Tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Theophylin

Carbamazepin và Theophylin là hai loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, tương tác giữa hai loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Các chuyên gia y tế cần hết sức cẩn trọng khi kê đơn hai loại thuốc này cùng một lúc và nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để tránh các tác dụng không mong muốn.

1. Thông tin chung về thuốc Carbamazepin

1.1 Cơ chế tác dụng

  • Tác dụng dược lý của Carbamazepin tương tự như tác dụng của các chất chống co giật thuộc nhóm dẫn chất Hydantoin. Tác dụng chống co giật của Carbamazepin như Phenytoin, chủ yếu liên quan đến việc hạn chế dẫn truyền qua synap bằng cách làm giảm điện thế màng tế bào. Carbamazepin làm giảm đau dây thần kinh tam thoa do làm giảm dẫn truyền qua synap trong nhân tam thoa. Thuốc cũng được chứng minh là có tác dụng an thần, kháng Cholinergic, chống trầm cảm, giãn cơ, chống loạn nhịp tim, kháng bài niệu và ức chế dẫn truyền thần kinh – cơ. Carbamazepin chỉ có tác dụng giảm đau nhẹ.
Carbamazepin
Carbamazepin

1.2 Chỉ định

Bệnh động kinh:

  • Động kinh cục bộ có triệu chứng phức hợp (động kinh tâm thần vận động, động kinh thùy thái dương). 
  • Động kinh cơn lớn (co cứng – co giật toàn bộ).
  • Các kiểu động kinh phức hợp gồm các loại trên hoặc các loại động kinh cục bộ hoặc toàn bộ khác.

Đau dây thần kinh tam thoa: 

  • Giảm đau trong bệnh đau dây thần kinh tam thoa
  • Giảm đau dây thần kinh lưỡi – hầu.

Bệnh hưng – trầm cảm (rối loạn lưỡng cực): 

  • Dự phòng bệnh hưng – trầm cảm ở các người bệnh không đáp ứng với Lithium

1.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Chóng mặt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất điều phối, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, kích ứng trực tràng nếu dùng đạn trực tràng,…

Ít gặp: Tiêu chảy, táo bón, run, mất thăng bằng, loạn trương lực cơ, rung giật cơ, run giật nhãn cầu,…

Hiếm gặp: Nói khó, rối loạn vận nhãn, viêm thần kinh ngoại vi, viêm màng não vô khuẩn, yếu cơ, liệt nhẹ, thay đổi vị giác, viêm lưỡi, viêm miệng, đau bụng, viêm tụy, block nhĩ – thất và nhịp tim chậm, các tai biến huyết khối tắc mạch, suy tim sung huyết, suy tuần hoàn, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch và làm nặng thêm chứng thiếu máu cục bộ mạch vành, viêm tĩnh mạch huyết khối, huyết khối – nghẽn mạch,…

2. Thông tin chung về thuốc Theophylin

2.1 Cơ chế tác dụng

  • Các cơ chế tác dụng dược lý của Theophylin được đề xuất bao gồm (1) ức chế phosphodiesterase, do đó làm tăng AMP vòng nội bào, (2) tác dụng trực tiếp trên nồng độ Calci nội bào, (3) tác dụng gián tiếp trên nồng độ Calci nội bào thông qua tăng phân cực màng tế bào, (4) đối kháng thụ thể adenosin, đối kháng prostaglandin. Theophylin được dùng như là một thuốc giãn phế quản trong xử trí tắc nghẽn đường thở hồi phục được, như hen phế quản. Nhìn chung thuốc chủ vận beta-2 như Salbutamol là thuốc lựa chọn hàng đầu trong giãn phế quản, Theophylin thường được dùng hỗ trợ cùng thuốc chủ vận beta-2 và Corticosteroid ở người bệnh cần thêm tác dụng giãn phế quản. Sự kết hợp này có thể làm tăng một số tác dụng không mong muốn như hạ Kali huyết. Một vài bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng đáp ứng tốt với Theophylin.
Theophylin
Theophylin

2.2 Chỉ định

Điều trị triệu chứng và tắc nghẽn đường thở còn hồi phục do hen mãn tính hoặc do các bệnh phổi mạn tính khác:

  • Theo Hướng dẫn điều trị hen toàn cầu (The Global initiative for Asthma Guidelines, 2009), không khuyến cáo dùng Theophylin uống làm thuốc điều trị lâu dài bệnh hen phế quản ở trẻ em ≤ 5 tuổi; đã được sử dụng có hiệu quả khi thêm vào (nhưng không được ưa chuộng) cho trẻ lớn hơn hoặc người lớn khi điều trị hen phế quản nặng cùng với thuốc hít hoặc uống Glucocorticoid. Không khuyến cáo dùng Theophylin điều trị hen tiến triển (đợt hen nặng).
  • Có ít chứng cứ cho thấy Theophylin (Aminophylin) tiêm tĩnh mạch có thể có tác dụng khi dùng thêm ở trẻ em nằm trong phòng điều trị tăng cường vì đợt hen nặng không kiểm soát được bằng các thuốc chủ vận beta-2 hít và tiêm tĩnh mạch, Ipratropium bromid và Corticosteroid tiêm tĩnh mạch; tuy vậy, hiệu quả này chưa được xác định ở người lớn. Điều trị này không được khuyến cáo.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD):

  • Theophylin (chế phẩm uống tác dụng kéo dài) có thể thêm hoặc thay thế liệu pháp các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (như Tiotropium, hoặc chất chủ vận chọn lọc beta-2 hít) ở người bệnh bị COPD nặng cần điều trị thêm vì đáp ứng không thỏa đáng hoặc do có tác dụng phụ.
  • Vai trò của Theophylin ở người bệnh bị các đợt nặng lên của COPD còn tranh cãi. Một số chuyên gia y tế lâm sàng cho là không có lợi, có khi còn có tác dụng xấu.
  • Liều cao chế phẩm Theophylin giải phóng chậm tuy đã được chứng minh có tác dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng không phải là thuốc được ưa dùng vì có tiềm năng độc tính.

2.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Nhịp tim nhanh, tình trạng kích động, bồn chồn, buồn nôn, nôn.

Ít gặp: Mất ngủ, kích thích, động kinh, ban da, kích ứng dạ dày, run, phản ứng dị ứng

3. Tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Theophylin

3.1 Cơ chế

Có 3 cơ chế tương tác thuốc xảy ra giữa hoạt chất Carbamazepin và Theophylin:

  • Carbamazepin sẽ làm giảm mức độ hoặc tác dụng của Theophylin bằng cách ảnh hưởng đến chuyển hóa enzym CYP3A4 ở gan/ruột. (1)
  • Theophylin làm giảm nồng độ Carbamazepin bằng cách tăng chuyển hóa. (2)
  • Carbamazepin sẽ làm giảm mức độ hoặc tác dụng của Theophylin bằng cách ảnh hưởng đến chuyển hóa enzym CYP1A2 ở gan. (3)

3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Carbamazepin và Theophylin cùng nhau

Bệnh nhân có thể  gặp các vấn đề về hô hấp ngày càng trầm trọng

3.3 Biện pháp xử lý

Tránh kết hợp 2 loại thuốc này hoặc sử dụng thuốc thay thế.

Trong trường hợp nếu lợi ích được coi là lớn hơn rủi ro bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ các bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm về tác dụng thay đổi đối với cả hai thuốc.

3.4 Mức độ tương tác thuốc từ nhiều nguồn khác nhau

Drugs bank: Vừa phải

Medscape:

  • (1), (2): Nghiêm trọng
  • (3): Vừa phải

WebMD: 

  • (1), (2): Nghiêm trọng
  • (3): Vừa phải

4. Kết luận

Tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Theophylin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, các chuyên gia y tế cần hết sức cẩn trọng khi kê đơn hai loại thuốc này cùng một lúc và nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để tránh các tác dụng không mong muốn. Nếu cần thiết, các giải pháp thay thế khác có thể được xem xét để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân. 

Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Medscape.com


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *