại biên

 Rung giật nhãn cầu tiền đình ngoại biên là do tổn thương một bên cơ quan tiền đình hoặc dây thần kinh tiền đình. Tuy nhiên, một tổn thương hành tuỷ khu trú ngang mức nhân tiền đình hoặc các sợi thần kinh tiền đình ở thân não, ở vị trí rễ đi vào, gây ra rung giật nhãn cầu với các đặc điểm lâm sàng của kiểu ngoại biên.

 Rung giật nhãn cầu ngoại biên thường là RGNC xoáy ngang, đánh về phía lành và giảm hoặc bị kìm hãm bởi việc cố định tầm nhìn. Hướng của RGNC không thay đổi theo vị trí của mắt trong ổ mắt, nhưng biên độ và tốc độ của RGNC được tăng lên khi chuyển hướng nhìn chằm chằm của pha nhanh. 

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp chóng mặt “liên tục”. Tuy nhiên, có những chóng mặt tư thế (tức là do thay đổi tư thế gây ra) trong đó rung giật nhãn cầu ngoại biên theo chiều dọc và xoáy và thay đổi hướng ở các tư thế khác nhau. Trong chóng mặt tư thế, RGNC  không tự phát mà xuất hiện sau một số chuyển động nhất định, và trong chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, nó có những đặc điểm điển hình. Trong biến thể ống bán khuyên sau, nghiệm pháp Dix-Hallpike sẽ gây ra rung giật nhãn cầu đánh lên theo chiều dọc kèm xoáy, với rung giật nhãn cầu đảo ngược khi trở lại tư thế ngồi (nó trở thành RGNC  đánh xuống); trong biến thể ống bán khuyên bên, rung giật nhãn cầu luôn ở vị trí ngang, đồng hướng (qua phải ở bên phải và qua trái ở bên trái), hoặc dị hướng (qua trái ở bên phải và qua phải ở bên trái)

2.2. Rung giật nhãn cầu khi nhìn chằm chằm 

RGNC được kích phát bởi nhìn chằm chằm là RGNC không xảy ra ở vị trí ban đầu mà chỉ vào lúc nhìn chằm chằm sang bên phải hoặc trái, nhìn lên hoặc xuống và đánh theo hướng nhìn chằm chằm và sự thay đổi hướng tùy thuộc vào hướng nhìn chằm chằm. Nó không phụ thuộc vào việc cố định tầm nhìn và có thể rõ ràng hơn ở tư thế nằm ngửa.

2.3.  Rung giật nhãn cầu dọc (hướng lên hoặc hướng xuống)

RGNC dọc (đập lên trên hoặc xuống dưới) hoặc RGNC xoáy đơn thuần luôn gợi ý nguyên nhân trung ương. RGNC có thể nhìn thấy ở mọi vị trí nhìn chằm chằm nhưng thường lớn hơn khi nhìn một bên. Nhìn hội tụ (convergence) có thể làm tăng lên, ức chế hoặc biến nó thành rung giật nhãn cầu đánh lên. RGNC dọc đánh xuống không bị ức chế bởi sự cố định tầm nhìn và thường là do rối loạn chức năng của thùy nhung tiểu não (cerebellar flocculus). RGNC dọc đánh lên thường tăng lên khi nhìn chằm chằm lên trên. Nó có thể bị tăng lên, bị ức chế hoặc chuyển thành RGNC đánh xuống bởi việc nhìn hội tụ. Nó không bị ức chế bởi sự cố định tầm nhìn. Các vị trí tổn thương là vùng cận giữa của hành tủy, cầu não và trung não. 

2.4. Rung giật nhãn cầu quả lắc 

Trong RGNC quả lắc, không có pha nhanh mà chỉ có chuyển động qua lại chậm. Hướng có thể đơn thuần là theo chiều ngang hoặc chiều dọc, nhưng nó cũng có thể là sự kết hợp của cả hai hoặc có các hướng khác (ví dụ: đường chéo). Các dao động có thể liên hợp (tức là giống hệt nhau ở cả hai mắt), nhưng chúng thường khác nhau hơn (nhiều hơn ở một mắt). Trong một số trường hợp, RGNC có thể là một mắt. Trong các dạng mắc phải, bệnh nhân thường báo cáo về hiện tượng nhìn dao động (oscillopsia).

3.Các test liên quan

3.1. Test lắc đầu ( HINT: head impulse test )

HIT là một bài test tại giường. Người khám xoay đầu bệnh nhân từ vị trí bên (luân phiên trái và phải) đến vị trí trung tâm càng nhanh càng tốt, trong khi bệnh nhân nhìn cố định mục tiêu trung tâm, chẳng hạn như mũi của người khám. HIT cũng có thể được thực hiện bằng cách xoay đầu theo hướng ngược lại, từ trung tâm ra ngoại vi. Chỉ nên xoay đầu 10–15 độ. 

Trong trường hợp phản xạ tiền đình-mắt bình thường khi đầu xoay nhanh và thụ động, mắt sẽ di chuyển theo hướng ngược lại với chuyển động xoay của đầu để giữ cho mắt nhìn vào mục tiêu; Lúc kết thúc chuyển động của đầu, bệnh nhân sẽ không phải thực hiện bất kỳ chuyển động nhanh nào của mắt (saccade-giật mạnh) để định vị lại hướng nhìn vào mục tiêu (HIT âm tính). 

Trong trường hợp phản xạ tiền đình-mắt bị khiếm khuyết, khi kết thúc chuyển động của đầu, bệnh nhân sẽ thực hiện một chuyển động giật mạnh theo hướng ngược lại với hướng xoay của đầu, để đưa đường ngắm (sight) trở lại mục tiêu (HIT dương tính). 

Trong trường hợp tổn thương tiền đình ngoại biên, và do đó là chóng mặt ngoại biên, trong giai đoạn cấp tính, HIT sẽ dương tính với các chuyển động xoay của đầu về phía bị tổn thương và âm tính về phía lành. Trong trường hợp chóng mặt trung ương, HIT có thể âm tính. Việc đánh giá HIT không bao giờ được tách rời khỏi việc đánh giá rung giật nhãn cầu và các nghiệm pháp khác theo sơ đồ tiếp cận được đề xuất.

3.2. Test lệch nghiêng ( Cover test hay Test of Skew )

Thực hiện: Người khám luân phiên che mắt bệnh nhân; Sự xuất hiện của một chuyển động giật mạnh (saccade) để cố định tầm nhìn lại ngay sau khi mở từng mắt ra, được xác định bởi sự hiện diện của lệch trục theo chiều dọc, là một dấu hiệu của chóng mặt có nguồn gốc trung ương. 

test-lech-nghieng
Minh họa một ví dụ về độ lệch nghiêng trong quá trình test. Ở ô A có một mắt trái bị lác dưới (hypotropia), tức là khi nhìn bằng hai mắt thì các cơ chế hợp nhất (fusional mechanisms) sẽ khiến mắt trái thấp hơn mắt phải. Nếu mắt phải bị che lại, thì mắt trái phải hướng lên trên để cố định mục tiêu và coi như hai mắt chuyển động liên hợp (conjugated way) thì mắt phải cũng hướng lên trên (ô B). Trong trường hợp lệch nghiêng (ô B), tín hiệu thần kinh cần thiết để di chuyển mắt trái với biên độ mong muốn sẽ di chuyển mắt phải cùng biên độ: biên độ chuyển động sẽ giống nhau ở cả hai mắt (mũi tên), và khoảng cách giữa hai mắt (nét đứt ngang) sẽ không thay đổi. Điều này sẽ được xác nhận khi mắt phải không bị che: mức độ lệch trục ở ô C giống như ở ô A; Hơn nữa, nếu mục tiêu được cố định bằng mắt phải, chuyển động xuống của hai mắt cũng sẽ có biên độ tương tự (ô D, các mũi tên).

Xem thêm: Rung giật nhãn cầu: Phân loại, nguyên nhân và cách điều trị | Vinmec

Tài liệu tham khảo: Decision Algorithms for Emergengy Neurology, Giuseppe Micieli.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *