Gan là một cơ quan có tốc độ chuyển hóa rất cao, nên rất nhạy cảm với các tổn thương thiếu máu. Tế bào gan có thể bị thiếu máu bởi nhiều biến cố khác nhau, có thể là một tình trạng làm giảm tưới máu hệ thống như choáng hay ngừng tim; hoặc là những biến cố gây gián đoạn cấp máu cục bộ một hay nhiều nhánh động mạch gan. Tổn thương gan do các biến cố làm gián đoạn cấp máu cục bộ động mạch gan như vậy gọi là nhồi máu gan – có các đặc điểm rất riêng về bệnh học, cũng như là chẩn đoán và điều trị.
1. Nguyên nhân của nhồi máu gan
Mặc dù có cùng cơ chế là tổn thương tế bào do gián đoạn quá trình cung cấp oxy và dưỡng chất cho nhu mô gan, đồng thời gây tích lũy các độc chất có khả năng tổn hại đến tế bào gan. Khi có một bệnh cảnh làm ảnh hưởng đến sự tưới máu của cả lá gan như các tình trạng choáng hay huyết động không ổn định sẽ gây ra tổn thương gan do giảm tưới máu, gọi là viêm gan do giảm tưới máu (ischemic hepatitis). Còn khi xuất hiện biến cố gây gián đoạn cấp máu cục bộ một hay nhiều nhánh động mạch gan làm tổn thương nhu mô gan – được gọi là nhồi máu gan (hepatic infarction). Bệnh lý này có các điểm khác biệt về nguyên nhân cũng như chẩn đoán về điều trị so với viêm gan do giảm tưới máu.
Các chủ đề mô tả đặc điểm về nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị của bệnh cảnh viêm gan do giảm tưới máu có trên chuyên trang VinmecDr.
Về nguyên nhân, nhồi máu gan tương đối ít gặp hơn các bệnh lý tổn thương gan do thiếu máu khác do nhu mô gan có đến 2 nguồn cấp máu. Một số nguyên nhân có thể gây tổn thương nguồn cấp máu của gan như sau:
- Các bệnh cảnh huyết khối động mạch gan do xơ vữa, các bệnh lý tăng đông hay gặp sau ghép gan.
- Thuyên tắc động mạch gan do các bệnh lý ác tính, các hóa chất gây thuyên tắc được dùng trong điều trị một số bệnh hay sau đốt cắt khối u gan
- Tổn thương động mạch gan trong quá trình phẫu thuật điều trị các cơ quan lân cận, thường nhất là trong cắt túi mật nội soi
- Bệnh lý hồng cầu hình liềm, hội chứng kháng phospholipid, phình động mạch gan hay bóc tách động mạch chủ cũng có thể là nguyên nhân gây nhồi máu nhu mô gan.
2. Chẩn đoán
Chẩn đoán nhồi máu gan được nghi ngờ trong bối cảnh xác định được tổn thương gan mới khởi phát và bệnh nhân có các yếu tố nguyên nhân ở trên. Chẩn đoán được ủng hộ bởi các phương tiện hình ảnh học và xác định chỉ khi có bằng chứng về mô bệnh học.
Triệu chứng trên lâm sàng thường chỉ rõ ràng khi tổn thương nặng, nhiều vùng nhu mô gan. Bối cảnh khởi phát gồm những triệu chứng gợi ý tổn thương tế bào gan như vàng da, tăng các aminotransferase của nhu mô gan. Ngoài ra còn có các dấu hiệu không đặc hiệu như sốt, đau bụng thượng vị hay hạ sườn phải, buồn nôn và nôn.
Các phương tiện hình ảnh học có thể cho thấy những dấu hiệu ủng hộ chẩn đoán nhồi máu gan. Trên siêu âm bụng, có thể quan sát thấy hình ảnh khu vực nhồi máu là những vùng giảm hồi âm, không có tín hiệu Doppler và có những dãy hồi âm bệnh trong. Chụp cắt lớp vi tính có giá trị chẩn đoán tốt hơn, nhạy hơn siêu âm trong việc xác định những vùng tổn thương gan. Tuy nhiên hình chụp cắt lớp vi tính có thể khó thể khó phân biệt vùng gan nhồi máu với các tổn thương abscess hay khối u. Thường cần phải phối hợp nhiều phương pháp hình ảnh học với nhau đê tăng khả năng chẩn đoán. Nhồi máu gan cho hình ảnh không đặc hiệu trên chụp cộng hưởng từ. Siêu âm có Doppler có thể để khảo sát động mạch gan.
Việc chẩn đoán xác định chắc chắn cần bằng chứng từ khảo sát được xem như tiêu chuẩn vàng là sinh thiết gan. Gan sẽ được sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm. Hình ảnh mô bệnh học của tổn thương dạng nhồi máu là vùng gan hoại tử trung tâm hoàn toàn với vùng phản ứng viêm và nhồi máu không hoàn toàn xung quanh.
3. Điều trị
Thông thường, nếu như không phải do nguyên nhân nhiễm trùng thì nhồi máu gan không đòi hỏi điều trị đặc hiệu. Điều trị của nhồi máu gan nhắm vào giải quyết các yếu tố nguyên nhân và hạn chế các yếu tố nguy cơ. Lưu ý các nguyên nhân có thể đưa đến những kết cục nghiêm trọng như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hay các khối ác tính cần được lưu tâm tìm kiếm và loại trừ.
Một số bệnh nhân nhồi máu gan do các bệnh lý tăng đông có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp chống đông. Việc khởi động các liệu pháp chống đông cần cân nhắc giữa nguy cơ huyết khối tiếp diễn và nguy cơ chảy máu của bệnh nhân một cách kỹ lưỡng.
Quản lý sang thương nhồi máu trên gan chủ yếu là theo dõi. Phương tiện theo dõi thường dùng là chụp cắt lớp vi tính. Sang thương có thể phục hồi vài tuần sau nhồi máu, có thể để lại sẹo, vôi hóa hay thiểu dưỡng thùy gan bị tổn thương nếu nhồi máu không tiếp tục lan rộng.
Hậu quả nặng nề nhất của nhồi máu gan là trên những bệnh nhân ghép gan. Nhồi máu gan cho thấy nguy cơ phải ghép gan trở lại để kéo dài sự sống.
Leave a Reply