Chọc hút màng phổi trong chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp

Chọc hút màng phổi là một thủ thuật thường quy, đặc biệt là tại các trung tâm chuyên khoa hô hấp. Hiểu biết về thủ thuật này sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng chủ động hơn trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý hô hấp. Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thủ thuật chọc hút màng phổi.

1. Giới thiệu chung

Chọc hút (chọc dò) màng phổi là một thủ thuật được thực hiện để loại bỏ chất lỏng (dịch, máu) hoặc không khí ra khỏi khoang màng phổi phục vụ cho cả mục đích chẩn đoán và/hoặc điều trị. Một ống dẫn lưu, hoặc kim rỗng, được đưa vào khoang màng phổi sau khi gây tê tại chỗ.

2. Giải phẫu và sinh lý

  • Một không gian ảo nằm ở ở bên trái và bên phải của khoang ngực giữa lá thành và lá tạng của phổi. Bình thường trong khoang màng phổi có một lượng nhỏ  dịch (7-14 ml) là một phần của hệ thống dẫn lưu bạch huyết, bôi trơn cho nhu mô phổi và thành ngực (lá thành và lá tạng màng phổi dễ dàng trượt lên nhau) trong quá trình giãn nở ( ở thì hít vào) và co lại ( ở thì thở ra).
  • Khi xuất hiệu lượng dịch nhiều hơn bình thường là bệnh lý. Thể tích dịch dư thừa, tốc độ tích tụ, thành phần tế bào và hóa học của dịch đều được sử dụng để định hướng điều trị và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
  • Chọc hút màng phổi được thực hiện ở tư thế nằm ngửa hoặc tư thế ngồi tùy thuộc vào sự thoải mái của bệnh nhân, tình trạng bệnh và chỉ định lâm sàng.

3. Chỉ định chọc hút màng phổi

Các chỉ định cho chọc hút màng phổi tương đối rộng bao gồm trong chẩn đoán và điều trị.

3.1. Chẩn đoán

  • Chọc dò dịch màng phổi nên được thực hiện để chẩn đoán bất cứ khi nào có trà dịch màng phổi mà chưa xác định được nguyên nhân. Có thể áp dụng được trong điều trị khi tràn dịch màng phổi gây các triệu chứng lâm sàng đáng kể.
  • Nguyên tắc chọc dò màng phổi dựa vào:

– Vùng phổi gõ đục, rung thanh giảm hoặc rì rào phế nang mất.

– Dựa vào X-quang: Cần phải có 1 phim chụp X-quang thẳng và một phim chụp nghiêng để xác định hình tràn dịch khu trú ở phía trước hay phía sau, phải đối chiếu, đo đạc trên bệnh nhân và phim chụp một cách chính xác.

– Chọc dò màng phổi dưới hướng dẫn siêu âm hoặc chụp CLVT là phương pháp tối ưu và an toàn nhất đối với các thể tràn dịch khu trú.

  • Chẩn đoán căn nguyên tràn dịch màng phổi

– Dịch thấm:

+ Rivalta(-), Protein < 30g/l

+ LDH màng phổi / LDH huyết thanh < 0,6

+ Thành phần hữu hình < 1000/mm3

– Dịch tiết:

+ Rivalta (+), Protein > 30 g/l

+ LDH màng phổi/ LDH huyết thanh > 0,6

+ Thành phần hữu hình > 1000/mm3

Minh-hoa-tran-dich-mang-phoi
Minh họa tràn dịch màng phổ

3.2. Điều trị 

Thông thường, điều trị tràn dịch màng phổi bằng chọc dịch thường lấy một thể tích lớn (nhiều lít dịch).  Tuy nhiên không nên lấy quá 1 lít dịch / 1 lần chọc dịch ( nên chia làm nhiều đợt )

– Nếu tiên lượng được dịch có thể tiếp tục tích tụ lại nhanh thì có thể đặt dẫn lưu khoang màng phổi. Điều này thường được thực hiên trong các trường hợp: Chấn thương ( tràn máu màng phổi,…), Ung thư ( Tràn dịch màng phổi ác tính), Tràn dịch sau phẫu thuật nhất là các phẫu thuật lồng ngực, Các rối loạn chuyển hóa giai đoạn cuối gây mất áp lực keo huyết tương quá mức.

+ Chỉ định cho những bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát > 15% thể tích bên phổi bị tràn khí ( Hoặc chiều dày lớn nhất của lớp khí > 2 cm trên phim chụp X-quang)

+ Sử dụng kim nhỏ nối với ba chạc và bơm tiêm 50 ml, sau khi hút hết khí thì rút kim. Nếu hút tới 4 lít mà khí vẫn ra đều, không có cảm giác khí sắp hết cần xét chỉ định mở màng phổi

Xquang-tran-khi-mang-phoi
Xquang tràn khí màng phổi

4. Chống chỉ định chọc hút màng phổi

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối.
  • Các chống chỉ định tương đối bao gồm:

       – Bất kỳ tình trạng nào khó khăn việc đặt bệnh nhân ở vị trí an toàn

       – Tình trạng rối loạn đông máu không thể kiểm soát được 

       – Các trường hợp trong đó nguy cơ của biến chứng sau thủ thuật  của thủ thuật lớn hơn nhiều so với lợi ích.

5. Biến chứng của thủ thuật

  • Các biến chứng phổ biến bao gồm chảy máu, đau và nhiễm trùng tại điểm đâm kim.
  • Nếu đường chọc được thực hiện sát bờ dưới xương sườn có thể gây tổn thương bó mạch thần kinh liên sườn.
  • Nếu quá nhiều dịch được loại bỏ hoặc nếu dịch được loại bỏ quá nhanh ( thường là >1 lít/ 1 lần chọc) (ví dụ: sử dụng buồng áp suất âm), phù phổi do sự tái giãn nở (còn gọi là hậu giãn nở) có thể xảy ra.
  • Nếu kim/ống dẫn lưu thủ thuật xuyên qua mô bị bệnh trước khi đi vào khoang màng phổi, bệnh có thể được lây lan vào khoang màng phổi. Ví dụ, đâm kim qua khối u ở thành ngực hoặc màng phổi có thể gây di căn khoang màng phổi, hoặc đâm kim qua ổ áp xe thành ngực hoặc mô bị nhiễm trùng khác có thể dẫn đến viêm mủ màng phổi.
  • Nếu vị trí chọc quá thấp, có thể gây tổn thương lách và gan.
  • Ngoại trừ đau tại chỗ  do thủ thuật, tràn khí màng phổi là biến chứng phổ biến nhất và được báo cáo trong 12-30% trường hợp. Chụp X quang trước và sau thủ thuật nên được thực hiện thường quy. 

Xem thêm: Kỹ thuật chọc hút khí màng phổi cấp cứu.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *