Các phương pháp làm giảm nguy cơ ung thư vú

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là ung thư vú ở phụ nữ. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc căn bệnh này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về một số phương pháp giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú, từ đó các nhà lâm sàng có thể chọn lựa các phương pháp thích hợp để tư vấn cho bệnh nhân

anh-minh-hoa-ung-thu-vu
Ảnh minh họa ung thư vú

1. Thay đổi lối sống

Một số yếu tố về lối sống có ảnh hướng đến nguy cơ mắc ung thư vú. Cùng điểm qua một số yếu tố sau:

  • Hoạt động thể chất thường xuyên từ 30 đến 60 phút mỗi ngày với cường độ từ trung bình đến cao làm giảm nguy cơ ung thư vú.
  • Chế độ ăn uống giàu trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc nguyên hạt và các loại protein không béo cũng đã được chứng minh có lợi ích làm giảm nguy cơ ung thư vú.
  • Rượu và thuốc lá có liên quan đến tăng tỷ lệ ung thư vú. Nên hạn chế rượu và thuốc lá để giảm nguy cơ dẫn đến ung thư vú nói riêng, và các bệnh về hệ tiêu hóa, hô hấp, nội tiết,… nói chung.

2. Các yếu tố nội tiết và sinh sản

Kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn đã được chứng minh có mối liên quan với tăng nguy cơ ung thư vú, cũng như không mang thai đủ tháng hay mang thai lần đầu sau tuổi 35.

Phụ nữ nên tránh sử dụng thuốc tránh thai đường uống hoặc liệu pháp thay thế hormone sau khi mãn kinh để giảm nguy cơ ung thư vú.

Mặt khác, cho con bú sữa mẹ cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú cho mẹ và đem lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

3. Phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư vú

Khi có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2,  làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú, có thể xem xét phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng. Điều này làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú ít nhất 90% đến 95%. Những người có các đột biến gen này cũng nên xem xét việc loại bỏ dự phòng buồng trứng và ống dẫn trứng (salpingo-oophorectomy). Phẫu thuật này có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng, và có thể là ung thư vú, bằng cách ngăn buồng trứng sản xuất estrogen. Khi xem xét có các phương pháp này, các bác sĩ cần cân nhắc các tác dụng phụ về thể chất là tinh thần của bệnh nhân.

4. Thuốc làm giảm nguy cơ ung thư vú

Khi một người có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn bình thường, bác sĩ có thể cân nhắc cho sử dụng thuốc để giảm nguy cơ ung thư. Cách tiếp cận này được gọi là “chemoprevention”. Một số loại thuốc được dùng để giảm nguy cơ ung thư vú có thể kể đến như:

  • Tamoxifen

Tamoxifen là một loại thuốc thuộc nhóm điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc (SERM), thường được sử dụng như một liệu pháp hormone điều trị ung thư vú cho những người đã mắc bệnh. Tamoxifen ngăn chặn tác dụng của estrogen đối với sự phát triển của khối u.

Tamoxifen có thể là một lựa chọn để giúp giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ung thư vú ER+ cho phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.

Tamoxifen không được khuyến cáo cho những người có tiền sử cục máu đông, đột quỵ hoặc bất động trong một thời gian dài. Nó cũng không được khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.

Các tác dụng phụ của tamoxifen bao gồm bốc hỏa, tiết dịch âm đạo, rối loạn chức năng tình dục, thay đổi tâm trạng và tăng nguy cơ phát triển ung thư tử cung, cục máu đông và đột quỵ.

  • Raloxifene

Raloxifene cũng là một SERM. Nó thường được sử dụng để ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh.

Raloxifene có thể là một lựa chọn cho phụ nữ sau tuổi 35 có nguy cơ ung thư vú cao hơn và sau khi mãn kinh. Raloxifene có thể được sử dụng lâu hơn 5 năm và có thể làm giảm nguy cơ mất xương ngoài việc giảm nguy cơ ung thư vú.

Tuy nhiên, Raloxifene không được khuyến cáo cho những phụ nữ chưa trải qua giai đoạn mãn kinh hoặc những người có tiền sử đông máu, đột quỵ hoặc bất động trong một thời gian dài.

Các tác dụng phụ của raloxifene có thể bao gồm bốc hỏa, chuột rút chân, sưng chân và cánh tay, tăng cân, đột quỵ, cục máu đông, khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục. Phụ nữ dùng raloxifene ít có khả năng phát triển cục máu đông, các vấn đề về tử cung và đục thủy tinh thể hơn những người dùng tamoxifen.

  • Thuốc ức chế aromatase (AIs). 

AI làm giảm lượng estrogen trong cơ thể bằng cách ngăn chặn sản xuất estrogen.

Có 3 AIs có thể là lựa chọn để giảm nguy cơ ung thư vú sau khi mãn kinh là exemestane (Aromasin), anastrozole (Arimidex) và letrozole (Femara).

Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ chấp thuận sử dụng AIs trong điều trị ung thư vú chứ không phải trong dự phòng, tuy nhiên các thử nghiệm lâm sàng lớn và ngẫu nhiên đã chỉ ra rằng những loại thuốc này có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ phát triển ung thư vú.

AIs có thể được sử dụng thay thế cho tamoxifen cho những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao hơn và sau mãn kinh, không được sử dụng để điều trị cho những phụ nữ chưa trải qua thời kỳ mãn kinh và thường không được khuyến cáo cho những người bị loãng xương.

Các tác dụng phụ của AIs có thể bao gồm bốc hỏa, mệt mỏi, khó ngủ, tiêu chảy, đau khớp và cơ, khô âm đạo và mất xương.

5. Sàng lọc và phát hiện sớm

Sàng lọc và phát hiện ung thư vú sớm là rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Cách tốt nhất để sàng lọc ung thư vú là chụp nhũ ảnh (mammography).

Đối với phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình, nên bắt đầu chụp nhũ ảnh sàng lọc ung thư vú mỗi 1-2 năm/lần, kể từ lúc 40 tuổi và không quá 50 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện định kỳ cho đến ít nhất là năm 75 tuổi.

Phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú cũng có thể xem xét các phương pháp sàng lọc bổ sung, chẳng hạn như chụp MRI vú. Các chuyên gia y tế cũng có thể thực hiện kiểm tra vú lâm sàng trong khi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất kỳ u hoặc sự thay đổi nào trong mô vú.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *