Tổng quan các yếu tố tiên lượng đến đau sau điều trị.

Đau sau điều trị rất hay gặp, và đôi khi rất nghiêm trọng, đòi hỏi các bác sĩ lâm sàng phải sử dụng đến thuốc giảm đau kháng viêm để kiểm soát triệu chứng. Đôi lúc kháng sinh được chỉ định để ngăn sự lan rộng của nhiễm trùng. Nói tóm lại, việc điều trị nội nha thành công đòi hỏi phải sử dụng thuốc hợp lý trước, trong và sau điều trị lâm sàng. Bài viết này tổng quan về các yếu tố tiên lượng liên quan đến đau sau điều trị. Cùng tìm hiểu thêm.

1. Góc nhìn đầu tiên về đau trong Nội nha

Đau vùng hàm mặt là một vấn đề rất phổ biến, chiếm khoảng 40% trong số tổng chi phí ước tính 80 tỉ $ cho việc chăm sóc sức khỏe hàng năm ở Mỹ. Đau răng (odontalgia hay toothache) là một nguyên nhân phổ biến của đau vùng hàm mặt, đôi khi gây đau dữ dội, làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hằng ngày. Đau là một động lực quan trọng khiến bệnh nhân phải tìm đến sự chăm sóc nha khoa, trong khi đó nỗi sợ đau trong và sau thủ thuật điều trị khiến cho một vài bệnh nhân né tránh việc thăm khám nha khoa định kỳ. Đau là một cảm giác rất phức tạp, bao gồm các yếu tố cảm xúc, quan niệm và hành động. Do vậy mỗi cá nhân sẽ trải nghiệm những kiểu đau khác nhau. Với tính chất đau đa dạng đó thì không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều phương pháp khác nhau để ngăn chặn hay ức chế đau trong thực hành lâm sàng, nhờ vào phương pháp thư giãn để làm giảm lo lắng trên bệnh nhân và ức chế thần kinh cảm giác với gây tê tại chỗ.

Kiểm soát đau có nguồn gốc nội nha rất phức tạp do nhiều cơ chế sinh học góp phần tạo ra nhiều chứng đau khác nhau bao gồm chứng mẫn cảm, đau do viêm tủy, đau viêm quanh chóp, đau ngay sau điều trị và đau dai dẳng sau điều trị. Nói chung, đau có nguồn gốc nội nha thì được xử lý tốt nhất bằng điều trị nội nha, do trong quá trình điều trị đã loại bỏ hầu hết nguồn viêm. Để thực hiện tốt việc điều trị nội nha thì phần mô tủy bị ảnh hưởng và phần mô nha chu kế cận phải được vô cảm hoàn toàn bằng gây tê. Việc này thường rất khó thực hiện vì trên thực tế viêm làm giảm hiệu quả của thuốc tê. Đau sau điều trị rất hay gặp, và đôi khi rất nghiêm trọng, đòi hỏi các bác sĩ lâm sàng phải sử dụng đến thuốc giảm đau kháng viêm để kiểm soát triệu chứng. Đôi lúc kháng sinh được chỉ định để ngăn sự lan rộng của nhiễm trùng. Nói tóm lại, việc điều trị nội nha thành công đòi hỏi phải sử dụng thuốc hợp lý trước, trong và sau điều trị lâm sàng.

2. Các yếu tố tiên lượng liên quan đến đau sau điều trị

Các nghiên cứu liên quan đến đau sau điều trị nội nha, cả đau sau sửa soạn ống tủy và đau sau trám bít ống tủy trong điều trị nội nha nhiều lần hẹn cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau là rất khác nhau. Điều này có thể là do sự khác biệt về việc xác định đau lúc nào và đau như thế nào trong quần thể bệnh nhân được nghiên cứu, và quan trọng hơn cả là tình trạng tủy răng và mô quanh chóp trước điều trị ở những đối tượng nói trên.

Một bài báo cáo tổng quan hệ thống gần đây đã báo cáo tỉ lệ đau trong các nghiên cứu riêng biệt dao động từ 20 – 90%, mức độ đau thường là ở mức nhẹ và vừa (10 – 60 mm trên thang VAS 100 mm).

dau-sau-dieu-tri-3
Tỉ lệ đau sau điều trị trong các nghiên cứu riêng biệt dao động từ 20 – 90%, mức độ đau thường là ở mức nhẹ và vừa (10 – 60 mm trên thang VAS 100 mm)

Một tuần sau điều trị nội nha, đau thường ít hơn 10%, và theo báo cáo thì mức độ đau thường ở mức thấp. Việc thực hiện biện pháp điều trị nội nha rõ ràng là có hiệu quả làm giảm đau ở những cơn đau có nguyên nhân nội nha, với mức độ đau sau điều trị giảm xuống 50% so với mức độ đau trước điều trị trong vòng 24 giờ. Điều này làm củng cố các ý kiến cho rằng biện pháp can thiệp nội nha, bao gồm điều trị tủy chân và các thủ thuật xử trí cấp cứu, như lấy tủy buồng, trong những tình huống lâm sàng thích hợp (ví dụ như răng có khả năng hồi phục, răng đang thực hiện chức năng), là cách tốt nhất để làm giảm mức độ và tần suất các cơn đau do răng nhanh chóng.

Một số yếu tố trên bệnh nhân đã được xác định là giúp dự đoán sự xuất hiện của đau sau điều trị. Có rất nhiều nghiên cứu xác định được sự hiện diện và/hoặc cường độ đau trước điều trị là một trong những yếu tố tiên lượng mạnh nhất về đau.

dau-sau-dieu-tri-1-1
Mức độ đau trước điều trị là một yếu tố tiên lượng quan trọng của mức độ đau sau điều trị. Hình ảnh này cho thấy một ví dụ về một nghiên cứu chứng minh tần suất và mức độ nghiêm trọng của đau ngày đầu tiên điều trị tủy được tiên lượng dựa trên sự hiện diện của đau trước điều trị.

Sự liên quan mạnh mẽ này được nhận thấy trong những nghiên cứu trên các đối tượng được điều trị nội nha cũng như những đối tượng được điều trị can thiệp phẫu thuật không thuộc nha khoa. Ý nghĩa lâm sàng của những phát hiện này là những bệnh nhân có đau trước điều trị thường phải trải qua đau đáng kể, cần cẩn thận để đảm bảo kê toa hợp lý thuốc giảm đau. Về mặt sinh học, những quan sát này có thể liên 1 đến tính dẻo của hệ thần kinh trung ương kết hợp với sự gia tăng đầu vào quan từ các nociceptor trong hệ thần kinh ngoại vi, sự nhạy cảm trung tâm có thể cũng là một cơ chế góp phần quan trọng.

Những yếu tố khác có thể liên quan đến đau sau điều trị bao gồm giới tính (nữ thường đau nhiều hơn nam), loại răng (răng sau nhiều chân thường đau nhiều hơn) và những cơn đau giữa các lần hẹn. Điều quan trọng là đau sau khi hoàn tất việc điều trị nội nha, hoặc sau lần hẹn đầu tiên của cuộc điều trị hai hay nhiều lần hẹn, rất hay gặp nên phải thường xuyên chỉ định thuốc giảm đau dù cho có hay không có những yếu tố tiên lượng nói trên. Tuy nhiên, sự hiện diện của một vài những yếu tố tiên lượng này có thể giúp nhà lâm sàng có nhiều khả năng xem xét các phương pháp giảm đau khác và/hoặc tăng liều giảm đau hay không.

Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *