Các xét nghiệm không xâm lấn, hình ảnh học tim mạch và xét nghiệm xâm lấn giúp ta hiểu được cấu trúc và hoạt động chức năng tim. Ngoài ra, các biện pháp điều trị còn có thể được thực hiện trong quá trình làm một số thăm dò chẩn đoán cụ thể (ví dụ, can thiệp động mạch vành qua da trong quá trình thông tim, triệt đốt bằng năng lượng sóng tần số radio trong quá trình thăm dò điện sinh lý tim).
- Siêu âm doppler tim qua thành ngực
1.1. Khái niệm
Siêu âm tim là một kỹ thuật thăm dò không chảy máu, thăm dò hình thái học và thăm dò động học của quả tim bằng sóng siêu âm.
Một đầu dò có chứa chất áp điện phát ra sóng âm với tần số từ 2-5 MHz (loại đầu dò dùng cho người lớn) và tần số từ 4-7 MHz (loại đầu dò dùng cho trẻ em). Sau khi phát sóng âm, đầu dò nhận các âm dội của các sóng âm này rồi biểu hiện chúng thành các xung động điện sau khi các xung động điện này được khuếch đại rồi được hiển thị trên màn hình.
Thăm dò siêu âm được tiến hành theo 3 kỹ thuật chính: siêu âm một bình diện, hai bình diện và siêu âm Doppler. Ba kỹ thuật này bổ sung cho nhau và phải được thực hiện liên tiếp.
1.2. Chỉ định
Siêu âm Doppler tim được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng cơ năng tim mạch (đau ngực, khó thở, ngất, xỉu…), hoặc khám phát hiện thấy các dấu hiệu thực thể (tiếng thổi, tiếng cọ…), cần tìm nguyên nhân.
Siêu âm Doppler tim cũng có thể được chỉ định dựa trên bệnh lý đã biết, nhằm theo dõi tiến triển, tiên lượng và chỉ định điều trị. Siêu âm Doppler tim cho phép thực hiện 1 thăm dò huyết động không chảy máu. Các ứng dụng lâm sàng của kỹ thuật này đặc biệt là:
– Đánh giá mức độ hẹp van bằng cách đo chênh áp qua van (chênh áp tối đa và chênh áp trung bình) và đo diện tích lỗ van hẹp
– Phát hiện và xác định mức độ hở van
– Đánh giá áp lực động mạch phổi
– Đo lưu lượng tim qua các lỗ van
– Nghiên cứu chức năng tâm thu và tâm trương thất trái
– Phát hiện các shunt trong tim (thông liên nhĩ, thông liên thất, ống động mạch…).
– Nghiên cứu các loại van nhân tạo.
- Siêu âm tim qua thực quản
2.1. Khái niệm
Siêu âm tim qua thực quản thăm dò các cấu trúc của tim và các mạch máu lớn trong trung thất, với đầu dò siêu âm Doppler được gắn vào ống nội soi mềm, sau đó đầu soi này được đưa vào trong lòng thực quản- dạ dày.
Ưu điểm của phương pháp siêu âm qua thực quản là do thực quản rất gần với tim và các mạch máu lớn ở trong trung thất, nên đầu dò siêu âm gần như tiếp xúc trực tiếp với các cấu trúc này. Mặt khác, không có một cấu trúc nào (tổ chức mỡ, xương, không khí….) xen vào giữa đầu dò và quả tim để ngăn cản chùm tia siêu âm; đầu dò chỉ cách thành sau tim bởi thành trước thực quản. Hiện nay, siêu âm tim qua thực quản sử dụng đầu dò đa bình diện có thể xoay từ 0ođến 180o, uốn theo bốn hướng: trái-phải, trước-sau nên có thể cho phép thấy được gần hết cấu trúc của tim và các mạch máu lớn trong trung thất, trong khi siêu âm tim qua thành ngực không thể thăm dò tới được.
2.2 Chỉ định
2.2.1. Các bệnh van tim và van nhân tạo:
– Hẹp hai lá: đánh giá mức độ hẹp, tình trạng van và tổ chức dưới van
– Hở hai lá: đánh giá mức độ hở và cơ chế gây hở
– Van nhân tạo: tình trạng hở van, huyết khối, hoạt động của van…
– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: tình trạng sùi, áp-xe, thủng van…
2.2.2. Bệnh lý ĐMC ngực: tách thành ĐMC, phình ĐMC, xơ vữa ĐMC,….
2.2.3. Huyết khối trong các buồng tim: huyết khối nhĩ trái, tiểu nhĩ trái, huyết khối trong động mạch phổi, trong tĩnh mạch phổi …
2.2.4. Các khối u trong tim: u tiên phát và thứ phát.
2.2.5. Bệnh lý vách liên nhĩ: Phình VLN, thông liên nhĩ …
2.2.6. Bệnh tim bẩm sinh: Tĩnh mạch phổi đổ lạc chỗ, hẹp van ĐMP, tứ chứng Fallot…
2.2.7. Đánh giá chức năng thất trái.
2.2.8. Theo dõi trong khi mổ: sửa van hai lá, thay van, sửa bệnh cơ tim tắc nghẽn….
2.2.9. Trong chăm sóc tăng cường và trong thông tim: biến chứng cấp tính của nhồi máu cơ tim, shock không rõ nguyên nhân (sau mổ tim phổi nhân tạo), nong van hai lá bằng bóng qua da, bít lỗ TLN và ống động mạch bằng dù….
2.3. Chống chỉ định:
2.3.1. Chống chỉ định tuyệt đối:
– Các bệnh lý thực quản:
+ Tắc, hẹp thực quản.
+ Giãn thực quản, túi thừa thực quản, khối u thực quản.
+ Lỗ dò, rách, thủng thực quản
+ Tắc hoặc đau khi đưa đầu dò vào thực quản
– Tia xạ trung thất
– Bệnh lý cột sống cổ, viêm khớp dạng thấp, gù vẹo cột sống….
2.3.2. Chống chỉ định tương đối:
– Mới phẫu thuật thực quản.
– Giãn tĩnh mạch thực quản.
– Xuất huyết dạ dày.
– Suy tim giai đoạn cuối
– Huyết động không ổn định.
– Tăng huyết áp nặng chưa điều chỉnh được bằng thuốc.
– Bệnh nhân mới ăn no (trừ trường hợp tách thành động mạch chủ cấp)
– Bệnh nhân không hợp tác, không muốn làm thăm dò siêu âm qua thực quản.
3. Siêu âm tim gắng sức
3.1. Khái niệm
Siêu âm tim gắng sức là một thăm dò không chảy máu rất hiệu quả chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhờ vào khả năng phát hiện rối loạn chức năng co bóp từng vùng của cơ tim khi gắng sức, tương ứng với vùng cấp máu của động mạch vành chi phối.
Các nghiệm pháp gắng sức được sử dụng là NPGS thể lực trên thảm chạy, xe đạp lực kế; NPGS dược lý với dobutamin, Dipirydamol; hoặc kích thích nhĩ qua thực quản, trong buồng nhĩ.
3.2. Chỉ định
3.2.1. Bệnh mạch vành
– Chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim ở bệnh nhân đau ngực trên lâm sàng, bệnh nhân có biến đổi không rõ ràng trên điện tâm đồ: Các rối loạn co bóp của vùng cơ tim tương ứng được tưới máu xuất hiện rất sớm, trước những thay đổi trên điện tâm đồ và lâm sáng, vì vậy siêu âm tim gắng sức có độ nhạy và độ đặc hiệu đều cao hơn NPGS điện tâm đồ (độ nhạy 75 – 87%, độ đặc hiệu 74 – 80%).
– Chẩn đoán thiếu máu cơ tim thầm lặng ở bệnh nhân đái tháo đường; bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch; do yêu cầu của nghề nghiệp (lái xe, phi công…); trước một phẫu thuật lớn ngoài tim.
– Theo dõi và đánh giá kết quả điều trị sau nhồi máu cơ tim, sau nong và đặt stent động mạch vành, sau phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành: tình trạng cơ tim, chức năng từng vùng cơ tim, các rối loạn nhịp, khả năng phục hồi, khả năng tái thích nghi với cuộc sống hàng ngày…
3.2.2. Rối loạn nhịp tim
– Chẩn đoán và đánh giá bệnh lý rối loạn nhịp có liên quan đến gắng sức.
3.2.3. Bệnh van tim
– Đánh giá mức độ bệnh van tim, chức năng cơ tim, nhằm định hướng quá trình điều trị.
3.2.4. Bệnh cơ tim
– Đánh giá chức năng cơ tim.
3.3. Chống chỉ định
Chống chỉ định của siêu âm tim gắng sức chính là các chống chỉ định của nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ.
4. Chụp cắt lớp vi tính
4.1. Khái niệm
Chụp cắt lớp vi tính ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong thăm dò tim mạch nhờ những tiến bộ kỹ thuật cho phép tốc độ ghi hình nhanh hơn, với độ phân giải không gian và phân giải đối quang tăng, giúp đánh giá cả về giải phẫu và chức năng tim và mạch máu.
Các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính hiện đại được sử dụng:
– Chụp cắt lớp vi tính chùm điện tử (electron beam CT): thời gian phát tia rất ngắn (50 – 100 ms) giúp loại bỏ các tác dụng nhiễu (artifact)lên việc ghi hình chuyển động tim, với độ dày lớp cắt mỏng (10 – 15mm), cho phép bao trùm toàn bộ quả tim chỉ trong vòng 1 – 2 lần nín thở.
– Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (multislide CT): hệ thống cảm biến điện tử và bóng phát tia X quay liên tục với tốc độ cao, giúp nghiên cứu chính xác đặc điểm giải phẫu của tim và mạch máu, đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu hình thái động mạch vành, động mạch phổi.
4.2. Chỉ định
4.2.1. Bệnh lý động mạch chủ
Chụp cắt lớp vi tính có độ nhạy cao trong chẩn đoán tách thành động mạch chủ cấp, và có giá trị trong chẩn đoán, theo dõi tiến triển bệnh lý phình động mạch chủ.
4.2.2. Bệnh mạch vành
– Đánh giá mức độ vôi hóa mạch vành: MSCT có thể xác định đậm độ, vị trí, sự lan rộng của mảng vôi hóa động mạch vành, và dựng được hình ảnh không gian của động mạch vành bị vôi hóa. Các nghiên cứu cho thấy thang điểm vôi hóa ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành cao hơn bệnh nhân không bị bệnh động mạch vành theo độ tuổi. Tuy nhiên, việc sử dụng thang điểm vôi hóa như là một yếu tố nguy cơ tim mạch, bên cạnh các yếu tố nguy cơ tim mạch khác vẫn chưa có sự chấp thuận của ACC/AHA.
– Phát hiện và đánh giá mức độ hẹp lòng động mạch vành, đặc biệt ở các vị trí thân chung động mạch vành, động mạch liên thất trước đoạn gần; có thể phát hiện và ước lượng mức độ tái hẹp trong lòng stent động mạch vành.
– Sau phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành: đánh giá mức độ thông suốt của cầu nối.
– Nhồi máu cơ tim: tại vùng nhồi máu cơ tim cũ, thành tim mỏng và mất hình ảnh dày lên trong thì tâm thu; CT còn phát hiện phình vách tim, huyết khối trong các buồng tim.
– Dị dạng động mạch vành.
4.2.3. Bệnh màng ngoài tim
– Chụp cắt lớp vi tính giúp phát hiện dịch màng tim, các khối u, kén màng ngoài tim; và đặc biệt giúp đánh giá mức độ dày, vôi hóa màng ngoài tim trong bệnh màng ngoài tim dày dính co thắt.
4.2.4. Bệnh động mạch phổi
– Tắc động mạch phổi, phình động mạch phổi.
4.2.5. Chức năng tâm thất
– Đánh giá chức năng tâm thất bằng đo thể tích và khối lượng cơ thất, độ dày vách thất.
4.2.6. Bệnh lý động mạch cảnh, động mạch ngoại biên và các động mạch tạng.
- 3. Chống chỉ định
– Dị ứng thuốc cản quang
– Suy thận nặng.
Leave a Reply