Một trong những vấn đề cần lưu tâm đến sau khi tiến hành phẫu thuật cắm Implant cho bệnh nhân chính là lựa chọn Abutment phù hợp, nhằm thuận lợi trong quá trình phục hình về sau. Bài viết này giới thiệu các loại Abutment trên lâm sàng, đồng thời phân tích kỹ về loại Abutment sản xuất bằng máy và một nhánh nhỏ, loại bằng sứ trong Implant nha khoa. Cùng tìm hiểu.
1. Abutment sản xuất bằng máy
Nhiều hãng đã có hệ thống sản xuất abutment tùy biến hoàn toàn bằng công nghệ CAD/CAM.
Các abutment được sản xuất trong dây chuyền của nhà máy nên được kiểm soát chất lượng rất tốt, và nhờ được tập trung sản xuất với số lượng lớn nên có chi phí hợp lý. Ưu điểm riêng của phương pháp này là khả năng sản xuất các abutment tùy biến hoàn toàn với vật liệu sứ (zirconia) và titanium. Quá trình lấy dấu đầu implant cũng tương tự như với các abutment tùy biến khác, và cũng có hai phương pháp sản xuất. Một kỹ thuật là tạo mẫu sáp abutment trên mẫu hàm làm việc và sau đó scan lại bằng laser để ghi dấu kích thước chính xác. Các thông số này được gửi về nhà sản xuất và sau đó tiện thành abutment. Một cách khác là ta có thể scan hình dạng mong muốn của phục hình sau cùng thông qua phục hình tạm hoặc mẫu sáp chẩn đoán. Bằng cách định hình hình dạng của phục hình và vị trí của implant qua hình scan mẫu hàm làm việc, phần mềm máy tính sẽ dùng công nghệ bù trừ để tạo dạng abutment lý tưởng tương ứng với mão răng sau cùng. Abutment sẽ được thiết kế trên máy tính trước, do đó kỹ thuật viên có thể nhìn thấy và điều chỉnh trước khi abutment được sản xuất. Các abutment này thường có độ lưu giữ rất cao do các thành có thể được tạo song song. Cũng như tất cả các abutment tùy biến hoàn toàn khác, đường hoàn tất, thiết diện cắt ngang, chiều cao cũng như góc độ abutment đều có thể tùy biến. Kết quả sau cùng của abutment cũng tương tự như với abutment tùy biến bằng vàng, tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật viên có kỹ năng cao, có kinh nghiệm trong công nghệ scan. Các bước còn lại để thực hiện phục hình sau cùng cũng tương tự như tất cả các abutment tùy biến khác.
Một tiến bộ thú vị của công nghệ này đó là có thể sản xuất các abutment bổ sung hoặc abutment bản sao giống chính xác như abutment gốc. Điều này cho phép abutment có thể gắn trong miệng và khít sát với mão răng tạm. Thay vì phải lấy dấu lại một lần thứ hai cho mão răng sau cùng, ta có thể đặt làm một abutment thứ hai cho mẫu hàm làm việc và thực hiện mão răng sau cùng.
Ưu điểm
- Abutment tùy biến hoàn toàn bằng titanium hoặc zirconia
- Độ chính xác cao
- Chi phí có thể thấp hơn abutment bằng vàng
Nhược điểm
- Đòi hỏi một bộ phận riêng biệt.
- Một vài quy trình kiểm soát phải thực hiện bên ngoài labo.
2. Abutment sứ – Dạng chế tác bằng công nghệ CAD/CAM
Nhìn chung abutment sứ cũng tương tự như abutment sửa soạn bán phần và abutment tùy biến hoàn toàn bằng CAD/CAM, cũng được thực hiện trên lâm sàng tương tự.
Chúng được làm từ zirconia ổn định bằng Yttrium, hoặc dùng sứ alumina nguyên khối như Procera. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tỉ lệ thành công cao, mặc dù số các thử nghiệm còn hạn chế và có ít dữ liệu về mặt lâu dài. Mão răng sau cùng cũng nên là mão toàn sứ và gắn bằng cement gắn có màu răng để đạt được kết quả tối ưu nhất. Abutment sứ không thích hợp trong các trường hợp cần phải thay đổi góc độ đáng kể, do phần sứ còn lại sau khi sửa soạn nếu quá mỏng sẽ có nguy cơ gãy vỡ cao. Chỉ định chính của abutment sứ là các trường hợp cần độ thẩm mỹ cao, khi muốn thực hiện phục hình toàn sứ, chẳng hạn như khi cần đồng bộ màu với các mão răng, veneer toàn sứ khác. Chúng cũng rất hữu ích khi lo ngại abutment kim loại sẽ bị lộ, chẳng hạn như khi mô nướu quá mỏng hoặc đầu implant nằm gần bề mặt.
Ưu điểm
- Độ thẩm mỹ cao, cho phép sử dụng phục hình toàn sứ.
- Điều chỉnh được hình dạng
Nhược điểm
- Kết quả lâu dài chưa được chứng minh trên thử nghiệm lâm sàng.
- Công nghệ CAD/CAM đòi hỏi trang bị labo phức tạp.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D. Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply