Bại não là một thuật ngữ chung mô tả “một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, nhận cảm, nhận thức, giao tiếp và hành vi, động kinh và các vấn đề cơ xương thứ phát.” (Rosenbaum và cộng sự, 2007).
Tỷ lệ mới mắc bại não ở các nước phát triển là 1,4-2,1 trên 1.000 trẻ sinh ra sống (ACPR, 2016, Sellier và cộng sự, năm 2015). Tỷ lệ mới mắc bại não ở Việt Nam vẫn chưa được xác định rõ tuy nhiên có thể cao hơn mức này.
Để chăm sóc và điều trị bệnh bại não, việc phân loại và đánh giá chính xác tình trạng của bệnh là rất quan trọng. Hiện nay, có nhiều công cụ phân loại bại não hiện đại được sử dụng để đánh giá tình trạng bại não. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin về các công cụ phân loại bại não tham khảo từ Quyết định số 5623 /QĐ-BYT ngày 21/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
1. Khả năng di chuyển chức năng ở trẻ bại não
1.1. Hệ thống Phân loại Chức năng Vận động Thô ở trẻ bại não (GMFCS)
(Palisano, Rosenbaum, Walters, Russell, Wood & Galuppi, 1997; Palisano, Rosenbaum, Bartlett & Livingston, 2008).
Hệ thống Phân loại Chức năng Vận động Thô (GMFCS) là một phân loại gồm 5 mức độ, mô tả chức năng vận động thô của trẻ bại não dựa trên vận động trẻ tự khởi phát, chú trọng đặc biệt đến khả năng ngồi và đi. Phân biệt giữa các mức độ dựa trên các khả năng chức năng, nhu cầu về kỹ thuật trợ giúp (bao gồm các thiết bị di chuyển cầm tay như khung đi, nạng hoặc gậy hoặc di chuyển có bánh xe và chất lượng của vận động.
Vấn đề trọng tâm là xác định mức độ nào đại diện đúng nhất các khả năng và các hạn chế hiện tại của trẻ trong chức năng vận động thô. Nhấn mạnh vào khả năng thực hiện bình thường ở nhà, tại trường học và trong cộng đồng (tức là những gì trẻ thực sự làm), chứ không phải là những gì trẻ được biết là có thể làm được ở mức tốt nhất (năng lực). Do đó, điều quan trọng là phân loại khả năng thực hiện hiện tại về chức năng vận động thô và không bao gồm các đánh giá về chất lượng của vận động hoặc tiên lượng cải thiện. Mức GMFCS nên được xác định với sự phối hợp của trẻ và gia đình, chứ không phải chỉ bởi một chuyên gia.
Trang web CanChild cung cấp các mô tả của 5 mức độ GMFCS cho các nhóm tuổi khác nhau: Trước 2 tuổi; Từ 2 đến 4 tuổi; Từ 4 đến 6 tuổi; và từ 6 đến 12 tuổi. GMFCS – E & R (GMFCS Chỉnh sửa và Mở rộng) mô tả phân loại vận động thô trên các độ tuổi sau: 0-2 tuổi; 2-4 tuổi; 4-6 tuổi; 6-12 tuổi; và 12-18 tuổi. GMFCS nhấn mạnh các khái niệm vốn có trong Khung Phân loại Quốc tế về Hoạt động Chức năng, Khuyết tật và Sức khoẻ (ICF) của Tổ chức Y tế Thế giới. Các mô tả cho các nhóm tuổi từ 6 đến 12 tuổi và 12 đến 18 tuổi phản ánh tác động có thể có của các yếu tố môi trường (ví dụ: các khoảng cách ở trường học và cộng đồng) và các yếu tố cá nhân về các phương pháp di chuyển.
Tiến hành
Người lượng giá: Bác sĩ, kỹ thuật viên VLTL, kỹ thuật viên HĐTL, điều dưỡng quen thuộc với chức năng vận động thô của trẻ cùng với một phụ huynh hoặc người chăm sóc.
Cách thực hiện: Nhân viên y tế hỏi các câu hỏi với trẻ, phụ huynh hoặc người chăm sóc về xác định mức độ di chuyển chức năng. Lượng giá được thực hiện thông qua báo cáo của bố mẹ/người chăm sóc và/hoặc quan sát trong buổi hẹn thông thường.
Thời gian: Không áp dụng
Tính sẵn có: Bản GMFCS – ER (2007) có thể được tải miễn phí qua website: CanChild tại địa chỉ
https://www.canchild.ca/en/resources/42-gross-motor-function-classification-system- expanded-revised-gmfcs-e-r
1.2. Thang điểm Di chuyển Chức năng ở trẻ bại não (FMS)
(Graham, Harvey, Rodda, Nattras & Piripis, 2004)
Thang điểm Di chuyển Chức năng (FMS) (phiên bản 2) được xây dựng để phân loại di chuyển chức năng ở trẻ từ 4 đến 18 tuổi, có xét đến các thiết bị hỗ trợ mà trẻ có thể sử dụng qua ba khoảng cách: 5 mét (trong và xung quanh nhà), 50 mét (trong và xung quanh trường học/trường mẫu giáo) và 500 mét (trong cộng đồng). FMS có thể phát hiện sự thay đổi sau can thiệp phẫu thuật.
Tiến hành
Người lượng giá: Bác sĩ, kỹ thuật viên VLTL, kỹ thuật viên HĐTL, điều dưỡng.
Cách thực hiện: Nhân viên y tế hỏi trẻ, phụ huynh hoặc người chăm sóc quen thuộc với sự di chuyển của trẻ (không cần quan sát trực tiếp). Các câu hỏi được đặt ra trong cuộc hẹn thông thường.
Thời gian: Không áp dụng
Tính sẵn có: Các mẫu này có sẵn tại: http://ww2.rch.org.au/emplibrary/ortho/MOBILITYSCALE.pdf
2. Các Phân loại Dáng đi ở trẻ bại não
Các phân loại về các mẫu dáng đi thường gặp ở trẻ bại não liệt nửa người và liệt hai chi dưới đã được xây dựng. Phân loại các mẫu dáng đi có vai trò quan trọng khi cân nhắc các can thiệp bằng thuốc và phẫu thuật nhằm cải thiện dáng đi và chức năng di chuyển.
Tiến hành
Người lượng giá: Các bác sĩ quen thuộc với lượng giá dáng đi qua quan sát, kỹ thuật viên VLTL.
Cách thực hiện: Các mẫu dáng đi được phân loại qua lượng giá dáng đi bằng quan sát kỹ và lượng giá thể chất.
Thời gian: 15-45 phút tùy thuộc vào sự phức tạp của mẫu dáng đi, lượng giá thể chất và kinh nghiệm của người lượng giá.
2.1. Các phân loại về Các mẫu dáng đi ở trẻ bại não: Dáng đi Liệt nửa người
(Winters, Gage & Hicks, 1987)
Phân loại dáng đi liệt nửa người của Winters, Gage và Hicks (1987) mô tả bốn loại mẫu dáng đi dựa trên chuyển động học ở mặt phẳng đứng dọc của xương chậu, háng, gối và cổ chân:
Loại 1 – Bàn chân rủ | Bàn chân rủ trong thì đu của dáng đi, tầm vận động gấp mu cổ chân bình thường trong thì tựa/chống |
Loại 2A – Bàn chân
ngựa Thật sự |
Gấp lòng cổ chân quá mức ở cả thì tựa/chống và thì đu của dáng đi |
Loại 2B – Bàn chân ngựa Thật sự/Ưỡn
gối |
Các sai lệch trên kèm theo hạn chế tầm vận động gấp/duỗi gối trong các thì tựa/chống và thì đu của dáng đi |
Loại 3 – Bàn chân ngựa Thật sự/Nhảy
gối |
Các sai lệch trên kèm theo hạn chế tầm vận động gấp/duỗi khớp háng trong thì tựa/chống và thì đu của dáng đi |
Loại 4 – Bàn chân
ngựa/ Nhảy gối |
Bàn chân ngựa với gối gập, cứng, háng gấp, khép và xoay trong kèm theo nghiêng xương chậu ra trước. |
2.2. Phân loại các mẫu dáng đi: Dáng đi liệt hai chân
(Rodda & Graham, 2001)
Phân loại các mẫu dáng đi thường gặp ở trẻ liệt hai chi dưới thể co cứng đã được xây dựng bởi Rodda & Graham (2001) và Rodda và cộng sự (2004). Các mẫu dáng đi liệt hai chân bao gồm:
Nhóm I – Bàn chân Ngựa Thật | Gấp lòng cổ chân suốt thì tựa với háng và gối duỗi. |
Nhóm II – Dáng đi nhún nhảy | Cổ chân gấp lòng, háng và gối gấp, nghiêng chậu ra trước và tăng độ ưỡn thắt lưng. Thường gối bị cứng do hoạt động của cơ thẳng đùi trong thì đu của dáng đi |
Nhóm III – Bàn chân ngựa tương đối (biểu kiến) |
Đi với đầu các ngón chân, tuy nhiên bàn chân ngựa là tương đối (biểu kiến) chứ không thật sự, khi quan sát chuyển động học ở mặt phẳng đứng dọc cho thấy cổ chân có tầm vận động gấp mu bình thường nhưng háng và gối gấp quá mức suốt thì tựa/chống của dáng đi |
Nhóm IV – Dáng đi
gập (khom) |
Gấp mu cổ chân quá mức kết hợp với gấp gối và háng quá mức. |
Nhóm V – Dáng đi
không đối xứng |
Kết hợp bất kỳ hai mẫu dáng đi kể trên. |
3. Khả năng của tay ở trẻ bại não
3.1. Hệ thống Phân loại Khả năng sử dụng tay (MACS& Mini-MACS)
(Eliasson, Krumlinde Sundholm, Rösblad, Beckung, Arner, Öhrvall & Rosenbaum, 2005)
Hệ thống Phân loại Khả năng Sử dụng tay (MACS) là một phương pháp có hệ thống để phân loại khả năng sử dụng tay khi thao tác các đồ vật trong các hoạt động hàng ngày ở trẻ bại não trong độ tuổi từ 4 đến 18 tuổi. MACS dựa trên khả năng sử dụng tay do trẻ tự khởi phát, đặc biệt chú trọng đến khả năng thao tác các đồ vật trong không gian cá nhân của trẻ (không gian gần ngay cơ thể trẻ), khác với các đồ vật không nằm trong tầm với. Trọng tâm của MACS là xác định mức nào đại diện cho khả năng thực hiện bình thường của trẻ ở nhà, ở trường học và tại cộng đồng. Phân biệt giữa các mức độ dựa trên khả năng thao tác của trẻ, nhu cầu cần trợ giúp của trẻ hoặc các thay đổi thích ứng để thực hiện các công việc bằng tay trong cuộc sống hàng ngày. MACS không nhằm mục đích phân loại năng lực tốt nhất và không hàm ý phân biệt năng lực khác nhau giữa hai tay. MACS không có ý định giải thích các nguyên nhân của những hạn chế khả năng thực hiện hoặc để phân loại các thể bại não.
Mini-MACS là một thay đổi điều chỉnh của MACS để phân loại cho trẻ từ 1-4 tuổi. Mini- MACS phân loại khả năng cầm nắm xử lý các đồ vật phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển của trẻ cũng như nhu cầu nâng đỡ và trợ giúp của chúng trong các tình huống như vậy.
Tiến hành
Người lượng giá: Phụ huynh, người chăm sóc hoặc nhân viên y tế quen thuộc với chức năng sử dụng tay của trẻ.
Cách thực hiện: Mức MACS phải được xác định bằng cách hỏi một người biết rõ về trẻ chứ không phải thông qua một lượng giá cụ thể (Eliasson, và cộng sự, 2005). Thực hiện qua báo cáo của phụ huynh/người chăm sóc và/hoặc quan sát trong buổi hẹn thông thường.
Thời gian: Không áp dụng
Tính sẵn có: Có sẵn một video huấn luyện áp dụng MACS cũng như ‘Sơ đồ nhận dạng mức MACS bổ sung” được sử dụng kèm với MACS. Các mẫu đánh giá có sẵn để tải xuống từ: http://www.macs.nu/
4. Khả năng Giao tiếp ở trẻ bại não
4.1. Hệ thống Phân loại Chức năng Giao tiếp ở trẻ bại não (CFCS)
(Hidecker, Paneth, Rosenbaum, Kent, Lillie, Eulenberg, Chester, Johnson, Michalsen, Evatt & Taylor, 2011)
Hệ thống Phân loại Chức năng Giao tiếp (CFCS) phân loại khả năng thực hiện giao tiếp hàng ngày thành một trong năm mức độ mô tả. Phân loại giao tiếp dựa trên khả năng thực hiện của trẻ với vai trò là người gửi và người nhận một thông điệp giao tiếp, nhịp độ giao tiếp và sự thân quen của đối tác giao tiếp với trẻ. Tất cả các phương pháp giao tiếp được xem xét bao gồm lời nói, các cử chỉ, các hành vi, ánh mắt, nét mặt và các hệ thống giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC). Đánh giá hiệu quả của giao tiếp dựa trên kỹ năng hiện tại của trẻ trong các tình huống giao tiếp hàng ngày chứ không phải khả năng học kỹ năng mới.
Mức 1 | Trẻ giao tiếp hiệu quả với người lạ và người quen |
Mức 2 | Trẻ giao tiếp hiệu quả, nhịp độ chậm với người lạ và người quen |
Mức 3 | Trẻ chỉ giao tiếp hiệu quả với người quen |
Mức 4 | Trẻ chỉ thỉnh thoảng giao tiếp hiệu quả với người quen |
Mức 5 | Trẻ hiếm khi giao tiếp hiệu quả kể cả với người quen |
Tiến hành
Người lượng giá: Phụ huynh, người chăm sóc hoặc nhân viên y tế quen thuộc với khả năng giao tiếp của trẻ.
Các thực hiện: Được hoàn thành hoặc qua báo cáo của phụ huynh/người chăm sóc và/hoặc quan sát trong buổi hẹn thông thường
Thời gian: Không áp dụng
Tính sẵn có: Có thể truy cập tại: http://www.therapybc.ca/eLibrary/docs/Resources/CFCS_2008_11_03.pdf
5. Khả năng Ăn uống ở trẻ bại não
5.1. Hệ thống Phân loại Khả năng Ăn Uống ở trẻ bại não (EDACS)
(Sellers, Mandy, Pennington, Hankins & Morris, 2014)
Hệ thống Phân loại Khả năng Ăn Uống (EDACS) là một hệ thống phân loại khả năng ăn và uống của trẻ bại não từ 3 tuổi trở lên. Phân loại này bổ túc cho GMFCS, MACS và CFCS và có mục đích sử dụng được trên lâm sàng lẫn trong nghiên cứu. EDACS tập trung vào các khía cạnh của ăn uống như nhai, nuốt, mút, cắn và giữ thức ăn và chất lỏng trong miệng. Phân biệt giữa năm mức dựa vào khả năng về chức năng, yêu cầu phải thay đổi thích ứng trong kết cấu thức ăn, các kỹ thuật được sử dụng và sự hỗ trợ cần thiết.
Mức I | Ăn và uống an toàn và hiệu quả |
Mức II | Ăn và uống an toàn nhưng có một số hạn chế về tính hiệu quả |
Mức III | Ăn và uống có một số hạn chế về tính an toàn; có thể hạn chế về tính hiệu quả |
Mức IV | Ăn và uống có hạn chế đáng kể về tính an toàn |
Mức V | Không thể ăn hoặc uống an toàn – có thể cân nhắc dinh dưỡng qua ống thông |
Có thể sử dụng một phân loại mức độ trợ giúp đòi hỏi trong bữa ăn để bổ sung cho EDACS. Các mức độ bao gồm: Độc lập (Ind), Đòi hỏi trợ giúp (RA) hoặc phụ thuộc hoàn toàn (TD). Phân loại này lượng giá mức độ thực hiện bình thường thay vì khả năng hoạt động tốt nhất.
Tiến hành
Người lượng giá: Phụ huynh, người chăm sóc hoặc nhân viên y tế quen thuộc với khả năng ăn và uống của trẻ.
Các thực hiện: Được hoàn thành hoặc qua báo cáo của phụ huynh/người chăm sóc và/hoặc quan sát
Thời gian: Không áp dụng
Tính sẵn có: Có thể truy cập tại: www.EDACS.org
Các khuyến cáo:
Các hệ thống phân loại dành cho trẻ bại não cần được thông qua để sử dụng ở Việt Nam.
Leave a Reply