Bài viết này đề cập đến vấn đề liên quan đến vị trí và cách đặt implant, do đặc điểm khoảng cách implant trong từng trường hợp cụ thể lâm sàng khác nhau. Vì thế, nha sĩ cần có cái nhìn bao quát và lường trước được những vấn đề xảy ra trong quá trình điều trị.
1. Vị trí và cách đặt Implant
Điều đặc biệt có ích trước khi đặt nhiều implant là lên kế hoạch về vị trí đặt, ước tính chiều dài, và đường kính implant; tham khảo dựa trên hình ảnh X-quang, mẫu nghiên cứu. Theo sau việc đánh giá vạt, máng hướng dẫn được thử và sử dụng ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thực hiện. Các vị trí dự định được đánh dấu trên xương vỏ bằng mũi khoan tròn dựa vào kế hoạch đã lập trong không gian 3 chiều. Vị trí sửa soạn ban đầu được kiểm soát đối với răng kế cận, cấu trúc giải phẫu, vị trí răng trên máng hướng dẫn, đường viền xương và khoảng cách giữa các implant. Khoảng cách giữa các implant với implant (implant với răng) đòi hỏi phải phù hợp với chiều rộng của xương (và mô mềm). Khoảng cách giữa hai implant nên là 2-3 mm, giữa implant và răng có thể từ 1-2 mm. Sau đó dùng mũi khoan xoắn loại nhỏ nhất để tạo góc độ cho vùng đặt, kiểm tra lại với trụ hướng dẫn. Cần nhớ rằng việc điều chỉnh vị trí, góc độ chỉ có thể được thực hiện ở giai đoạn sớm của quá trình phẫu thuật (ví dụ như giai đoạn dùng mũi drill 2 mm). Sau khi đạt được chiều dài cần thiết thì tăng đường kính mũi khoan theo quy trình của hệ thống cho đến khi hoàn tất việc sửa soạn và có thể đặt implant.
2. Khoảng cách giữa các Implant trong trường hợp đặt nhiều trụ
Khoảng cách sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào implant kế cận hoặc khoảng trống mất răng. Kích thước và đặc tính của hệ thống implant cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề này.
Ngoài những tiêu chuẩn có liên quan đến phẫu thuật, sự hiểu biết về kích thước các thành phần của phục hình trên implant cũng rất quan trọng. Tất cả các abutment sẽ có vùng cổ loe ra hơn so với kích thước của implant, điều này có thể làm tác động tới khoảng không gian có sẵn của mô mềm, ảnh hưởng đến hình dạng và độ thoát của phục hình sau cùng cũng như sự ổn định lâu dài của mô mềm.
Mặt thoát ra của abutment (emergence of abutment) thường liên quan đến bản chất kết nối của implant-abutment. Có một xu hướng chung của các hệ thống implant loại flat top là có đầu loe lớn hơn vì phần thoát ra của abutment (emergence of abutment) bắt đầu tính từ phần mép của implant
Nhiều hệ thống implant hiện nay có cấu trúc “bệ chuyển” (platform switch), nơi chiều rộng của abutment tại mặt thoát ra sẽ nhỏ hơn chiều rộng của implant.
Những hệ thống implant có dạng kết nối trong hình nón với abutment thì abutment sẽ nhỏ hơn đầu implant tại mặt thoát. Hệ thống Astra là một ví dụ về trường hợp này, được mình họa trong hình dưới đây.
Đường kính implant tiêu chuẩn nằm trong khoảng từ 3 tới 5 mm ở đầu của implant, và abutment hình nón ăn khớp bên trong đầu của implant. Cách phía trên đầu implant 2mm, chiều rộng của abutment sẽ được tăng lên tối đa bằng đường kính implant. Cấu trúc hình nón này cho phép vòng mô mềm (soft tissue cuff) được hình thành tốt, và vì thế cho phép các implant có thể đặt gần nhau hơn một chút. Khoảng cách giữa các implant cần được cân nhắc hơn nữa khi implant đường kính rộng được sử dụng. Bởi vì trình tự ban đầu của việc khoan là giống nhau, nên việc thêm khoảng cách cho những implant đường kính rộng cần phải tính toán ở giai đoạn đầu của quá trình chuẩn bị.
Vấn đề có thể xuất hiện khi đặt các implant quá gần nhau. Không những khả năng tồn tại của xương giữa các implant bị tổn hại mà còn liên quan đến độ thoát (emergence) của phục hình và duy trì mô mềm.
Hệ thống implant ngang mức mô mềm như hệ thống Straumann đòi hỏi một cách tiếp cận khác. Một implant tiêu chuẩn đường kính 4.1mm (đo ở phần trong xương) có một vùng cổ xuyên niêm mạc, sẽ mở rộng đường kính đến 4.8 mm ở vùng đỉnh. Do đó, độ rộng của vùng cổ sẽ xác định khoảng cách giữa các implant. Implant nên được đặt sao cho có ít nhất 1 mm giữa chỗ lồi tối đa của các cổ láng liền kề, điều này sẽ tạo không gian cho mô mềm nằm bên dưới nó (và sau đó là tạo thể tích xương đầy đủ phía bên dưới).
Ở những hệ thống implant có nhiều loại đường kính khác nhau, như hệ thống Frialit, kỹ thuật đặt khác nhau có thể được áp dụng. Ở những hệ thống này, trước tiên vùng đặt implant được sửa soạn để đạt độ sâu sau cùng thích hợp.
Sau đó, những vùng này sẽ được mở rộng ra bằng những mũi khoan kế tiếp, có kích thước tương ứng với đường kính implant muốn đặt, đường kính của implant của hệ thống này lần lượt là 3.8 mm, 4.5 mm, 5.5 mm và 6.5 mm. Do đó, vị trí tâm implant ban đầu phụ thuộc vào đường kính của implant trong kế hoạch điều trị. Nếu tính toán sai lầm, và ta thấy rằng những implant với đường kính dự kiến sẽ gần nhau hơn, thì khi đó ta cần sửa soạn vùng đặt cho những implant nhỏ hơn. Hệ thống Frialit có phần chóp dạng hình nón, điều này đem lại lượng xương đầy đủ ở vùng chóp giữa hai implant. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quan trọng bằng phần phía trên, nếu phần này xâm phạm biểu mô sẽ có khả năng gây ra biến chứng viêm hoặc thẩm mỹ.
Vùng đặt implant được tính toán dựa vào:
- Đường kính của implant
- Đường viền các răng kế cận
- Khoảng dây chẳng nha chu của răng
- Khoảng cho phép giữa 1và 2 mm xương giữa implant và chân răng kế cận.
- Khoảng cách thích hợp cho mô mềm kế cận xung quanh
- Phần implant được đặt vào không ảnh hưởng đến răng xung quanh
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply