Tiếp cận điều trị trị suy hô hấp trẻ em

Suy hô hấp (SHH) là tình trạng bộ máy hô hấp không đủ khả năng duy trì sự trao đổi khí theo nhu cầu cơ thể, gây giảm O2 và/hoặc tăng CO2 máu. Hậu quả của suy hô hấp là thiếu oxy cho nhu cầu biến dưỡng của các cơ quan, đặc biệt là não, tim và ứ đọng CO2 gây toan hô hấp.

minh-hoa-suy-ho-hap

1. Nguyên tắc điều trị suy hô hấp

Nguyên tắc điều trị:

– Thông đường thở.

– Cung cấp oxy.

– Cung cấp năng lượng và điều trị hỗ trợ.

– Điều trị nguyên nhân gây SHH.

2. Điều trị

2.1. Thông đường thở

Tùy từng trường hợp cụ thể, thông đường thở có thể là:

– Hút đàm nhớt

– Lấy dị vật.

– Thở khí dung: dãn phế quản.

– Thở khí dung: chống phù nề.

– Mở khí quản.

– Đặt nội khí quản…

2.2. Cung cấp oxy

Chỉ định

– Thiếu oxy: tím tái hoặc nhịp thở tăng gấp đôi bình thường.

– Lâm sàng: còn bù được.

– PaO2 máu < 70 mmHg

– Hoặc SaO2 < 90%.

Phương pháp cung cấp oxy

– Trẻ > 12 tháng

+ Catheter hoặc cannula: cung cấp FiO2 từ 24% đến 44%.

1 lít oxy 100% sẽ làm tăng 4% FiO2.

1 l/phút → FiO2: 24 %.               4 l/phút → FiO2: 36 %.

2 l/phút → FiO2: 28 %.               5 l/phút → FiO2: 40 %.

3 l/phút → FiO2: 32 %.               6 l/phút → FiO2: 44 %.

+ Mask không bóng dự trữ: cung cấp FiO2  từ 40% đến 60%.

6 l/phút → FiO2: 40 %.

7 l/phút → FiO2: 50 %.

8 l/phút → FiO2: 60 %.

+ Mask có bóng dự trữ không thở lại: cung cấp FiO2 từ 60% đến 95%.

6 l/phút → FiO2: 60 %.

7 l/phút → FiO2: 70 %.

8 l/phút → FiO2: 80 %.

9 l/phút → FiO2: 90 %.

10 l/phút → FiO2: 95 %.

+ Mask có bóng dự trữ thở lại: cung cấp FiO2 từ 35% đến 60%.

6 l/phút → FiO2: 35 %.

8 l/phút → FiO2: 50 %.

10 l/phút → FiO2: 60 %.

Oxy liều thấp khi FiO2 < 35 %, liều trung bình khi FìO2  từ 35 – 50%, liều cao khi FiO2> 50%.

– Trẻ < 12 tháng

+ Catheter mũi: cung cấp FiO2  từ 25% đến 68%.

0,125 lít oxy 100% làm tăng 5% FiO2.

0,125 l/phút  → FiO2: 25 – 26 %.

0,25   l/phút → FiO2: 30 – 32  %.

0,5     l/phút → FiO2: 40 – 44  %.

0,75   l/phút → FiO2: 50 – 56  %.

1       l/phút → FiO2:  60 – 68  %.

+ Cannula mũi: cung cấp FiO2  từ 35% đến 66%.

0,25   l/phút → FiO2: 35  %.

0,5     l/phút → FiO2: 45  %.

0,75   l/phút → FiO2: 60 %.

1       l/phút → FiO2:  66 %.

Tình trạng không đáp ứng với oxy liệu pháp nếu:

– FiO2 tăng 20% mà PaO2 không tăng được 10 mmHg.

– Hoặc FiO2 > 35% mà PaO2  vẫn nhỏ hơn 60 mmHg.

Cần phải có cách xử trí khác thay vì phải tăng FiO2 nếu bệnh nhi không đáp ứng với oxy.

Theo dõi bệnh nhân thở oxy

– Các dấu hiệu sinh tồn, trong đó chú ý đến nhịp thở/ phút.

– Màu sắc da, niêm mạc.

– Sự di động của lồng ngực, nhất là các cơ hô hấp phụ.

– Dấu hiệu còn bù: tăng nhịp thở, tăng nhịp tim, tăng công hô hấp…

– Cận lâm sàng: sau khi cho bệnh nhi thở oxy, phải đợi 20 phút sau mới làm khí máu lại. Nếu PaO2 < 60 mmHg: giảm oxy máu chưa điều chỉnh được, dù có tăng FiO2 . Nếu PaO2 từ 60 – < 100 mmHg: oxy máu giảm đã điều chỉnh được nhưng bệnh nhi sẽ bị giảm oxy máu nếu giảm FiO2 .

Tai biến khi dùng oxy liệu pháp

– Đối với trẻ sơ sinh dễ gây xẹp phổi, tổn thương tế bào biểu mô phổi, tổn thương nội mạc mao mạch. PaO2 cao → xơ teo võng mạc gây mù mắt. Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng, PaO2 không nên quá 75 mmHg.

– Người lớn: khi FiO2  0,80 – 1,00 > 8 giờ gây kích thích đường hô hấp, đau ngực, xơ hóa phổi.

– Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): dễ gây ứ đọng CO2, ức chế hô hấp, toan hô hấp…Nên bắt đầu với FiO2 24%, tối đa là 35%. Cần giữ PaO2 ở bệnh nhân này khoảng 60 mmHg là đủ.

2.3. Cung cấp năng lượng và điều trị hỗ trợ

Tùy theo mức độ SHH, tình trạng của bệnh nhi, việc cung cấp năng lượng có thể theo các đường sau:

– SHH nặng: cung cấp năng lượng qua đường tĩnh mạch, dịch thường dùng là Glucose ưu trương. Chú ý  nên duy trì tỉ lệ lipid và glucid là 1/1.

– SHH trung bình: cung cấp năng lượng qua đường miệng. Nếu trẻ bú kém hoặc ăn uống kém, cần cung cấp năng lượng qua sonde dạ dày. Nên nhỏ giọt liên tục và chia thành nhiều cữ/24 giờ để tránh căng dạ dày đột ngột gây trào ngược, cản trở hoạt động của cơ hoành làm cho tình trạng SHH chậm cải thiện.

– Chú ý cần bù năng lượng và nước cho công hô hấp và mất nước qua đường thở.

Điều trị hỗ trợ:

– Điều trị sốt cao hoặc hạ thân nhiệt.

– Điều trị co giật.

– Điều trị hạ đường huyết, toan chuyển hóa.

– Điều trị thiếu máu, nên duy trì Hct 30 – 40%.

 Chống nhiễm khuẩn

– Đảm bảo vệ sinh trong chăm sóc trẻ đặc biệt các trường hợp trẻ cần đặt NKQ

– Với trẻ sơ sinh, chọn loại kháng sinh phổ rộng khi suy hô hấp kèm ối vỡ sớm, nước ối hôi, mẹ sốt trước sanh hoặc khi khó phân biệt giữa viêm phổi và các nguyên nhân khác

– Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ là tốt nhất

Chống toan máu

– Bù kiềm dựa vào kết quả khí máu là lý tưởng nhất và khi trẻ đã được thông khí tốt

+ Số mEq (Natribicarbonat) = BE x P x 0.3 (P cân nặng trẻ tính bằng kg)

+ Trường hợp toan hô hấp( PaCo2> 70 mmHg) → thải CO2 bằng máy thở

– Khi không làm được khí máu thì bù mò theo công thức 2mEq/kg

– Cải thiện lưu lượng máu đến phổi

+ Choáng nghi do giảm thể tích : dung dịch Natriclorua 0,9% 10-20 ml/kg/15 phút

+ Xét nghiệm Hct < 35% → truyền hồng cầu 10 ml/kg

+ Xét nghiệm Hct > 65% ( máu tĩnh mạch) → thay máu một phần

2.4. Thông khí hỗ trợ suy hô hấp

Chỉ định đặt NKQ tuỳ thuộc vào bệnh cảnh, chia làm 4 nhóm:
1. Thông khí hay oxy hoá máu không đủ
2. Không có khả năng bảo vệ đường thở hay duy trì đường thở thông thoáng
3. Nguy cơ diễn tiến nặng nhanh trên lâm sàng (tuỳ bệnh lý)
4. Thực hiện các xét nghiệm kéo dài hay chuyển bệnh xa

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phác đồ điều trị nhi khoa (2009) “Suy hô hấp cấp” .Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Y học, tr. 39 – 44.
  2. Võ Công Đồng ( 1997) “ Rối loạn trao đổi khí trong suy hô hấp”. Nhi khoa sau đại học tập 3, Nhà xuất bản Đà Nẵng, tr. 746 – 758.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *