Một số thể lâm sàng định khu của đột quỵ thiếu máu não

Đột quỵ thiếu máu não (Ischemic Stroke) là một loại đột quỵ xảy ra do tắc nghẽn động mạch hoặc giảm dòng chảy máu đến một khu vực của não, gây tổn thương hoặc chết các tế bào não trong khu vực đó. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% trường hợp đột quỵ. Đột quỵ thiếu máu não phân thành một số thể lâm sàng định khu tùy thuộc vào vị trí tổn thương.

Đột quỵ thiếu máu não (Ischemic Stroke) là một loại đột quỵ xảy ra do tắc nghẽn động mạch
Đột quỵ thiếu máu não là một loại đột quỵ xảy ra do tắc nghẽn động mạch

1. Lâm sàng của đột quỵ thiếu máu não

1.1. Khai thác tiền sử và hỏi bệnh

Cần khai thác các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh lý tim mạch, bao gồm:

– Tăng huyết áp

– Đái tháo đường

– Hút thuốc lá, thuốc lào

– Rối loạn lipid máu

– Tiền sử bệnh động mạch vành, bắc cầu chủ vành, rung nhĩ…

Những bệnh nhân trẻ tuổi hơn cần khai thác thêm:

– Tiền sử chấn thương

– Các bệnh về đông máu

– Dùng chất kích thích (đặc biệt là cocaine)

– Đau đầu migraine

– Uống thuốc tránh thai

Cần nghĩ tới đột quỵ khi bệnh nhân có dấu hiệu thần kinh (khu trú hoặc lan tỏa) hoặc rối loạn ý thức đột ngột. Không có sự khác biệt rõ ràng giữa đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não) và đột quỵ xuất huyết não (xuất huyết não) mặc dù các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau đầu, đột ngột thay đổi ý thức gặp nhiều hơn trong xuất huyết não.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu não thường xuất hiện đột ngột:

– Liệt nửa người hoặc liệt 1 phần cơ thể

– Mất hoặc giảm cảm giác một bên cơ thể

– Mất thị lực một hoặc hai mắt

– Mất hoặc giảm thị trường

– Nhìn đôi (song thị).

– Giảm hoặc không vận động được khớp xương

– Liệt mặt

– Thất điều

– Chóng mặt (hiếm khi xuất hiện đơn lẻ).

– Thất ngôn

– Rối loạn ý thức đột ngột

Các triệu chứng trên có thể đơn độc hoặc phối hợp. Người thầy thuốc cần xác định thời điểm cuối cùng bệnh nhân còn bình thường để xem xét chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Có thể có nhiều yếu tố trì hoãn thời gian người bệnh đến cơ sở y tế như đột quỵ trong khi ngủ, không phát hiện ra cho đến khi tỉnh dậy; đột quỵ nhưng bệnh nhân không thể gọi sự giúp đỡ và đôi khi, bệnh nhân hoặc người chăm sóc không nhận biết được dấu hiệu đột quỵ…

1.2. Khám lâm sàng

1.2.1. Khám toàn thân và tim mạch

Mục tiêu:

– Xác nhận các triệu chứng và dấu hiệu đột quỵ (suy giảm chức năng thần kinh) trên người bệnh.

– Phân biệt đột quỵ não với những bệnh có triệu chứng giống đột quỵ.

– Đánh giá tiến triển của đột quỵ và tình trạng người bệnh.

Khám lâm sàng cần chú ý đặc biệt đến các dấu hiệu chấn thương, tình trạng nhiễm trùng vùng đầu – cổ, dấu hiệu kích thích màng não. Các dấu hiệu và triệu chứng sau gợi ý nguyên nhân tim mạch:

– Bệnh lý đáy mắt: bệnh võng mạc, tắc mạch, xuất huyết.

– Tim: loạn nhịp hoàn toàn, tiếng thổi bất thường, tiếng ngựa phi.

– Mạch máu ngoại biên: tiếng thổi hoặc rung miu động mạch cảnh, mạch quay hoặc mạch đùi bắt yếu.

– Khám toàn thân:

○ Kiểm tra đường thở, nhịp thở và tuần hoàn, các dấu hiệu sinh tồn. Chú ý bảo vệ đường thở những bệnh nhân bị rối loạn ý và phản xạ ho, nuốt.

○ Huyết áp: huyết áp có thể tăng cao sau đột quỵ và phần lớn huyết áp sẽ giảm dần về mức nền.

○ Đầu, mặt, cổ: kiểm tra để phát hiện chấn thương.

1.2.2. Khám thần kinh

Thầy thuốc phải đánh giá nhanh nhưng cần chính xác bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ để xem xét điều trị tiêu sợi huyết hoặc hút huyết khối. Mục đích khám thần kinh nhằm:

– Một lần nữa xác định triệu chứng đột quỵ.

– Đánh giá mức độ thiếu hụt thần kinh và theo dõi tiến triển theo thang điểm NIHSS [2].

– Tiên lượng bệnh nhân và lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất

Các dấu hiệu cần đánh giá gồm:

– Các dây thần kinh sọ.

– Chức năng vận động, cảm giác.

– Chức năng tiểu não.

– Dáng đi.

– Ngôn ngữ: khả năng đáp ứng và nhận thức.

– Ý thức.

Ngoài ra cần đánh giá sọ não và cột sống, tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

Thang điểm NIHSS (National Institutes of Health Stroke Scale) là một công cụ hữu ích lượng giá mức độ suy giảm chức năng thần kinh, gồm 6 yếu tố chính sau đây [2]:

– Mức độ ý thức.

– Thị lực, thị trường.

– Chức năng vận động.

– Cảm giác và mức độ chú ý.

– Chức năng tiểu não.

– Ngôn ngữ.

Tổng điểm NIHSS là 42 điểm. Bệnh nhân đột quỵ nhẹ có điểm NIHSS < 5 điểm và nặng là trên 24 điểm.

2. Một số thể lâm sàng định khu

2.1. Nhồi máu não động mạch não giữa

Tắc động mạch não giữa thường gây ra các triệu chứng và dấu hiệu sau:

– Liệt nửa người đối bên.

– Tê bì nửa người đối bên.

– Bán manh cùng bên.

– Nhìn về phía tổn thương.

– Mất nhận thức.

– Thất ngôn, nếu tổn thương ở bên bán cầu ưu thế.

– Thờ ơ, giảm chú ý, thất điều gặp trong một số tổn thương ở bán cầu không ưu thế.

Động mạch não giữa cấp máu cho vùng kiểm soát vận động chi trên. Do đó, mức độ liệt mặt và tay thường nặng hơn liệt chi dưới.

2.2. Nhồi máu não động mạch não trước

Tắc động mạch não trước ảnh hưởng đến chức năng thùy trán. Các triệu chứng gồm:

– Mất ức chế và mất kiểm soát lời nói,

– Phản xạ nguyên phát (ví dụ: phản xạ nắm tay, phản xạ mút),

– Thay đổi tâm lý,

– Suy giảm khả năng tư duy,

– Liệt đối bên (liệt chi dưới nặng hơn chi trên),

– Thiếu hụt cảm giác vỏ não đối bên,

– Dáng đi bất thường,

– Tiểu tiện không tự chủ.

2.3. Nhồi máu não động mạch não sau

Tắc động mạch não sau ảnh hưởng đến thị giác và khả năng suy nghĩ. Biểu hiện lâm sàng:

– Bán manh đối bên,

– Mù vỏ não,

– Mất nhận thức thị giác,

– Thay đổi tâm lý,

– Giảm trí nhớ.

Tắc động mạch sống nền rất khó để định khu vị trí tổn thương do các triệu chứng lan tỏa như liệt các dây thần kinh sọ não, rối loạn chức năng tiểu não, các nhân xám và có thể triệu chứng không rõ ràng. Các dấu hiệu gợi ý bao gồm:

– Chóng mặt,

– Rung giật nhãn cầu,

– Nhìn đôi,

– Mất thị trường,

– Nuốt khó,

– Khó vận động khớp,

– Tê bì vùng mặt,

– Ngất,

– Thất điều.

Một dấu hiệu quan trọng của đột quỵ tuần hoàn não sau là liệt dây thần kinh sọ cùng bên kèm liệt vận động đối bên. Trong khi đó, đột quỵ tuần hoàn não trước gây ra các triệu chứng liệt cùng bên.

2.4. Nhồi máu ổ khuyết

Đột quỵ ổ khuyết do tắc các động mạch nhỏ, động mạch xuyên ở vùng dưới vỏ. Kích thước ổ nhồi máu thường từ 2-20 mm. Các hội chứng nhồi máu ổ khuyết phổ biến nhất gồm:

– Liệt vận động hoặc cảm giác đơn thuần, thất điều đối bên.

– Ít ảnh hưởng đến nhận thức, trí nhớ, lời nói, ý thức.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *