Ở Việt Nam, đồng thuận đầu tiên về điều trị Hp (Helicobacter pylori) được xuất bản năm 2012 với các khuyến cáo tập trung về chẩn đoán và điều trị. Trong 10 năm qua, tỉ lệ các chủng Hp đề kháng kháng sinh phát triển không ngừng, và ung thư dạ dày vẫn là một trong những ung thư thường gặp và chết người ở nước ta, với phần lớn người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển. Do đó, cập nhật đồng thuận là một nhu cầu cấp thiết để hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Có tổng cộng 27 khuyến cáo của đồng thuận được đưa ra, kèm theo mức chứng cứ, mức khuyến cáo và mức đồng thuận được đưa ra lần lượt.
1. Chỉ định và lựa chọn test chẩn đoán.
Khuyến cáo 1. Trong thực hành lâm sàng, xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H. pylori chỉ nên được chỉ định khi có ý định điều trị tiệt trừ. (Mức chứng cứ thấp, mức độ khuyến cáo mạnh).
Khuyến cáo 2. Khuyến cáo chẩn đoán nhiễm H. pylori đối với những người có các bệnh lý sau (kèm theo mức chứng cứ, mức khuyến cáo):
– Viêm loét dạ dày (cao, mạnh).
– Tiền sử loét dạ dày chưa từng thử Hp (cao, mạnh).
– Khó tiêu chức năng (dyspepsia) chưa được xét nghiệm (cao, mạnh).
– Sang thương tiền ung thư (viêm teo dạ dày mạn, loạn sản ruột, thiểu sản dạ dày) (cao, mạnh).
– Sau phẫu thuật nội soi cắt ung thư dạ dày giai đoạn sớm (cao, mạnh).
– Lymphoma MALT biệt hóa thấp (cao, mạnh).
– Trực hệ thứ nhất của người mắc ung thư dạ dày (cao, mạnh).
– Bắt đầu hoặc sắp điều trị NSAID kéo dài (cao, có điều kiện).
– Cần điều trị aspirin liều thấp kéo dài (cao, có điều kiện).
– Trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị duy trì lâu dài bằng PPI (vừa, có điều kiện).
– Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân (cao, có điều kiện).
– Ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (thấp, có điều kiện).
– Người muốn điều trị tiệt trừ Hp sau khi giải thích kĩ sự không cần thiết (cao, có điều kiện).
Khuyến cáo 3. Bệnh nhân có khó tiêu chức năng (dyspepsia) chưa được xét nghiệm tuổi ≥ 35 với nữ, hoặc ≥40 với nam và/hoặc kèm dấu hiệu cảnh báo nên được nội soi tiêu hóa trên. Chẩn đoán nhiễm Hp trên các đối tượng này nên dựa vào các xét nghiệm có sinh thiết. (Vừa, mạnh, 87.5%).
Khuyến cáo 4. Bệnh nhân có chỉ định thử Hp có nội soi tiêu hóa trên, test urease nhanh nên được lựa chọn đầu tay. (Vừa, mạnh, 100%).
Khuyến cáo 5. Trong các test không xâm lấn chẩn đoán nhiễm Hp, test hơi thở urea nên được lựa chọn đầu tay. (Vừa, mạnh, 100%).
Khuyến cáo 6. Cần đảm bảo bệnh nhân được test chẩn đoán Hp không dùng kháng sinh hoặc bismuth trong vòng 4 tuần hoặc PPI trong vòng 2 tuần trước thực hiện. (Vừa, mạnh, 93.7%).
Khuyến cáo 7. Ở bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên cấp, thử Hp bằng test urease nhanh và mô học có thể âm tính giả. Nếu kết quả âm tính, có thể xác nhận tình trạng nhiễm trùng bằng một test khác độ tin cậy cao hơn sau khi xuất huyết ổn định. (Vừa, mạnh, 81.2%).
2. Phác đồ điều trị tiệt trừ Hp.
Khuyến cáo 8. Một phác đồ được coi là hiệu quả và được khuyến cáo chỉ khi tỉ lệ tiệt trừ đạt ít nhất 80% (intention to treat). Lựa chọn phác đồ theo đồng thuận dựa vào: (1) kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng tại địa phương, (2) kết quả từ các nghiên cứu chất lượng cao thực hiện ở quốc gia khác, và (3) kinh nghiệm của chuyên gia tại địa phương. (Vừa, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 9. Tỉ lệ đề kháng đơn độc của clarithromycin và metronidazole đang rất cao. Tỉ lệ đề kháng của amoxicillin và levofloxacin cũng đang tăng. Tuy nhiên, tỉ lệ đề kháng của tetracycline vẫn thấp và duy trì ổn định. (Vừa, mạnh, 100%).
Khuyến cáo 10. Kém tuân thủ điều trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tiệt trừ thất bại. Dành thời gian để tư vấn và giải thích các tác dụng phụ của thuốc trong phác đồ tiệt trừ có thể giúp cải thiện tuân thủ điều trị và dẫn tới tăng tỉ lệ tiệt trừ thành công. (Vừa, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 11. Bệnh nhân nên được giáo dục bỏ thuốc lá và rượu trong liệu trình tiệt trừ Hp để tránh làm giảm hiệu quả tiệt trừ. (Vừa, yếu, 93.7%).
Khuyến cáo 12. Ức chế tiết acid tốt là yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả của phác đồ tiệt trừ Hp. (Cao, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 13. Thời gian tối ưu của các tất cả phác đồ tiệt trừ Hp trong đồng thuận là 14 ngày. (Vừa, mạnh, 93.7%).
Khuyến cáo 14. Lựa chọn phác đồ tiệt trừ Hp đầu tay.
A – Phác đồ đầu tay lựa chọn đầu tiên là PPI + Tetracycline+ Metronidazole + Bismuth (PTMB). (Cao, mạnh, 100%).
B – Phác đồ thay thế đầu tay là PPI + Amoxicillin+ Levofloxacin + Bismuth (PALB). (Thấp, mạnh, 84.4%).
C – Phác đồ 3 thuốc có clarithromycin không nên lựa chọn do tỉ lệ kháng thuốc cao. (Cao, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 15: Lựa chọn phác đồ tiệt trừ Hp hàng hai.
A – Sử dụng phác đồ PTMB nếu chưa được sử dụng là phác đồ đầu tay. (Cao, mạnh, 100%).
B – Sử dụng phác đồ PALB nếu đã sử dụng phác đồ PTMB là phác đồ đầu tay. (Thấp, mạnh, 90.6%).
Khuyến cáo 16. Chọn phác đồ cứu vãn sau 2 lần tiệt trừ thất bại.
A – Sử dụng PTMB nếu chưa được sử dụng. (Vừa, mạnh, 100%).
B – Nếu phác đồ PTMB đã được dùng, nên thực hiện kháng sinh đồ. (Thấp, mạnh, 84.3%).
Khuyến cáo 17. Không nên dùng phác đồ tiệt trừ có rifabutin do tình hình lao kháng thuốc phức tạp tại Việt Nam. (Rất thấp, mạnh, 87.5%).
Khuyến cáo 18. Khi bệnh nhân tuân thủ tốt với phác đồ thích hợp nhưng vẫn tiệt trừ thất bại, nên xem lại liệu pháp tiệt trừ. Bệnh nhân nên được thông tin về kế hoạch theo dõi và quản lý đến khi có phác đồ tiệt trừ mới. (Rất thấp, yếu, 81.2%).
3. Thử Hp sau tiệt trừ.
Khuyến cáo 19. Nên thử lại tình trạng nhiễm Hp cho tất cả bệnh nhân đã được điều trị tiệt trừ. (Cao, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 20. Nội soi tiêu hóa trên nên được thực hiện ở bệnh nhân có (1) loét dạ dày, (2) nghi ngờ tổn thương ác tính ở dạ dày, (3) sang thương tiền ung thư cần đánh giá thêm về mức độ và phạm vi xâm lấn. (Cao, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 21. Đối với người bệnh được điều trị tiệt trừ Hp nhưng không cần nội soi đánh giá lại, nên chọn test hơi thở urea để xác nhận tiệt trừ thành công hay thất bại. (Cao, mạnh, 100%).
4. Dự phòng tái nhiễm và theo dõi sau tiệt trừ.
Khuyến cáo 22. Hp là vi khuẩn có khả năng lây từ người sang người, đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình, qua đường miệng-miệng, phân – miệng và các dụng cụ y tế. (Cao, mạnh, 100%).
Khuyến cáo 23. Tái nhiễm và bùng phát Hp trở lại thường gặp ở Việt Nam. (thấp, mạnh, 90.6%).
Khuyến cáo 24. Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về nguồn lây và đường lây của Hp có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trong cộng đồng. (Vừa, mạnh, 93.7%).
Khuyến cáo 25. Với bệnh nhân có chỉ định nội soi tiêu hóa trên và thực hiện test Hp có sinh thiết, luôn cần đánh giá sự hiện diện, mức độ và phạm vi của tổn thương tiền ung thư. (Vừa, mạnh, 96.8%).
Khuyến cáo 26. Tất cả bệnh nhân có teo dạ dày nặng và lan tỏa hoặc loạn sản ruột hoặc loạn sản dạ dày ruột chưa định type cụ thể nên được theo dõi bằng nội soi sau tiệt trừ Hp. (Vừa, mạnh, 100%).
Khuyến cáo 27. Tất cả bệnh nhân thiểu sản dạ dày phát hiện qua sinh thiết theo sơ đồ nên được nội soi đánh giá lại sử dụng nội soi hình ảnh tương phản để kiểm soát và điều trị. (Thấp, mạnh, 87.5%).
Nhiễm Hp là một nhiễm khuẩn phổ biến ở Việt Nam và ngày càng tăng nhanh tần suất đề kháng kháng sinh. Ung thư dạ dày là u ác phổ biến ở nước ta và có thể xảy ra ngay cả khi tiệt trừ thành công Hp. Đồng thuận này đưa ra các khuyến cáo về điều trị tiệt trừ và chiến lược theo dõi sau tiệt trừ Hp tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Vietnam Association of Gastroenterology (VNAGE) consensus on the management of Helicobacter pylori infection
https://www.vinmec.com/vi/ung-buou-xa-tri/thong-tin-suc-khoe/tam-soat-vi-khuan-hp-phong-ung-thu-da-day-nhu-nao/
Leave a Reply