COVID-19 và tác động đến bệnh lý tim mạch

COVID-19 (Coronavirus disease 2019) đang là đại dịch toàn cầu do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh xác định được khởi đầu từ khu chợ Hoa Nam bán và giết mổ nhiều loại động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

1.Giới thiệu chung

COVID-19 (Coronavirus disease 2019) đang là đại dịch toàn cầu do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh xác định được khởi đầu từ khu chợ Hoa Nam bán và giết mổ nhiều loại động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau đó bệnh lây lan nhanh chóng sang các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi đến các nước khác ở châu Á cũng như các châu lục khác.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp của bệnh bao gồm các triệu chứng của viêm đường hô hấp như sốt, ho, đau họng. Một số bệnh nhân sau đó xuất hiện khó thở rồi tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và có tiên lượng rất nặng. Nhiều nghiên cứu chứng minh người có bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành… là những đối tượng dễ mắc bệnh COVID-19. Mặt khác họ cũng là những đối tượng nguy cơ có các kết cục lâm sàng xấu hơn.

Covid-19 và bệnh lý tim mạch

                                                                                    COVID-19 và bệnh lý tim mạch

2. Biểu hiện tim mạch ở bệnh nhân covid-19

Hầu hết bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp như sốt trước khi nhập viện (43,8%), sốt trong quá trình nằm viện (88,7%), ho (67,8%), có đờm (33,7%), khó thở (18,7%). Các biểu hiện ít gặp hơn gồm có sung huyết mũi (4,8%), ho ra máu (0,9%), tiêu chảy (3,8%), nôn và buồn nôn (5,0%). Tuy vậy, nhiều nghiên cứu cũng đưa ra các số liệu cho thấy tim mạch là một vấn đề cần quan tâm ở bệnh nhân
COVID-19.
Tiến triển của bệnh nhân COVID-19 có thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn nhiễm trùng sớm, giai đoạn phổi và giai đoạn tăng đáp ứng viêm.Giai đoạn nhiễm trùng sớm được đặc trưng bởi sự xâm nhập và nhân lên của virus
SARS-CoV-2, giai đoạn này thường kéo dài 5 ngày. Giai đoạn phổi được đặc trưng bởi các thương tổn ở hệ hô hấp với biểu hiện lâm sàng và các bất thường trên phim chụp ngực. Giai đoạn tăng đáp ứng viêm với sự tăng cao của các chỉ điểm sinh học viêm và tổn thương thứ phát các cơ quan trong cơ thể trong đó khá hay gặp là các biểu hiện ở hệ tim mạch.

2.1. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch


Những bệnh nhân COVID-19 có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch chiếm số lượng khá đông trong các nghiên cứu. Thống kê cho thấy tiền sử bệnh lý tim mạch gặp từ 4,0 – 14,5%; tăng huyết áp gặp từ 14,6 – 38,6%; bệnh động mạch vành gặp từ 2,5 – 7,9% và bệnh mạch não gặp từ 1,4 – 8,0% bệnh nhân COVID-19.

2.2. Tổn thương tim cấp tính


Chưa có nghiên cứu nào đánh giá tổn thương tim bằng sinh thiết cơ tim, chụp MRI tim hoặc siêu âm đánh dấu mô cơ tim. Các tổn thương tim trên lâm sàng quan sát được thông qua các xét nghiệm men tim như troponin hoặc CK-MB.Nghiên cứu của Huang và cộng sự cho thấy có 12% bệnh nhân COVID-19 có tổn thương tim dựa vào sự gia tăng giá trị của troponin I, một điểm đặc biệt là hầu hết các bệnh nhân có tổn thương tim này phải nằm tại các khoa Hồi sức tích cực với tình trạng lâm sàng nặng và kết cục lâm sàng xấu hơn so với nhóm không có tổn thương tim.
Một nghiên cứu khác đánh giá tổn thương cơ tim thông qua troponin I siêu nhạy và CKMB cho thấy có 7,2% bệnh nhân COVID-19 có tổn thương tim. Nhóm bệnh nhân nằm ở khoa Hồi sức tích cực có tỷ lệ tổn thương cơ tim cao hơn (22,22%) so với nhóm bệnh nhân không phải nằm tại các khoa Hồi sức tích cực (2,0%). Nồng độ troponin I của nhóm nằm giường hồi sức cao hơn (giá trị trung vị là 11,0 pg/mL) so với nhóm không nằm giường hồi sức (giá trị trung vị là 5,1 pg/mL).
Các nghiên cứu gợi ý rằng những bệnh nhân nặng thường kèm thêm biến chứng tổn thương cơ tim. Nghiên cứu trên 191 bệnh nhân COVID-19 cho kết quả 17% có tổn thương tim cấp trong đó nhóm bệnh nhân sống sót có nồng độ troponin I siêu nhạy và nồng độ CK-MB thấp hơn so với nhóm bệnh nhân tử vong.
Nghiên cứu với cỡ mẫu lớn (hơn một nghìn bệnh nhân) được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy nhóm có kết cục lâm sàng nặng hơn hoặc có tổng biến cố nặng hơn thì nồng độ CK cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm còn lại.
Báo cáo của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (cơ quan tương đương Bộ Y tế) cho thấy một số bệnh nhân COVID-19 nhập viện vì các triệu chứng tim mạch như tim đập nhanh, đau ngực, các triệu chứng của đường hô hấp xuất hiện sau đó. Số liệu cũng cho thấy có 11,8% bệnh nhân tử vong vì COVID-19 có các biểu hiện tổn thương tim dù tiền sử không có bệnh lý tim mạch.
Như vậy, tổn thương cơ tim ở các bệnh nhân COVID-19 gặp từ 7,2 – 17% tuỳ theo nghiên cứu.
Các bệnh nhân có tổn thương cơ tim có tình trạng lâm sàng nặng hơn và có kết cục lâm sàng xấu hơn so với nhóm không có tổn thương cơ tim. Nhược điểm của các nghiên cứu trên ở chỗ đánh giá tổn thương tim cấp dựa vào nồng độ men tim như troponin hoặc
CK-MB. Các dấu ấn này có thể tăng trong các trường hợp tổn thương thiếu máu cơ tim hoặc tổn thương không thiếu máu cơ tim như viêm cơ tim. Chưa có nghiên cứu nào xác định tình trạng tổn thương cơ tim là do nguyên nhân gì. Mặt khác, có nhiều nguyên nhân có thể tăng troponin như suy thận – một tình trạng bệnh rất hay gặp ở bệnh nhân nặng. Cần có các nghiên cứu được thiết kế tốt hơn và chặt chẽ hơn để xác định chính xác
tổn thương cơ tim ở bệnh nhân COVID-19.

2.3. Nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch

Nghiên cứu của Guan và cộng sự cho thấy nồng độ D-dimer ≥ 0,5 mg/L gặp ở 46,4% các trường hợp người bệnh COVID-19, một điểm đáng lưu ý là D-dimer thường tăng cao ở những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hoặc mắc nhiều biến cố. Nghiên cứu của Zhou đưa ra kết quả, những bệnh nhân tử vong do COVID-19 có nồng độ D-dimer trung vị là 5,2 μg/mL cao hơn có ý nghĩa so với nhóm bệnh nhân sống sót là 0,6 μg/mL. Tương tự như vậy, nồng độ D-dimer cao hơn ở nhóm cần nằm khoa Hồi sức tích cực so với nhóm không cần nằm khoa Hồi sức tích cực. Một nghiên cứu quan sát trên 138 người bệnh COVID-19 đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch bằng thang điểm Padua cho thấy 16,67% người bệnh có nguy cơ cao bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, đồng thời có 6,52% bệnh nhân có nguy cơ cao bị chảy máu. Các tác giả thấy có 2,9% người bệnh COVID-19 gặp biến cố huyết khối, tất cả các trường hợp này là tắc tĩnh mạch chi dưới chẩn đoán nhờ siêu âm mạch. Hầu hết các trường hợp này có biểu hiện lâm sàng rất nặng.
Tóm lại, nồng độ D-dimer tăng ở các bệnh nhân COVID-19 gợi ý tình trạng tăng đông và hình thành huyết khối. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nhưng vấn đề này là vấn đề cần lưu ý trong thực hành lâm sàng.

2.4. Nhồi máu cơ tim cấp

Đã có những báo cáo đầu tiên về nhồi máu cơ tim cấp trên người bệnh COVID-19. Thống kê của sáu bệnh viện tại New York (Hoa Kỳ) được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine trên 18 bệnh nhân đau thắt ngực kèm điện tâm đồ có hình ảnh đoạn ST chênh lên cho thấy các bệnh nhân này có độ tuổi trung vị là 63, 83% là nam giới, 33% bệnh nhân đau thắt ngực xung quanh thời điểm phát hiện đoạn ST chênh lên, 56% bệnh nhân phát hiện đoạn ST chênh lên tại thời điểm nhập viện và 44% xuất hiện đoạn ST chênh lên trong thời gian nằm viện (trung vị là 6 ngày). Có 9 bệnh nhân được chụp động mạch vành và 5 người trong số đó được can thiệp động mạch vành. Các tác giả nhận xét tất cả bệnh nhân này đều có tăng D-dimer, tổn thương cơ tim ở bệnh nhân
COVID-19 là do nứt vỡ mảng xơ vữa, cơn bão cytokine, tổn thương cơ tim do thiếu oxy, co thắt động mạch vành, tắc vi mạch, tổn thương nội mạc trực tiếp hoặc tổn thương mạch.

2.5. Các tổn thương tim khác

  • Suy tim: Khá thường gặp, ghi nhận ở 23% bệnh nhân COVID-19, nhóm bệnh nhân tử vong gặp suy tim nhiều hơn so với nhóm bệnh nhân sống sốt (52% so với 12%). Rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp cũng là một biến chứng tim khá thường gặp ở bệnhnhân COVID-19, có 16,7% có biển hiện rối loạn nhịp tim, những bệnh nhân nằm tại các đơn vị Hồi sức tích cực có tỷ lệ mắc rối loạn nhịp tim cao hơn nhóm còn lại (44,4% so với 6,9%). Nghiên cứu này không chỉ rõ rối loạn nhịp hay gặp là rối loạn nhịp nhĩ hay rối loạn nhịp thất. Các chuyên gia về rối loạn nhịp tim nhận định tình trạng thiếu oxy máu hoặc rối loạn điện giải ở người bệnh COVID-19 giai đoạn cấp có thể gây ra các rối loạn nhịp tim. Nguy cơ rối loạn nhịp tim ở những bệnh nhân nhiễm virus corona mới nhưng triệu chứng lâm sàng không nặng hoặc những bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp chưa có hiểu biết đầy đủ. Những bệnh nhân COVID-19 có rối loạn chức năng tâm thu thất trái nặng cần theo dõi các rối loạn nhịp tim bằng các thiết bị theo dõi nhịp tim, thậm chí đặt máy phá rung tự động hoặc mặc áo phá rung tự động sau khi ra viện.
  • Tắc động mạch: Số liệu còn hạn chế. Tác giả Yanan Li và cộng sự có một báo cáo đơn trung tâm đăng trên tạp chí Lancet ghi nhận 11 bệnh nhân nhồi máu não trong tổng số 221 bệnh nhân COVID-19. Các tác giả nhận thấy tuổi cao là yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch não trên người bệnh COVID-19.

Tham khảo nhiều bài viết chuyên sâu của Vinmec tại đây


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *