Bệnh ruột viêm: Định nghĩa và Dịch tễ

Các bệnh ruột viêm là nhóm bệnh lý viêm mạn tính ảnh hưởng lên đường tiêu hóa. Bệnh ruột viêm có hai dạng chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Nhóm bệnh này có cơ chế bệnh sinh tương đối phức tạp, biểu hiện lâm sàng cũng rất đa dạng.

1. Định nghĩa và phân loại

Bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease – IBD) là nhóm bệnh lý viêm mạn tính của đường tiêu hóa, có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp và chồng lấp. Nguyên nhân chính xác của nhóm bệnh này vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng, nhưng các nghiên cứu nhận thấy có sự liên quan đến rối loạn chức năng miễn dịch đường ruột do sự thay đổi hệ khuẩn trong ruột gây ra bởi các yếu tố môi trường. Ngoài ra còn có vai trò của các yếu tố về di truyền cũng góp phần  cho sự nhạy cảm đối với các rối loạn hệ khuẩn ruột, từ đó hình thành nên bệnh lý ruột viêm. Điều trị các bệnh lý ruột viêm chủ yếu hướng đến khống chế quá trình viêm và làm giảm triệu chứng, hiện nay chưa có biện pháp điều trị triệt căn hiệu quả.

Hai-nhom-benh-chinh-cua-benh-ruot-viem
Hai bệnh lý chính của bệnh ruột viêm

Bệnh ruột viêm gồm có hai loại chính là bệnh Crohn (Crohn’s disease) và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis). Hai bệnh lý này mặc dù có các đặc điểm riêng biệt về mô bệnh học và bối cảnh lâm sàng, nhưng cũng có một số đặc điểm lâm sàng chồng lấp và khó phân biệt về dịch tễ. Điều này làm gợi lên các giả thuyết về những điểm chung trong con đường sinh bệnh học của hai bệnh này. Tuy nhiên, điều trị và tiên lượng hai bệnh này nhìn chung là khác biệt.

Viêm loét đại tràng – là tình trạng viêm mạn tính đặc trưng bởi các đợt viêm tái diễn và tự thoái lui được giới hạn ở lớp niêm mạc đại tràng. Viêm loét đại tràng là dạng bệnh ruột viêm thường chỉ ảnh đến đại tràng. Tổn thương viêm loét thường liên tục, hầu như luôn ảnh hưởng trực tràng và có thể cho sang thương liên tục đến các đoạn khác của khung đại tràng. Dựa vào mức độ lan rộng của tổn thương, viêm loét đại tràng có thể được chia thành các mức độ:

  •     Viêm loét trực tràng –  tổn thương chỉ ảnh hưởng đến trực tràng (trong vòng 18cm từ hậu môn, cách xa chỗ nối trực tràng – đại tràng sigma)
  •     Viêm loét đại tràng sigma trực tràng – tổn thương giới hạn ở trực tràng và đại tràng sigma, không ảnh hưởng đến đại tràng xuống.
  •     Viêm đại tràng trái – tổn thương vượt khỏi trực tràng, đại tràng sigma và có thể đến đại tràng góc lách
  •     Viêm đại tràng lan rộng – là khi bệnh vượt qua khỏi đại tràng góc lách

Bệnh Crohn – là bệnh viêm ruột có thể ảnh hưởng mọi vị trí của ống tiêu hóa, từ khoang miệng cho đến lỗ hậu môn. So với viêm loét đại tràng, sang thương của bệnh Crohn thường không liên tục (xen kẽ giữa những đoạn sang thương bệnh lý và các đoạn ruột bình thường), tập trung chủ yếu ở đoạn cuối của ruột non và đoạn đầu đại tràng. Tổn thương ruột trong bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến tất cả các lớp của thành ruột. Vì lý do này mà bệnh Crohn có thể gây các biến chứng như hẹp, rò các đoạn ruột bị ảnh hưởng.

Các bài viết phân tích chi tiết về các bệnh lý này có trên chuyên trang VinmecDr

2. Dịch tễ học các bệnh lý ruột viêm

Các bệnh lý viêm ruột có thể được chẩn đoán ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, độ tuổi chẩn đoán bệnh lý này phổ biến nhất là ở tuổi vị thành niên và những năm đầu độ tuổi trưởng thành. Nhóm bệnh lý này được ghi nhận nhiều ở các nước phương Tây, chính vì vậy có nhiều nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng mô tả đặc điểm của bệnh lý này ở nhóm dân số này. Tình hình mắc bệnh ở các nước phương Tây có xu hướng ổn định. Các dữ kiện mới cũng cho thấy, tần suất chẩn đoán bệnh lý này ngày càng nhiều và có xu hướng trẻ hóa. Lý giải cho xu hướng này là  sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán, quan trọng nhất là nội soi phát triển mạnh mẽ những năm gần đây tạo điều kiện cho các bệnh lý này được chẩn đoán sớm. 

Còn ở châu Phi, châu Á và các nước Latinh, dữ liệu đáng tin cậy về tần suất bệnh và phân bố theo đặc điểm dân số vẫn còn chưa đầy đủ. Trong những năm gần đây, bắt đầu có những dữ liệu ban đầu về đặc điểm dịch tễ của nhóm bệnh này ở các nhóm dân số trên. Các nghiên cứu ở các đối tượng nhập cư từ các nước có tỉ lệ mắc bệnh thấp đến các nước có tỉ lệ mắc bệnh cao cho thấy, có sự tăng tần suất mắc bệnh ở các đối tượng này, điều này cho thấy nhóm bệnh này có liên quan rất nhiều đến môi trường sống. Tại châu Á, châu Phi và các nước châu Mỹ Latin đang ghi nhận tần suất chẩn đoán gia tăng các bệnh lý trong nhóm bệnh ruột viêm. Ví dụ, tại Hàn Quốc tỉ lệ được chẩn đoán bệnh tăng 10% trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2005. Lí giải cho sự tăng tỷ lệ chẩn đoán viêm đại tràng ở các khu vực ngoài các nước phương Tây bao gồm: sự gia tăng nhận thức về bệnh viêm đại tràng, tiến bộ về cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, cải thiện việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, phát triển hệ thống theo dõi tỷ lệ mắc bệnh viêm đại tràng, tăng cơ hội tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ môi trường cho bệnh viêm đại tràng. Bệnh ruột viêm hiện nay đã là một bệnh lý mang tính toàn cầu. 

 

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *