Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
1. Điều trị sốt xuất huyết Dengue
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
* Xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau
– Sống một mình.
– Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
– Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
– Trẻ nhũ nhi.
– Dư cân, béo phì.
– Phụ nữ có thai.
– Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
– Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu…).
1.1. Điều trị triệu chứng
– Nếu sốt cao ≥ 38,5°C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
– Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.
– Chú ý:
+ Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ.
+ Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
1.2. Bù dịch sớm bằng đường uống:
Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …) hoặc nước cháo loãng với muối.
– Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la,…
– Lượng dịch khuyến cáo: uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
1.3. Theo dõi sốt xuất huyết
- a) Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện điều trị.
- b) Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau
– Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
– Không ăn, uống được.
– Nôn ói nhiều.
– Đau bụng nhiều.
– Tay chân lạnh, ẩm.
– Mệt lả, bứt rứt.
– Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
– Không tiểu trên 6 giờ.
– Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
2. Điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
2.1. Đối với người bệnh trẻ em (< 16 tuổi)
Điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: Người bệnh được cho nhập viện điều trị.
2.1.1. Điều trị triệu chứng: hạ sốt
2.1.2. Bù dịch sớm bằng đường uống nếu bệnh nhân còn khả năng uống được.
2.1.3. Theo dõi mạch, HA, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và Hct mỗi 4-6 giờ.
2.1.4. Chỉ định truyền dịch trong sốt xuất huyết Dengue
a) Khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau
– Lừ đừ.
– Không uống được nước.
– Nôn ói nhiều.
– Đau bụng nhiều.
– Có dấu hiệu mất nước.
– Hct tăng cao.
b) Dịch truyền bao gồm: Ringer lactate, Ringer acetate, NaCl 0,9%.
2.1.5. Phương thức truyền dịch
– Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 6-7ml/kg/giờ trong 1-3 giờ, sau đó 5ml/kg/giờ trong 2-4 giờ. Theo dõi lâm sàng, Hct mỗi 2-4 giờ.
– Nếu mạch, HA ổn định, Hct giảm, nước tiểu ≥ 0,5-1ml/kg/giờ, giảm tốc độ truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 3ml/kg/giờ trong 2-4 giờ. Nếu lâm sàng tiếp tục cải thiện, có thể ngưng dịch sau 24-48 giờ.
– Nếu mạch nhanh, HA tụt hoặc kẹt, Hct tăng: Điều trị toan, xuất huyết, hạ đường huyết, hạ calci huyết nếu có và truyền dịch tiếp tục như sau:
+ Khi tổng dịch truyền > 60ml/kg: chuyển sang cao phân tử truyền tĩnh mạch 10-20ml/kg/giờ trong 1 giờ. Sau đó tiếp tục truyền dịch theo phác đồ điều trị như sốc SXHD.
+ Khi tổng dịch truyền ≤ 60ml/kg: tăng tốc độ truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 10-20ml/kg/giờ trong 1 giờ. Sau đó tiếp tục truyền dịch theo phác đồ điều trị như sốc SXHD.
* Lưu ý
– Nếu SXHD cảnh báo kèm chi lạnh, ẩm, thời gian làm đầy mao mạch ≥ 3 giây, lừ đừ hay vật vã, bứt rứt; huyết áp bình thường hoặc hiệu áp = 25 mmHg: điều trị như sốc SXHD.
– Nếu SXHD cảnh báo kèm chi lạnh (mát), mạch nhanh, HA bình thường: Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 10ml/kg/giờ trong 1 giờ, sau đó đánh giá lại.
+ Nếu cải thiện lâm sàng, tay chân ấm, mạch chậm lại, HA bình thường: tiếp tục Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% tốc độ 6-7ml/kg/giờ x 1-3 giờ → 5ml/kg/giờ x 2-4 giờ và xử trí tiếp theo như phác đồ SXHD cảnh báo.
+ Nếu có sốc truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 20ml/kg/giờ trong 1 giờ và xử trí tiếp sau đó như phác đồ sốc SXHD.
– Thời gian truyền dịch: thường là không quá 24-48 giờ.
2.2. Đối với người bệnh người lớn (≥ 16 tuổi)
Điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: người bệnh được cho nhập viện điều trị.
2.2.1. Điều trị triệu chứng: hạ sốt
2.2.2 Bù dịch sớm bằng đường uống nếu bệnh nhân còn khả năng uống được.
2.2.3. Theo dõi mạch, HA, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và Hct mỗi 4-6 giờ.
2.2.4. Chỉ định truyền dịch: xem xét truyền dịch khi người bệnh nôn nhiều, không uống được và Hct cao hoặc có dấu mất nước.
2.2.5. Phương thức truyền dịch
Truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 6ml/kg/giờ trong 1-2 giờ, sau đó 3ml/kg/giờ trong 2-4 giờ. Theo dõi lâm sàng, Hct mỗi 2-4 giờ. Trong quá trình theo dõi:
– Nếu mạch, HA ổn định, Hct giảm, nước tiểu ≥ 0,5-1ml/kg/giờ, giảm tốc độ truyền Ringer lactate, Ringer acetate hoặc NaCl 0,9% 1,5ml/kg/giờ trong 6-18 giờ. Nếu lâm sàng tiếp tục cải thiện, có thể ngưng dịch sau 12-24 giờ.
– Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốc (mạch nhanh, nhẹ, khó bắt, huyết áp kẹt, tụt, khó đo và Hct tăng): truyền dịch chống sốc như phác đồ điều trị sốc SXHD ở người lớn với liều chống sốc đầu tiên là cao phân tử 10-15ml/kg/giờ. Chú ý điều trị toan hóa máu, xuất huyết, hạ đường huyết, hạ calci huyết nếu có.
NGUỒN TÀI LIỆU: Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế
Leave a Reply