Đột quỵ não ngày càng trở nên phổ biến hiện nay. Sau đột quỵ để lại nhiều di chứng gây khó khăn trong sinh hoạt và suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Sau khi được xuất viện, bệnh nhân đột quỵ cần được chú ý tập luyện thêm tại nhà để tăng cường sự phục hồi và giảm nguy cơ tái phát.
1. Chăm sóc sau khi xuất viện
- Hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc bản thân nhiều nhất có thể như các hoạt động chăm sóc cá nhân (tắm, cho ăn, mặc quần áo, đi vệ sinh), hoạt động nội trợ (nấu ăn, giặt giũ, mua sắm), cung cấp các thiết bị hỗ trợ theo chỉ định.
- Đảm bảo an toàn: Bệnh nhân đột quỵ thường có nguy cơ trượt ngã hoặc ngã vì vậy cần đảm bảo an toàn cho bệnh nhân bằng cách loại bỏ các vật dụng trên đường đi, lắp đặt các thanh chắn, thảm trải sàn.
- Hướng dẫn bệnh nhân và người nhà theo dõi sinh hiệu, chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống nhằm loại bỏ các yếu tố nguy cơ thay đổi được của đột quỵ.
- Chăm sóc tâm lý: Bệnh nhân đột quỵ cần được chăm sóc tâm lý để giảm căng thẳng, lo lắng và tăng cường tinh thần. Gia đình cần hiểu rằng bệnh nhân có thể mệt mỏi dễ dàng, trở nên cáu kỉnh, khó chịu bởi các sự kiện nhỏ và ít quan tâm đến các sự kiện hàng ngày.
- Thường xuyên Theo dõi sức khỏe và tái khám định kì
2. Mục tiêu của chương trình tập luyện tại nhà
Giúp người bệnh phòng tránh các thương tật thức cấp: teo cơ, cứng khớp, dự phòng loét, ứ trệ tuần hoàn, rối loạn dinh dưỡng…
Giúp người bệnh có thể tự làm được một số hoạt động trên giường.
Giúp người bệnh tự lăn trở, ngồi dậy và rời giường khi sức khỏe đủ điều kiện.
3. Chương trình tập luyện tại nhà
3.1 Tư thế
Người bệnh cần được đặt ở tư thế đúng để giảm bớt co cứng, đề phòng các thương tật thứ cấp. Có các tư thế đặt người bệnh như sau
- Tư thế nằm ngửa:
Vai và hông bên liệt được kê gối mềm, khớp gối gập nhẹ; cổ chân được kê vuông góc với cẳng chân để tránh biến dạng gập bàn chân về phía lòng bàn chân.
- Tư thế nằm nghiêng bên liệt:
Vai bên liệt gập, cánh tay duỗi vuông góc với thân, thân mình nửa ngửa, chân liệt duỗi. Tay lành để trên thân hoặc gối đỡ phía lưng. Chân lành gập ở háng và gối.
- Tư thế nằm nghiêng bên lành:
Vai và cánh tay bên lành để tự do. Chân lành để duỗi. Thân mình vuông góc với mặt giường. Tay liệt có gối đỡ để vuông góc với thân. Chân liệt có gối đỡ ở tư thế gập háng và gối.
- Hướng dẫn người nhà bệnh nhân xoay trở tư thế thường xuyên và ngồi dậy
- Xoay trở sang bên liệt: nâng tay và chân lành lên => đưa chân và tay lành về phía bên liệt => xoay thân mình bên liệt
- Xoay trở sang bên lành:Cài tay lành vào tay liệt => Dùng tay lành kéo tay liệt sang phía tay lành=> Người hỗ trợ giúp người bệnh, gập gối và háng bên liệt, kéo hông người bệnh xoay sang bên lành.
3.2 Bài tập luyện tại nhà ở tư thế nằm
3.2.1 Khớp vai
- Tập gấp và duỗi khớp vai:
Người tập dùng bàn tay phải đỡ khuỷu tay, bàn tay trái đỡ cổ tay, giữ tay người bệnh duỗi thẳng, sau đó từ từ đưa tay người bệnh lên phía đầu
- Tập dạng, khép khớp vai:
- Người tập dùng tay phải đỡ khuỷu tay và cẳng tay của người bệnh ở vị thế trung gian, bàn tay trái giữ khớp vai để khi tập không làm đẩy khớp vai người bệnh lên trên.
- Sau đó người tập từ từ dạng khớp vai ra cho đến khi tay người bệnh vuông góc với thân mình.
- Tập xoay khớp vai:
- Người bệnh nằm ngửa, tay dạng ngang vuông góc với thân, khớp khuỷu gấp vuông góc.
- Người tập dùng tay trái nắm giữ cổ tay và bàn tay Người bệnh, tay phải đỡ khuỷu tay Ngườibệnh.
- Tập xoay khớp vai ra ngoài bằng cách đưa bàn tay người bệnh lên phía trên đầu cho đến khi mu bàn tay sát mặt giường, sau đó đưa bàn tay người bệnh lại vị trí ban đầu, lòng bàn tay xuống sát mặt giường.
3.2.2 Khớp khuỷu
Người bệnh nằm ngửa, tay duỗi dọc theo thân. Người tập dùng bàn tay phải nắm đỡ cổ tay và bàn tay người bệnh với ngón cái ở phía mu, các ngón khác ở phía lòng bàn tay, sau đó từ từ gấp khuỷu tay của Người bệnh lại, rồi duỗi ra trở về vị trí ban đầu và tập lại như trước.
4.2.3 Khớp cổ tay
- Người bệnh nằm ngửa, tay duỗi dọc theo thân, khuỷu tay gấp vuông góc. Người tập dùng tay trái nắm giữ cổ tay, tay phải nắm giữ bàn và các ngón tay người bệnh giữ ngón tay cái của Người bệnh giữa ngón tay trỏ và ngón giữa của mình.
- Sau đó gấp khớp cổ tay người bệnh về phía lòng bàn tay và hơi nghiêng về phía ngón út, rồi gấp khớp cổ tay người bệnh về phía mu bàn tay và hơi nghiêng về phía ngón cái.
3.2.4 Ngón tay
Người tập khum các ngón tay của bàn tay phải lại và úp lên các ngón tay của người bệnh ở phía mu bàn tay. Tay trái của người tập giữ khớp cổ tay của người bệnh duỗi thẳng, sau đó dùng bàn tay phải gấp các ngón tay Người bệnh lại về phía lòng bàn tay cho đến khi tạo thành nắm đấm.
3.2.5 Khớp háng, gối
- Tập gấp và duỗi khớp háng, gối
Người bệnh nằm ngửa, người tập dùng tay phải đỡ gót chân, tay trái đỡ dưới khoeo chân người bệnh, sau đó gấp nhẹ khớp gối rồi từ từ đưa đùi người bệnh về phía bụng, khi hết cử động lại đưa về vị trí ban đầu.
- Tập dạng và khép khớp háng:
Người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Người tập dùng tay phải đỡ dưới gót, tay trái đỡ dưới khoeo chân người bệnh, sau đó từ từ đưa chân người bệnh ra ngoài, rồi đưa trở lại vị trí ban đầu.
- Tập xoay khớp háng:
Người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Người tập đặt bàn tay phải của mình trên khớp cổ chân, bàn tay trái trên khớp gối của Người bệnh sau đó từ từ xoay khớp háng ra ngoài và xoay khớp háng vào trong.
3.2.6. Khớp cổ chân
Tập gấp và duỗi khớp cổ chân:
- Người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Người tập dùng bàn tay phải đỡ gót chân và bàn chân, bàn tay trái nắm giữ phía trên khớp cổ chân của Người bệnh.
- Sau đó từ từ dùng tay phải gấp khớp cổ chân Người bệnh về phía lòng bàn chân, rồi tiếp đến gấp khớp cổ chân về phía mu bàn chân đến mức tối đa, sau đó tập vận động lại như đã làm ở trên.
4.3 Một số bài tập luyện tại nhà khác
4.3.1 Nâng hông lên khỏi mặt giường (bài tập bắc cầu)
Nâng hông lên khỏi mặt giường Người bệnh nằm ngửa, hai tay đặt dọc thân mình, hai chân gấp, đặt hai chân sát nhau. Nâng hông lên khỏi mặt giường, càng cao càng tốt, và càng lâu càng tốt. Để người bệnh đếm1,2,3,4… đến 15-20 hãy đặt hông xuống giường. Làm lại khoảng 10 lần.
4.3.2 Hai tay đưa lên đầu
Tay lành cài vào các ngón tay bên liệt, đưa hai tay duỗi thẳng về phía đầu. Cố gắng đưa khuỷu tay hai bên ngang tai. Sau đó, Hạ hai tay về vị trí cũ. Làm lại 10 – 15 lần.
Nâng hông: Người bệnh tự nâng hông. Đếm từ 1 đến 20 rồi hạ xuống. Thực hiện 10 lần. Đưa hai tay lên phía đầu: Tay lành đan/ giữ tay liệt. Nâng cả hay tay đến ngang tai. Hạ tay về vị trí cũ. Thực hiện 10 lần.
Chú ý:
Khi tập cần cầm nắm cố định càng gần khớp cử động càng tốt
Thực hiện cử động nhẹ nhàng, đều đặn, lặp đi lặp lại, thực hiện từ khớp lớn đến khớp nhỏ.
Mỗi ngày chỉ nên tập 3-4 lần, mỗi lần khoảng 20 phút, trong quá trình tập thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường thì dừng tập và báo ngay cho bác sỹ.
Nguồn: Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng chăm sóc đột quỵ
Leave a Reply