Thang điểm Mayo trong đánh giá viêm đại loét đại tràng

Viêm loét đại tràng là một trong hai đại diện của nhóm bệnh lý ruột viêm. Bệnh lý này có thể cho hình ảnh khởi phát lâm sàng rất đa dạng. Chiến lược điều trị và tiên lượng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào mức độ trầm trọng của bệnh lý. Thang điểm Mayo là một công cụ dùng để đánh giá mức độ viêm loét đại tràng thường được sử dụng

1. Định nghĩa và đặc điểm lâm sàng của bệnh lý viêm loét đại tràng

Bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease – IBD) là nhóm bệnh lý viêm mạn tính của đường tiêu hóa, có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Bệnh ruột viêm gồm có hai loại chính là bệnh Crohn (Crohn’s disease) và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis – UC). UC  là tình trạng viêm mạn tính đặc trưng bởi các đợt viêm tái diễn và tự thoái lui được giới hạn ở lớp niêm mạc đại tràng.

Khởi phát chủ yếu của UC thường là các triệu chứng phản ánh sự viêm của vùng đại – trực tràng. Các triệu chứng hay gặp ở các bệnh nhân mắc UC gồm: chảy máu trực tràng, tiêu chảy, tiêu phân nhầy, gấp đi tiêu và đau bụng, đặc biệt là đau quặn vùng bụng dưới. Hình thái lâm sàng cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của sang thương viêm loét. Ở các bệnh nhân bệnh ở dạng viêm trực tràng, các triệu chứng chủ đạo là đi tiêu gấp, đau quặn bụng dưới, đi phân nhầy máu. Còn các bệnh nhân có mức độ bệnh lan rộng hơn có thể có tiêu chảy, sụt cân, sốt nhẹ, thiếu máu. Sự xuất hiện và mức độ của các dấu hiệu này đóng vai trò quan trọng trong đánh giá mức độ của bệnh lý UC.

Chẩn đoán bệnh lý viêm loét đại tràng nói riêng và nhóm bệnh ruột viêm nói chung thường phải phối hợp nhiều yếu tố. Bắt đầu từ ghi nhận những dấu hiệu trên lâm sàng, các yếu tố nguy cơ gợi ý nhóm bệnh này. Chẩn đoán được ủng hộ bởi những dấu hiệu bệnh học quan sát bằng nội soi đại trực tràng và xác định bởi những bằng chứng về mô bệnh học.

2. Đánh giá mức độ bệnh lý viêm loét đại tràng bằng thang điểm Mayo

Mức độ nặng của bệnh lý viêm loét đại tràng là yếu tố chủ yếu, trực tiếp quyết định chiến lược điều trị, tiên lượng của bệnh nhân và sự cần thiết của các can thiệp dự phòng. Nếu bệnh nhân có mức độ bệnh nặng, các biện pháp điều trị sẽ được áp dụng sớm và tích cực hơn, giúp giảm thiểu các biến chứng và tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Nếu bệnh nhân có mức độ bệnh nhẹ, các biện pháp dự phòng có thể được áp dụng để ngăn ngừa sự phát triển và tiến triển của bệnh.

Các công cụ để đánh giá mức độ bệnh UC có thể kể đến như hệ thống phân độ của Truelove and Witts và thang điểm Mayo. Thang điểm Mayo thường dùng để đánh giá mức độ bệnh sử dụng trong thiết kế chế độ và theo dõi hiệu quả của điều trị.

2.1 Cách tính điểm Mayo

Thang điểm Mayo được sử dụng để đánh giá khi bệnh nhân đã được chẩn đoán UC. Đây cũng là thang điểm thường được dùng nhất trong các nghiên cứu, thử nghiệm và thực hành lâm sàng, kể từ khi ra mắt lần đầu năm 1987. Thang điểm Mayo gồm 4 tiêu chí chính: số lần đi tiêu trong ngày nhiều hơn so với trước, mức độ chảy máu trực tràng, hình ảnh niêm mạc trên nội soi và đánh giá tổng quan của bác sĩ về bệnh trạng của bệnh nhân. Thang điểm này được lượng giá cụ thể như sau:

  • Tần suất đi tiêu:
    • 0 điểm: bình thường
    • 1 điểm: 1-2 lần so với bình thường
    • 2 điểm: 3-4 lần so với bình thường
    • 3 điểm: trên 4 lần so với bình thường
  • Chảy máu trực tràng:
    • 0 điểm: không có
    • 1 điểm: thấy có máu dưới 50% số lần đi tiêu
    • 2 điểm: thấy có máu từ 50% số lần đi tiêu trở lên
    • 3 điểm: phân toàn máu
  • Hình ảnh niêm mạc trên nội soi:
    • 0 điểm: bình thường
    • 1 điểm: mức độ nhẹ (đỏ, giảm mạch máu, dễ tổn thương)
    • 2 điểm: mức độ trung bình (đỏ đáng kể, mất hình ảnh mạch máu, rất dễ chảy máu, có những vết trợt)
    • 3 điểm: mức độ nặng (tự chảy máu, có các vết loét)
  • Đánh giá của bác sĩ về bệnh trạng của bệnh nhân:
    • 0 điểm: bình thường
    • 1 điểm: bệnh nhẹ
    • 2 điểm: bệnh trung bình
    • 3 điểm: bệnh nặng

Đánh giá chung của bác sĩ về bệnh trạng của bệnh nhân được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, gồm: các dấu hiệu/triệu chứng khác như đau bụng, tiêu gấp; đánh giá lâm sàng tổng trạng bệnh nhân (sốt, các dấu hiệu ngoài hệ tiêu hóa và tim nhanh) và đánh giá của bản thân bệnh nhân về ảnh hưởng của bệnh lý.

Minh-hoa-hinh-anh-ton-thuong-viem-viem-loet-dai-trang
Tổn thương viêm loét đại tràng qua nội soi

2.2 Phân tích điểm Mayo

  • Nếu được đánh giá đầy đủ, bệnh nhân sẽ có điểm từ 0 đến 12, tương ứng với mức độ bệnh UC của bệnh nhân tại thời điểm đánh giá
  • Bệnh nhân được chẩn đoán mắc UC mức độ nặng nếu điểm Mayo trên 10.
  • Bệnh nhân được cân nhắc là đáp ứng với điều trị nếu như điểm Mayo giảm từ 3 điểm trở lên, giá trị này có thể khác biệt đôi chút phụ thuộc vào thử nghiệm lâm sàng cụ thể.
  • Bệnh được đánh giá là thoái lui nếu như tổng điểm của bệnh nhân dưới 2.
  • Nhiều thử nghiệm lâm sàng chọn điểm 0 và 1 để đánh giá sự hồi phục của niêm mạc đại tràng.

Nếu như không có bằng chứng nội soi, có thể đánh giá mức độ bệnh của bệnh nhân dựa trên 3 tiêu chí còn lại và gọi là điểm Mayo không đầy đủ hoặc Mayo hiệu chỉnh.

Đánh giá mức độ bệnh UC theo thang Truelove và Witts đã được giới thiệu trên các bài viết của chuyên trang VinmecDr.

 

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *