Tổn thương phổi do máy thở thường được quan sát ở bệnh nhân được thở máy vì hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (Acute respiratory distres syndrome – ARDS), nhưng trong những năm gần đây, rõ ràng rằng nó cũng cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân được thở máy vì các lý do khác ngoài ARDS. Do đó, hiểu cơ chế và sớm có các chiến lược để chẩn đoán tổn thương phổi do máy thở có vai trò rất quan trọng trong chiến lược can thiệp thông khí bằng máy hỗ trợ.
Tổn thương phổi do máy thở (ventilator-induced lung injury – VILI) là một tác động không mong muốn có thể có của thông khí nhân tạo. Thông khí nhân tạo áp lực dương tạo ra một mức áp suất lớn hơn áp suất khí quyển và đẩy khí vào phổi. Điều này gây nên những áp lực không sinh lý lên hệ hô hấp có thể làm hư hỏng cấu trúc của phổi, đặc biệt là ở những lá phổi bệnh lý. VILI có thể gây ra thêm tổn thương cho mô phổi và làm tình trạng của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến tử vong.
1. Biểu hiện lâm sàng của tổn thương phổi do máy thở
Tổn thương phổi do máy thở và hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển có các triệu chứng rất giống nhau. Trong cả hai trường hợp, bệnh nhân thường có triệu chứng giảm oxy máu, thở nhanh và nhịp tim nhanh hơn. Điểm khác biệt chính giữa VILI và ARDS là VILI phát triển trong khi bệnh nhân đang được thở máy, trong khi ARDS có thể phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận diện và điều trị VILI kịp thời để giảm thiểu tối đa nguy cơ tổn thương phổi và cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân nói riêng, sức khỏe bệnh nhân nói chung.
Bối cảnh của VILI thường là bệnh nhân đang thở máy có các triệu chứng hô hấp tiến triển xấu hơn. Biểu hiện có thể là nhu cầu tăng nồng độ oxy trong khí thở vào (FiO2) để duy trì mức oxy máu đảm bảo chức năng của cơ thể, đo lường bằng độ bão hòa khí oxy trong mạch nẩy (SpO2) hay động mạch (SaO2) hoặc áp lực riêng phần của oxy trong động mạch (PaO2). Biểu hiện có thể là tăng nhịp tim không giải thích được bằng các nguyên nhân khác hay tăng nhịp thở ở những bệnh nhân cho phép có các nhịp thở tự phát. Trên phim X-quang ngực, có thể cho thấy sự xuất hiện mới hoặc tăng lên của các vùng mờ mô kẽ hay các vùng phổ. Dấu hiệu của VILI trên chụp cắt lớp vi tính (CT) rất đa dạng, có thể là hình ảnh đông đặc không đồng nhất, xẹp phổi hay tăng thấu quang do sự căng phồng quá mức của phế nang. VILI cũng có thể là nguyên nhân khởi phát gây suy tạng mới xuất hiện trên bệnh nhân thở máy.
2. Chẩn đoán tổn thương phổi trên bệnh nhân thở máy
Tổn thương phổi do máy thở là một chẩn đoán lâm sàng, chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng được đề cập ở trên, cùng với kỹ lượng loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây nặng thêm tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân đang được thông khí nhân tạo áp lực dương. Như vậy, việc tiếp cận này cũng tương tự rất nhiều với tiếp cận một bệnh nhân nghi ngờ ARDS. Các nguyên nhân có thể gây bối cảnh lâm sàng tương tự cần được chú trọng loại trừ là, viêm phổi liên quan đến máy thở (VAP) và phù phổi. Các nguyên nhân hiếm gặp hơn những cũng cần được quan tâm loại trừ gồm nhiễm trùng huyết, hít sặc, tràn khí, tràn dịch màng phổi, auto-PEEP, phản ứng liên quan đến truyền máu, thuyên tắc mỡ, thuyên tắc khí, thuyên tắc nước ối, lệch ống nội khí quản, xẹp thùy phổi hay hội chứng vành cấp. Để chẩn đoán VILI, cần thực hiện đánh giá một cách toàn diện:
- Bệnh nhân nghi ngờ VILI cần được đánh giá lại tình trạng nhiễm trùng, co thắt đường thở, triệu chứng quá tải dịch (phù, tĩnh mạch cổ nổi hay rale ẩm phổi), triệu chứng thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới (sưng đỏ chi dưới), sự thông khí không đồng đều (lồng ngực dãn nở không đều, phế âm ở hai phế trường không cân xứng, gõ vang hay gõ đục một bên phổi).
- Kiểm tra chế độ thông khí và các thông số cài đặt có nguy cơ gây tổn thương phổi cho bệnh nhân hay không. Một số thông số có thể gây tổn thương phổi như thể tích khí lưu thông quá cao (thường vượt mức 6mL trên kg cân nặng ước tính), áp lực đường thở đỉnh và bình nguyên quá cao, xuất hiện auto-PEEP. Đồng thời cũng phải kiểm tra sự thông thoáng của ống thở, hoạt động của các valve thông khí hay ẩm độ của khí thở cung cấp cho bệnh nhân
- Kiểm tra các thuốc đã sử dụng bao gồm các chế phẩm máu đã truyền cho bệnh nhân, cân nhắc các phản ứng do dược phẩm và các phản ứng quá mẩn.
- Đề nghị các cận lâm sàng phù hợp giúp chẩn đoán dựa trên các dữ kiện lâm sàng thu thập được có thể là các test hóa sinh (men tim, men tụy, đông cầm máu, marker nhiễm trùng, D-Dimer…) hay hình ảnh học (X quang ngực hay CT nếu cần thiết) và điện tim.
Khi sử dụng máy thở nhân tạo, các chuyên gia y tế tại Vinmec luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng để áp dụng các kỹ thuật tiến bộ và cung cấp chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo: UpToDate
Leave a Reply