Bài viết sơ lược tổng quan về kỹ thuật ghép mô mềm và kiểm soát khuyết hổng lớn ở xương ổ răng trong phẫu thuật Implant. Vì bản chất mô và xương xung quanh Implant có tác dụng nâng đỡ, chức năng thẩm mỹ lớn, nên việc phục hồi lại phần khuyết hổng là tối quan trọng trong giai đoạn phẫu thuật. Cùng tìm hiểu.
1. Kỹ thuật ghép mô mềm trong phẫu thuật Implant
Mô mềm xung quanh implant đóng vai trò chức năng cũng như thẩm mỹ. Vấn đề thẩm mỹ thường được chẩn đoán ở giai đoạn lập kế hoạch điều trị và kiểm soát nó có thể được thực hiện cùng với việc điều trị implant. Vấn đề chức năng thường xuất hiện một khi phục hình trên implant đã lắp vào và thường được kiểm soát như một thực thể riêng biệt.
Vấn đề chức năng mô mềm
Mô mềm quanh implant có chức năng tương tự như mô mềm quanh răng tự nhiên. Do đó, chúng được yêu cầu phải chịu được những chấn thương do vệ sinh răng miệng và các lực tác động lên chúng trong quá trình nhai. Vì vậy, implant xuyên qua niêm mạc sừng hóa không di động thì tốt hơn. Hàm dưới mất răng tiêu xương nghiêm trọng thường không có niêm mạc bám dính, implant trong các trường hợp này dễ bị viêm mô mềm và tăng sản phản ứng. Vấn đề tái diễn liên quan đến các mô mềm di động và mô viêm được điều trị tốt nhất bằng cách ghép nướu rời từ khẩu cái và khâu vào một vùng nhiều mạch xung quanh implant như cách thực hiện ghép xung quanh một cái răng.
Phải cẩn thận để giữ cố định mảnh ghép trong giai đoạn lành thương, có thể khó khăn để đạt được trong vùng mà khe nướu cạn. Việc sử dụng mô liên kết cũng có thể cung cấp một viền nướu ổn định hơn và mạnh khỏe hơn xung quanh implant. Ghép nướu và ghép mô liên kết có thể được sử dụng theo cách này tại bất kỳ giai đoạn nào của điều trị implant : trước khi đặt implant, khi kết nối abutment hoặc khi gắn phục hình. Nếu việc ghép là cần thiết sau khi phục hình hoàn tất, có thể cần phải tháo phục hình ra, chôn implant, và ghép vào vùng này và sau đó gắn abutment xuyên qua nướu bám dính sau khi lành thương.
Vấn đề thẩm mỹ mô mềm
Khuyết hổng mô mềm nhỏ, có thể kết hợp với sự thiếu hụt xương, có thể được xem là mất thẩm mỹ ở giai đoạn đánh giá và lập kế hoạch điều trị ban đầu, nhưng chúng ta nên nhớ rằng khuyết hổng đó sẽ được sửa chữa một khi các thành phần phục hình được gắn vào. Sự trưởng thành mô mềm xảy ra xung quanh implant, đặc biệt là quanh một implant liền kề với răng tự nhiên. Điều này được tối ưu hóa bằng cách đặt implant tốt, cho phép profile của phục hình nhìn tự nhiên cũng như xử lý mô mềm cẩn thận ở tất cả các giai đoạn điều trị. Khuyết hổng lớn hơn cần phải được sửa chữa bằng phẫu thuật và điều này có thể đạt được dễ dàng bằng cách ghép nướu rời và ghép mô liên kết kết hợp với mở rộng mô cứng cho các khuyết hổng nghiêm trọng hơn. Kỹ thuật như vậy thường thực hiện trước hoặc tại thời điểm đặt implant để đạt kết quả tốt nhất.
Một lần nữa, việc sử dụng mô của bệnh nhân sẽ thích hợp hơn bất kỳ vật liệu ghép nào khác. Bảo tồn gai nướu hoặc tái tạo gai nướu đã được ủng hộ rộng rãi; mức độ tái tạo như thế nào còn là câu hỏi, nhưng dựa trên cơ sở kỹ thuật, thao tác mô mềm cẩn thận và bảo tồn các mô sừng hóa càng nhiều càng tốt, chắc chắn sẽ tối đa hóa sự lành thương của mô mềm.
2. Phẫu thuật kiểm soát khuyết hổng lớn ở xương ổ răng
Nhiều khuyết hổng trên sống hàm xuất hiện do mất răng lâu ngày và đeo hàm gỉa cũng như chấn thương và hậu quả của tình trạng bệnh lý. Ghép trong trường hợp này có thể được thực hiện để cho phép đặt implant mà còn để thay đổi profile của xương để đặt implant trong một chiều hướng lý tưởng hơn. Mất răng lâu dài có thể dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ xương (hạng 3 giả) mà có thể cần điều chỉnh. Điều trị các trường hợp mất chiều cao toàn bộ mà không ghép đòi hỏi phải dùng implant ngắn, điều này được coi là không mong muốn vì phục hình sẽ cao, phục hình cao có thể gây ra sự thất bại sinh cơ học trong thời gian dài qua việc hư hỏng các thành phần hoặc mất tích hợp xương.
Kỹ thuật ghép xương không chỉ làm tăng thể tích xương mà còn tạo ra một nền xương chất lượng tốt để đảm bảo implant thành công lâu dài. Mô ghép lớn lấy từ mào chậu có thể được tạo hình để tạo ra một profile xương ổ mới. Kỹ thuật này được ưa chuộng trong trường hợp có sự khác biệt nền xương hoặc khi cần sự thay đổi lớn trong chiều cao sống hàm, đặc biệt là khi muốn giảm chiều cao của phục hình. Ghép onlay được thực hiện một thì hoặc hai thì. Với các implant được sử dụng để giữ vững mô ghép trong một thì, điều này đòi hỏi xương còn lại phải đủ để giữ vững implant và mô ghép.
Trong những ca làm toàn hàm, cần ít nhất sáu implant để đạt được điều này. Trong kỹ thuật hai thì, đặt implant nên diễn ra khoảng 3-4 tháng sau phẫu thuật ghép xương. Trong trường hợp chiều cao của xương hàm trên không đầy đủ, ghép inlay có thể là một lựa chọn điều trị. Ghép inlay lớn toàn bộ hàm trên kết hợp với dời xương xuống kiểu Le Fort I đã được sử dụng thành công,, đặc biệt trong trường hợp muốn thay đổi quan hệ xương hàm. Kỹ thuật này bảo tồn profile sống hàm trong miệng nhưng cho phép tăng đáng kể chiều cao có sẵn để đặt implant.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply