Thiết kế vạt khi phẫu thuật đặt abutment rất quan trọng vì nó tạo cơ hội cho phẫu thuật viên điều chỉnh hình dạng mô mềm. Điều này giúp chỉnh sửa phần mô lợi, tạo điều kiện lành thương tốt và tăng thẩm mỹ của phục hình. Cùng tìm hiểu những lưu ý khi đặt Abutment tại phần hàm mất răng trong quá trình phẫu thuật Implant.
1. Những lưu ý bổ sung tại phần hàm mất răng
Như đã miêu tả ở phần trước, đường rạch đỉnh sống hàm có thể được dùng trong đa số trường hợp. Ở những vùng có ít mô sừng hóa, chẳng hạn như với sống hàm mất răng hàm dưới tiêu xương tái diễn, người ta khuyến cáo nên rạch ở chính giữa phần mô này để giữ lại được một ít mô sừng hóa ở mỗi bên của đường rạch. Ở hàm trên có nhiều mô sừng hóa hơn một cách đáng kể khi mở rộng vào trong khẩu cái, do đó đôi khi rất hữu ích khi đặt đường rạch đỉnh sống hàm thiên về phía khẩu cái. Phương pháp này còn có thể dùng để dịch chuyển phần mô sừng hóa nhiều ở mặt ngoài trong phẫu thuật implant không vùi (hoặc tương tự khi phẫu thuật gắn abutment).
Ở hàm trên hoặc hàm dưới mất răng, đường rạch giảm căng ở mặt ngoài tại đường giữa được kéo dài lên ngách hành lang cho phép phẫu thuật viên lật vạt dưới màng xương dễ dàng hơn, đặc biệt ở những vùng sống hàm hình lưỡi dao hoặc sống hàm không đều đặn. Đường rạch giảm căng cũng làm giảm lực căng ở vạt phía ngoài giúp co kéo vạt dễ dàng hơn.
Trường hợp chỉ đặt hai implant ở hàm dưới để nâng đỡ hàm phủ, thường chỉ cần dùng hai vạt nhỏ ở hai bên hàm hơn là dùng một vạt lớn ngang qua đường giữa.
2. Thiết kế vạt trong phẫu thuật đặt abutment
Thiết kế vạt khi phẫu thuật đặt abutment rất quan trọng vì nó tạo cơ hội cho phẫu thuật viên điều chỉnh hình dạng mô mềm. Nhiều quan điểm phát sinh cũng được áp dụng khi xử lý vạt trong phẫu thuật đặt implant không vùi. Nhìn chung, đường rạch được đặt trực tiếp ngay trên đầu implant trừ phi phẫu thuật viên muốn dịch chuyển phần mô sừng hóa thiên về một phía nào đó hơn. Ở phần hàm tiêu xương tái diễn trầm trọng có rất ít mô sừng hóa, điều quan trọng là phải bảo tồn được tất cả phần mô này, và một số trường hợp đòi hỏi phải ghép mô mềm. Đường rạch đỉnh sống hàm nhỏ ngang qua đầu implant và bóc tách mô mềm tối thiểu để đặt abutment sẽ dễ dàng hơn với những hệ thống có kết nối abutment-implant là kết nối trong, chẳng hạn như Astra.
Với những hệ thống có đặt abutment tựa lên implant thì sẽ khó hơn, nhìn chung ta chủ trương bộc lộ rộng đầu implant để dễ dàng gắn abutment và cho phép kiểm tra sự khít sát trực tiếp bằng mắt. Nhờ vậy ta có thể không cần phải chụp Xquang để kiểm tra sự khít sát của các thành phần nữa. Cũng cần phải bóc tách vạt toàn bộ nếu có xương phủ lên đầu implant, và phần xương này phải được loại bỏ bằng đục xương nhỏ (loại ưu dùng của chúng tôi) mũi khoan hoặc mũi mài được thiết kế chuyên dụng. Cần cẩn thận tránh làm hư hại đầu implant. Đòi hỏi phải bóc tách vạt nhiều hơn và rạch giảm căng trong trường hợp cần phải loại bỏ bớt xương. Các đường rạch giảm căng nên nằm xa rìa của abutment xuyên niêm mạc (hoặc cổ láng của implant không vùi) là nơi mà vết khâu có thể bị bung, do mép vạt không tựa lên phần mô cứng chắc.
Trong một số trường hợp đường rạch thẳng ban đầu có thể khâu lại sát quanh abutment mà không cần loại bỏ hay tạo dạng lại mô mềm, giúp đạt được hình dạng mô mềm tốt. Điều này dễ thực hiện hơn ở những vùng niêm mạc mỏng và đàn hồi. Trong những trường hợp khác, vạt cần được tạo dạng lại bằng cách rạch hình cung để tương thích với hình dạng của abutment. Thay vì chỉ rạch đơn giản phần mô này, thường cũng rất hữu hiệu khi sử dụng phương pháp được miêu tả bởi Palacci, đó là giữ lại sự bám dính ở một đầu của phần mô này rồi cuộn nó xoay quanh abutment để đảm bảo bao phủ tốt phần xương.
Điều này sẽ hỗ trợ tạo dạng mô mềm nhưng sẽ không nhất thiết tạo được chiều cao gai nướu giữa các abutment giống như ban đầu. Hình dạng của gai nướu phụ thuộc vào sự có mặt của các răng bên cạnh, sự bám dính tốt ở mặt bên các răng này và việc tạo dạng thoát cho não răng bên cạnh một cách cẩn trọng.
Ta nên chọn chiều cao của trụ lành thương sao cho nó chỉ vừa thoát ra khỏi mô mềm và không đòi hỏi phải điều chỉnh phục hình tạm quá nhiều. Có xu hướng ủng hộ việc sử dụng trụ lành thương có chiều rộng khác nhau tương ứng với kích thước của răng được phục hồi, bằng cách đó tạo được hình dạng mô mềm phù hợp ngay từ giai đoạn sớm. Tuy nhiên, bề rộng của trụ lành thương có thể bị quá mức và gây hại cho hình dạng mô mềm. Tác giả tán thành việc sử dụng trụ lành thương hẹp hơn răng được phục hồi một chút rồi sau đó nong rộng mô mềm bằng phục hình tạm hoặc phục hình sau cùng.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D.Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply